Tránh tư duy 0.4 trong bối cảnh 4.0
EmailPrintAa
16:40 25/04/2019

Chính phủ, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới và thực tiễn cũng đang đòi hỏi từng cán bộ làm công tác thể chế cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy quản lý, tránh tình trạng tư duy 0.4, cán bộ 0.4 trong bối cảnh cách mạng 4.0.

Một phiên họp Chính phủ thường kỳ. Ảnh: VGP

Thời gian vừa qua, hàng loạt vấn đề, vụ việc liên quan tới cơ chế, chính sách đã gây tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn, trong bối cảnh Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2019 đã nhấn mạnh: Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, các bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 02 năm 2019 của Chính phủ cũng nêu rõ, hệ thống thể chế phải thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo. Tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhất là những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng; tập trung chỉ đạo cải cách hành chính thực chất hơn nữa, quyết liệt xóa bỏ những rào cản hành chính, những khoảng trống pháp lý dễ tạo cơ hội cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tại cuộc tọa đàm “Văn bản ban hành phải vì cuộc sống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, ý kiến các chuyên gia và cơ quan quản lý cũng đều nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy quản lý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Theo các ý kiến này, công tác xây dựng văn bản thời gian vừa qua có những chuyển biến quan trọng. Quy trình soạn thảo văn bản pháp luật minh bạch, công khai hơn. Chất lượng văn bản pháp luật nhìn chung được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với trước đây rất nhiều.

Riêng trong năm 2018, Chính phủ đã ban hành hàng chục nghị định để sửa đổi các nghị định về điều kiện kinh doanh, rất nhiều điều kiện kinh doanh được tháo gỡ, đây là nét tích cực, chuyển động rõ nét trong quá trình thực thi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và công tác xây dựng văn bản pháp luật thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những văn bản pháp luật chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn của cuộc sống. Trong đó, nổi lên việc văn bản pháp luật hướng dẫn không rõ ràng, đầy đủ cho nên khi thực thi ở phía dưới rất lạm dụng và việc chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Nhìn rộng hơn, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, thậm chí đối với một số ngành hàng, doanh nghiệp đánh giá rủi ro chính sách còn lớn hơn rủi ro kinh doanh. Những điều tra doanh nghiệp gần cho thấy gánh nặng thực thi quy định pháp luật với nhiều doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến những bất cập, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật, mà trước hết là do tư duy quản lý. Chẳng hạn như tư duy can thiệp vào tự do kinh doanh, tự chủ kinh doanh vẫn phổ biến. Hiện nay còn rất nhiều thủ tục hành chính yêu cầu doanh nghiệp trình phương án kinh doanh.

“Khi cấp hồ sơ, làm thủ tục nhiều doanh nghiệp vẫn không hiểu tại sao doanh nghiệp phải trình cơ quan quản lý Nhà nước phương án kinh doanh. Liệu có doanh nghiệp nào thật thà đến mức phương án kinh doanh vốn là bí mật của mình lại được kê khai một cách chi tiết hay không? Liệu cơ quan Nhà nước có đủ tư duy, đủ thông tin, đủ sự nhanh nhạy để thẩm định duyệt phương án kinh doanh để phù hợp hay không. Hay là một thói quen thích cấp phép?”, ông Đậu Anh Tuấn đặt vấn đề.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM, một văn bản chất lượng kém thì ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Bà Thảo nhắc tới Nghị định 15 năm 2018 của Chính phủ về an toàn thực phẩm với những sửa đổi mang tính đột phá, qua đó có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp đến hàng nghìn tỷ đồng trên một năm, hàng triệu ngày công. Việc thay đổi cách thức quản lý đối với an toàn thực phẩm, chúng ta vẫn bảo đảm được yêu cầu đối với an toàn thực phẩm trong khi giảm được chi phí xã hội rất lớn.

Bà Nguyễn Minh Thảo nhận định, khi liên tục có chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Chính phủ hay sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội, thì các quy định gây khó cho doanh nghiệp đã từng bước được cắt giảm, điển hình như các  Nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh đã được ban hành, nhiều điều kiện đã được cắt giảm thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đánh giá của CIEM cho thấy có khoảng 30% - 40% đã thay đổi thực chất.

“Tuy nhiên, sau thời gian áp lực phải ban hành các văn bản thì sự quan tâm của cộng đồng, của doanh nghiệp, của Chính phủ giảm dần bởi vậy mà xuất hiện thêm một vài văn bản khác; đang có xu hướng quay trở lại hoặc tìm kiếm một cách thức quản lý khác. Cũng có thể do các bộ, ngành lo ngại nếu không quản lý sẽ gây ra những hậu quả; tư duy quản lý vẫn theo cách cũ, vẫn quản theo hướng “xin cho” thay vì quản lý theo rủi ro”, bà Nguyễn Minh Thảo nhận định.

“Chính vì vậy cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng những giải pháp gần đây của Chính phủ về việc hoàn thiện thể chế, tăng cường chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đây là giải pháp rất quan trọng, đúng với những vấn đề của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Trước đó, tại cuộc kiểm tra 6 Bộ của Tổ công tác của Thủ tướng chiều 22/4 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhiều vấn đề về tư duy quản lý  được đề cập với các ý kiến tranh luận.

Chẳng hạn như quy định về giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ đối các cơ sở lưu trú du lịch, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quan điểm cần thay đổi cách thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý không buông lỏng nhưng cần tháo thủ tục cho doanh nghiệp.

“Quan điểm của chúng tôi là cấp giấy phép này là không cần thiết, mà doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc bán rượu, có hợp đồng với cơ sở, sản xuất kinh doanh rượu đạt yêu cầu. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ theo hướng như vậy. Nếu chỉ đặt vấn đề quản lý mà không tạo điều kiện cho phát triển thì chỉ đạt được một mục tiêu thôi”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và nhấn mạnh, “đừng lấy  lý do không kiểm soát được mà sinh ra các thủ tục”.

Trên thực tế, công tác điều hành trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không những đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, rốt ráo về công tác xây dựng thể chế nói chung mà còn trực tiếp xử lý nhiều vấn đề cụ thể trước những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống.

Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc tới vai trò hết sức quan trọng của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, cần sự tỉnh táo, xem xét kỹ để chống cài cắm lợi ích, tránh những nội dung không thực tiễn, không đi vào cuộc sống, có sự chồng chéo, gây phiền hà, khó khăn hơn, thủ tục trói buộc hơn…

Nguồn: chinhphu.vn


    Ý kiến bạn đọc