Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn: Một hướng đầu tư thiết thực, hiệu quả
EmailPrintAa
08:39 24/05/2013

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp triển khai nhằm góp phần vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Sau hơn 3 năm thực hiện, Đề án bước đầu đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Một chủ trương đúng đắn và rất cần thiết

Xã, phường, thị trấn (cấp xã) là cấp quản lý hành chính thấp nhất trong hệ thống quản lý hành chính nước ta, nhưng lại là cấp sâu sát nhất. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải thông qua cơ sở, phải được thực hiện ở cơ sở để tạo thành phong trào hành động của nhân dân. Để góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiến hành khảo sát, xây dựng Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trình Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ngày 10-2-2009, Ban Bí thư đã ra Thông báo số 220-TB/TW đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, trong hai năm 2009, 2010, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện thí điểm Đề án trang bị sách cho hơn 4.000 xã, phường, thị trấn của 16 tỉnh, thành phố trong cả nước với 45 đầu sách. Từ kết quả thực tế thí điểm của Đề án, Ban Bí thư đã cho chủ trương triển khai Đề án trong phạm vi cả nước. Năm 2011, Đề án đã xuất bản 69 đầu sách, với 1,5 triệu bản in, cung cấp cho 11.138 xã, phường, thị trấn. Năm 2012, Đề án xuất bản 86 đầu sách và DVD-ROM Sách xã, phường, thị trấn với gần 2,25 triệu bản in.

Các ấn phẩm trong Đề án đã bám sát yêu cầu của cơ sở, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI và các hội nghị Trung ương của Đảng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở. Các đầu sách phổ biến pháp luật phục vụ kịp thời cho việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc, thường xảy ra ở cơ sở như: chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã; tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo... Các đầu sách cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ cung cấp những kỹ năng tác nghiệp cần thiết để xử lý công việc hằng ngày của cán bộ cấp xã. Các đề tài sách như Bí quyết làm giàu từ chăn nuôi, Hướng dẫn nhà nông làm giàu, Những điều cần biết khi chung sống với điện, Thuốc thường dùng… được bà con nông dân rất quan tâm tìm hiểu. Bên cạnh những đề tài chung, còn có những đề tài sách phù hợp với đặc trưng từng vùng miền như: Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc Kh’me ở cơ sở xã, phường, thị trấn khu vực Tây Nam Bộ… 

Để thống nhất việc tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng sách thuộc Đề án ở cơ sở có hiệu quả, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án trong toàn quốc và tổ chức biên soạn các tài liệu hướng dẫn cần thiết; ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm hướng dẫn thực hiện và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành ủy đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức xây dựng quy chế, nội quy quản lý, khai thác, sử dụng sách cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Các xã, phường, thị trấn lập sổ quản lý sách và tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đọc sách. Tùy theo điều kiện cụ thể, các xã, phường, thị trấn bố trí đặt tủ sách tại văn phòng Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, nhà văn hóa xã, bưu điện văn hóa xã hoặc bố trí phòng đọc riêng. Nhiều địa phương đã tổ chức tốt việc luân chuyển sách xuống các tổ dân phố, làng, bản, thôn, ấp để phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân. Nhiều xã, phường, thị trấn đã phân công 1 đồng chí lãnh đạo đảng ủy trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tủ sách, bố trí cán bộ quản lý tủ sách và tổ chức các hình thức phục vụ phong phú tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đọc và mượn sách. 

Trong công tác quản lý, sử dụng sách đã xuất hiện một số mô hình sử dụng sách có hiệu quả đáng ghi nhận ở các địa phương. Tại xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), sách của Đề án được quản lý, khai thác sử dụng tại thư viện xã thuộc Trung tâm học tập cộng đồng. Thư viện xã có phòng đọc riêng, đến nay gần 200 người được cấp thẻ, thường xuyên tới đọc sách. Đối tượng đọc sách ở thư viện chủ yếu là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, giáo viên, học sinh và một bộ phận quần chúng nhân dân trong xã. 

Ở xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), sau khi tiếp nhận sách của Đề án, Đảng ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân giao trực tiếp cho cán bộ tư pháp xã quản lý; xây dựng quy chế về quản lý, sử dụng sách. Cán bộ, đảng viên xã bắt buộc phải đọc sách, báo vào buổi sáng thứ hai hằng tuần, sau đó mới tổ chức giao ban đầu tuần; định kỳ mỗi tháng tự lựa chọn một số nội dung hay gắn với nhiệm vụ của bản thân để nghiên cứu, học tập từ sách, báo.

Kết quả thực hiện Đề án cho thấy, việc sử dụng và khai thác các ấn phẩm ở xã, phường, thị trấn chủ yếu nhằm phục vụ công việc hằng ngày của cán bộ cấp xã về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các chi bộ, tổ dân phố, ấp, khóm đọc để tìm hiểu, bổ sung kiến thức cần thiết. Trong điều kiện nguồn kinh phí của các xã, thị trấn dành cho việc mua sách, báo, tài liệu phục vụ công tác còn khó khăn, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa, việc triển khai trang bị sách của Đề án đã góp phần giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng trong công tác chuyên môn, kiến thức về lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đời sống... 

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án của các tỉnh, thành ủy đều khẳng định Đề án trang bị sách cho cơ sở là chủ trương đúng đắn của Ban Bí thư, thiết thực góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận, tìm hiểu và vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. 

Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở tiếp nhận nhiều nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt là trên các mạng xã hội, nguồn thông tin không chính thống, thiếu chuẩn xác, trên thị trường xuất bản có nhiều loại sách chất lượng chưa bảo đảm, kiến thức, thông tin chưa được biên tập, thẩm định kỹ lưỡng. Do vậy, sách của Đề án đã trở thành nguồn thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước cung cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở.

Vẫn còn những hạn chế, khó khăn

Tuy Đề án đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương, mục đích, yêu cầu của Đề án; thiếu thông tin về danh mục sách, đơn vị được tiếp nhận, hình thức quản lý, sử dụng,... nên khi tiếp nhận sách của Đề án còn lúng túng trong công tác tổ chức quản lý, sử dụng.

Hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa có phòng đọc riêng; thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc. Sách của Đề án hầu hết đặt tại trụ sở ủy ban nhân dân xã, nên không thuận tiện cho quần chúng nhân dân tới đọc và mượn sách.

Số lượng sách của Đề án gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Mỗi xã, phường, thị trấn được trang bị 2 bộ sách, chủ yếu phục vụ cho đối tượng là cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã tìm hiểu, tra cứu để xử lý công việc hằng ngày. Trong điều kiện ở cấp xã có nhiều thôn, bản (nhiều xã có 10-15 thôn, bản), nằm cách xa trung tâm xã, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa nên nhân dân rất khó tiếp cận được sách của Đề án. 

Mặt khác, cán bộ quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án ở cơ sở đều thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, không có chế độ phụ cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Đề án.

Phát huy hiệu quả Đề án

Sau hơn 3 năm thực hiện, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa thiết thực. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của Đề án, cần tiếp tục tăng cường việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả sách được trang bị. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, phải gắn chặt việc quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương. Bên cạnh việc hỗ trợ sách của Trung ương cần có sự quan tâm chỉ đạo, chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền thông qua việc xây dựng chương trình, đề án đầu tư cơ sở vật chất, bố trí phòng đọc hợp lý, xây dựng và thực hiện nội quy, quy chế quản lý, khai thác, sử dụng sách ở cơ sở. 

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chủ trương đúng đắn của Ban Bí thư, về mục đích, yêu cầu của Đề án, về trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo thực hiện Đề án. Cần tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thông qua các cuộc họp chi bộ, chi hội, đài truyền thanh xã để nghiên cứu, tìm hiểu qua sách về các lĩnh vực phục vụ công tác của mình. 

Cán bộ quản lý sách phải được phân công trách nhiệm cụ thể, được tập huấn, có hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình trong công việc để hướng dẫn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đọc, tra cứu tìm hiểu kiến thức, thông tin. Đồng thời, cần tổ chức luân chuyển sách của Đề án đến tủ sách các thôn, bản để nhân dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn thông tin từ sách, tìm hiểu học tập và áp dụng vào sản xuất, đời sống. Trong công tác quản lý, tổ chức phong trào đọc sách ở cơ sở, cần nghiên cứu mô hình hợp nhất các nguồn sách được trang bị (tủ sách lý luận chính trị, sách pháp luật, bưu điện văn hóa) vào thiết chế thư viện, nhà văn hóa xã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với đối tượng tiếp nhận, khai thác, sử dụng sách của Đề án.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, bám sát cơ sở để nắm bắt nhu cầu, đánh giá đúng tình hình quản lý, sử dụng sách của Đề án; tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án hằng năm; kịp thời phát hiện những mô hình tốt để phổ biến rộng rãi, phản ánh những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân liên quan đến việc quản lý, sử dụng sách; động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án.

Việc triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng đắn và rất thiết thực của Ban Bí thư, đã và đang có tác động rất tích cực trong việc góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã; mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đưa kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, đời sống đến cơ sở; góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và các hội nghị Trung ương của Đảng./.


    Ý kiến bạn đọc