Tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh tại huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, biến động phức tạp của thị trường thế giới đến sản xuất nông lâm nghiệp, đời sống của người dân và xuất khẩu lâm sản, nhưng các địa phương trong cả nước trồng được hơn 240 nghìn héc-ta rừng trồng tập trung và 122 triệu cây xanh phân tán, bảo đảm hơn 70% nguồn nguyên liệu, cung cấp ổn định cho công nghiệp chế biến lâm sản với sản lượng 31,5 triệu mét khối gỗ, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt hơn 16,5 tỷ USD, đạt 102% so với kế hoạch năm và tăng 5% so với năm 2021.
Đến nay, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao; công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể; thu dịch vụ môi trường rừng năm 2022 đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành, đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Để phát triển bền vững các vùng nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất, việc trồng cây, gây rừng gắn với bảo vệ rừng hiệu quả đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, các địa phương, đơn vị, tổ chức và mọi công dân cần chủ động tích cực tổ chức tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão gắn với triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2023.
Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” đối với các tỉnh phía bắc tiến hành vào đầu Xuân năm mới, đối với các tỉnh phía nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/5) hoặc các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể.
Việc tổ chức phát động “Tết trồng cây” cần thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô hình tốt, sáng tạo.
Nguồn: DŨNG MINH/nhandan.vn
( https://nhandan.vn/trong-cay-gan-voi-bao-ve-rung-hieu-qua-post736096.html )
Tin mới cập nhật
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( 15/11)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ( 13/11)
- Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội ( 12/11)
- Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng ( 07/11)
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả ( 05/11)
- Những kết quả đạt được về KT-XH là rất tích cực, khả quan ( 04/11)