Tuần làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH
EmailPrintAa
15:56 11/06/2012

Trong tuần làm việc thứ ba kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII (từ ngày 4 - 8/6), Quốc hội đã tiến hành nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri nhân dân cả nước như: thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN năm 2011 và việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN những tháng đầu năm 2012; thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thảo luận đóng góp ý kiến vào 2 Đề án quan trọng của Quốc hội và Chính phủ...
Đã có 43 ý kiến đại biểu phát biểu và 4 thành viên Chính phủ tham gia giải trình trong phiên thảo luận thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN năm 2011 và việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN những tháng đầu năm 2012.
Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng trong điều kiện khó khăn thách thức cả trong và ngoài nước thì kết quả đạt được của năm 2011 rất đáng trân trọng. Lạm phát được kiềm chế, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đạt yêu cầu. Nền kinh tế tốc độ tăng trưởng khá, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, các nguồn thu ngân sách nhà nước tăng so với dự toán và so với Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2011. Bội chi ngân sách 4,9% GDP thấp hơn kế hoạch 5,3%, giảm dư nợ công của đất nước.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2012, mặc dù tăng trưởng quý I thấp hơn các năm trước nhưng lại cao hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất giảm, xuất khẩu chuyển biến tốt, giảm nhập siêu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội đang còn nổi lên những tháng đầu năm như: khó khăn của doanh nghiệp cùng với tình trạng thua lỗ, tiêu cực, nợ nần của một số doanh nghiệp Nhà nước. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, nạn phá rừng, khai thác bừa bãi tài nguyên, khoáng sản, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, khiếu kiện kéo dài của nhân dân chủ yếu về đất đai. Đây cũng là những vấn đề bức xúc của nhân dân, của cử tri.
Trên cơ sở phân tích tình hình và đánh giá kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ tiếp tục có nhiều giải pháp, chính sách tích cực và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành để sớm khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém. Nhanh chóng giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, nhưng linh hoạt để vừa ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát, vừa chống suy giảm kinh tế, tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đầu tư cho những công trình hạ tầng kinh tế xã hội trọng yếu của đất nước, tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đối với an sinh xã hội, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo, chỉ đạo giải quyết nhanh dịch bệnh lạ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giải quyết nạn quá tải bệnh viện và mức cân bằng giới tính trẻ sơ sinh, giải quyết những bất cập về tiền lương, phụ cấp lương, về chế độ, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở và nhiều vấn đề bức xúc của xã hội khác mà cử tri có nhiều kiến nghị.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư điều kiện làm việc, đời sống vật chất tinh thần cho lực lượng biên phòng, cho cán bộ và nhân dân ở vành đai biên giới phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, quân, dân, y kết hợp để vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với chăm lo cuộc sống của nhân dân vùng biên. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước hoạt động giám sát của Quốc hội để tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lành mạnh và minh bạch hóa đời sống kinh tế-xã hội.
Một nội dung quan trọng khác diễn ra trong tuần đó là Quốc hội nghe Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tập trung thảo luận để làm rõ thêm các nội dung của Báo cáo.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Quốc hội đã chọn vấn đề này đưa vào chương trình giám sát năm 2012. Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát đã cung cấp cho Quốc hội rất nhiều thông tin tổng hợp về tình hình ban hành chính sách, pháp luật cũng như kết quả thực hiện việc đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; những thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế, yếu kém và chỉ ra các nguyên nhân chưa được. Trên cơ sở đó sát đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật để tổ chức thực hiện đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.
Tham gia phiên thảo luận này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Đoàn Hà Tĩnh đã có bài phát biểu kiến nghị thêm một số vấn đề đó là: khi đưa vào kế hoạch, thẩm định, phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án cho nông nghiệp, nông thôn cần được cần được rà soát, phân cấp cho các địa phương có thể linh hoạt lồng ghép với các chương trình, mục tiêu khác để thu hút và phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực; trong tái cơ cấu đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần phải xuất phát từ nhu cầu lợi ích của cơ sở, tạo sự chủ động và động lực cho nhân dân; cần quy định rỏ trách nhiệm đầu mối từ Trung ương đến địa phương trong các chương trình mục tiêu này để có cơ chế phân cấp quản lý, giám sát chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình nông thôn, nông nghiệp, nông dân trong thời gian tới.
 ĐB Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận
Trong tuần, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền tinh tế.
Tham gia thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận đề nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi bổ sung các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội vào trong Hiến pháp và các luật khác có liên quan; xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội trong từng khâu, từng công đoạn của quy trình lập pháp như lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 5 năm và hàng năm, trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật. Đề nghị Quốc hội cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát, tăng cường số lượng các cuộc giám sát, giải trình báo cáo trước Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về những vụ việc bức xúc nổi cộm được cử tri, dư luận đặc biệt quan tâm.
Về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, các vị đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội cần phân định rõ giữa việc bỏ phiếu theo thẩm quyền Quốc hội và vấn đề lấy ý kiến thường xuyên theo tinh thần nghị quyết Trung ương Đảng; quan tâm nhiều hơn tới một số vấn đề khác như: tăng cường hơn nữa công tác đối thoại, sắp xếp, điều chỉnh chương trình cho hợp lý; trong điều hành của chủ tọa tại các phiên họp của Quốc hội cần có sự bố trí để các đoàn, các vùng, miền, các giới, các lĩnh vực đều được phát biểu.v.v.
Về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, cơ bản các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng đề án một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, thống nhất cao sự cần thiết tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và mục tiêu chính là hướng tới con người - chủ thể xã hội, chủ thể kinh tế để hướng đến mục tiêu cao hơn, đó là dân giàu, nước mạnh.
Các đại biểu đề nghị cần phải thể hiện trong đề án tái cơ cấu kinh tế theo ngành, theo lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và trong từng ngành lại phải có cơ cấu trong nội bộ từng ngành. Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế, hay cơ cấu đầu tư cũng cần phải tính đầu tư công, khu vực công, khu vực tư và đầu tư toàn xã hội; cơ cấu lao động gắn với sự chuyển dịch lao động, cơ cấu các nguồn vốn gắn với sự phân bổ lại nguồn lực.
Trước mắt, các ý kiến đại biểu đề nghị cần khẩn trương tiến hành tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước. Gắn với thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế là 3 đột phá: hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu của đất nước.
Đề cập đến những vấn đề liên quan mật thiết, chịu sự tác động của quá trình tái cơ cấu kinh tế đó là những vấn đề tác động đến an sinh xã hội, đến môi trường và đến yếu tố khoa học công nghệ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế; đảm bảo mục tiêu an ninh quốc phòng, an ninh, hội nhập kinh tế thế giới và đối ngoại. Các vị đại biểu tham gia ý kiến đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các đề án thành phần, nội dung cụ thể có tính khả thi cao để thực hiện các nội dung trọng tâm của đề án tổng thể.
Do đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2012, trong đó có bao gồm nội dung của đề án nên dự kiến tại kỳ họp lần này Quốc hội sẽ không ra nghị quyết riêng. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các vị đại biểu, Quốc hội tiếp thu, nghiên cứu và có ý kiến kết luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế để Chính phủ hoàn thiện, phê duyệt, triển khai thực hiện. Hàng năm Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thực hiện Đề án trước Quốc hội cùng với việc báo cáo việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm.
Ngoài các nội dung quan trong trên, Quốc hội đã dành 1,5 ngày làm việc tại Tổ để thảo luận, góp ý về 4 dự án luật cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần này, đó là: Luật xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực và Luật hợp tác xã sửa đổi.
Tranh thủ thời gian bên lề kỳ họp, trong tuần này, cùng với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có các buổi làm việc với một số bộ, ban, ngành ở Trung ương; tổ chức gặp mặt giao lưu với Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố để mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư về cho địa phương trong thời gian tới.

    Ý kiến bạn đọc