Tuần làm việc thứ tư, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII
EmailPrintAa
09:48 18/06/2012

Quốc hội tổ chức chất vấn trực tiếp tại Hội trường; thảo luận 3 nội dung quan trọng liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và xem xét cho ý kiến vào 2 dự án luật cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp.
Trong tuần, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để chất vấn trực tiếp các bộ trưởng, trưởng ngành, đại diện của Chính phủ. Cùng với 1.204 ý kiến kiến nghị của tri cả nước gửi đến Quốc hội và 160 câu hỏi chất vấn bằng văn bản cho 19 Bộ trưởng, trưởng ngành và các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ tại kỳ họp lần này, đã có hàng trăm câu hỏi của các vị đại biểu, trong đó Đoàn Hà Tĩnh có các vị ĐB Võ Kim Cự, Trưởng Đoàn, ĐB Nguyễn Văn Phúc, đã trực tiếp chất vấn tham gia thảo luận, trao đổi với các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và tinh thần xây dựng cao, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi gọn, rõ, đi thẳng vào vấn đề, các thành viên Chính phủ trả lời nhiều vấn đề quan trọng mà cử tri cả nước quan tâm, nghiêm túc kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao, đồng thời nhận rõ trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của mình.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề đã hứa trước Quốc hội, trong đó tập trung vào một số vấn đề như:
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường: tập trung giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, chính sách giá cả trong đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị, tình trạng sử dụng đất lãng phí v.v... Bảo đảm đến năm 2013 hoàn thành căn bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi cả nước. Tích cực chuẩn bị trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 4 tháng 11 năm 2012; Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Thanh tra nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp từ nay đến 31/12/2012 tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp kéo dài được dư luận xã hội quan tâm và công bố, công khai việc giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan tâm việc đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu đô thị bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi; Có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, có một chương trình mục tiêu Thủ tướng đã phê duyệt tôi nghĩ chúng ta cần phải triển khai một cách tích cực hơn.
Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: cần tập trung mọi nguồn lực của cả nước, toàn quân, toàn dân, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đã đề theo Nghị quyết của Quốc hội; Từng bước hoàn thiện và tổ chức thực hiện có kết quả đề án tái cơ cấu đầu tư công, đẩy nhanh việc giải ngân và quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA. Xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư vốn nhà nước, trong đó có đầu tư vào doanh nghiệp. Xử lý đồng bộ các vấn đề về cơ chế chính sách, phân cấp quản lý, huy động nguồn lực, bảo đảm tăng cường chất lượng và giải quyết các bất cập yếu kém trong lĩnh vực đầu tư công theo đúng tinh thần đề án mà Bộ Kế hoạch đã trình, Chính phủ đã duyệt và Quốc hội đã thảo luận để tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt đề án; Hoàn thiện cơ chế pháp lý về quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, giải quyết các vấn đề về đại diện chủ sở hữu phân cấp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý tổng hợp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước v.v... với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước; Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, bảo đảm công bằng hợp lý có ưu tiên cho vùng, miền, ngành, lĩnh vực cụ thể theo đúng định hướng chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ. Đẩy nhanh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Rà soát tiến hành một cách thận trọng, chú ý tới hiệu quả trong việc tiết giảm đầu tư công, trong việc cắt giảm danh mục đầu tư hài hòa với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm lạm phát để đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời cũng sẽ có nhiều giải pháp để huy động nguồn lực bù vào nguồn cắt giảm từ đầu tư công.
Đối với lĩnh vực công thương: thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đồng bộ, linh hoạt, từng bước hạ lãi suất tín dụng, tăng tín dụng ở mức hợp lý. Đồng thời với việc cơ cấu lại và giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế; Có lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng, dầu, than, phân bón, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững. Rà soát quy hoạch ngành điện nói chung và quy hoạch phát triển thủy điện, kiên quyết loại bỏ và dừng các dự án không đạt các tiêu chí xã hội, môi trường, chất lượng, an toàn, hiệu quả. Tiếp tục kiểm tra, bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, rà soát, nghiên cứu, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện; Đấu tranh tích cực chống gian lận thương mại trong tiêu thụ hàng hóa, nông sản, có chính sách định hướng, vận động tiêu thụ sản phẩm nội địa, phát triển ổn định thị trường trong và ngoài nước, xây dựng thị trường hàng hóa phát triển hài hòa và bền vững.
Đối với lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm: Tập trung chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức các đợt truy quét tội phạm, nhất là các tội phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, các tội phạm nguy hiểm, bảo đảm môi trường bình yên cho nhân dân trong phát triển kinh tế và xã hội; Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Đảng bộ và chính quyền các cấp, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, tạo được những chuyển biến tích cực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Xây dựng lực lượng công an nói chung, các lực lượng chuyên ngành nói riêng trong sạch, vững mạnh, luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.

  

Đại biểu Trần Tiến Dũng phát biểu góp ý vào Luật Dự trữ quốc gia

Sau khi các Bộ trưởng tiến hành trả lời chất vấn, đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo bổ sung làm rõ thêm những vấn đề Quốc hội đặt ra đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, đồng thời nêu một số quyết tâm của Chính phủ như: phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch, mục tiêu tổng quát cũng như các chỉ tiêu; quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp, chú trọng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ hoàn thiện thể chế tới việc kiểm tra, kiểm soát; tập trung ưu tiên hơn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đào tạo lao động cho nông thôn, nông nghiệp và chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc ở vùng khó khăn, trong chính sách dân tộc các vùng khó khăn có chính sách tạo đột phá để giải quyết ngay đối với đồng bào tái định cư khi làm một số thủy điện; đồng thời với việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh tăng trưởng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của năm 2012; thực hiện đồng bộ việc hoàn thiện thể chế trong việc tuyên truyền để giáo dục về ý thức thi hành pháp luật và trong việc tăng cường chất lượng đào tạo để lớp thanh thiếu niên ý thức đối với xã hội và văn hóa ứng xử cũng như là lối sống để làm người một cách tốt hơn trong thời gian tới.
Trên cơ sở Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và kết quả chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Dự kiến sau phiên họp này Quốc hội sẽ xem xét quyết nghị và giao cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các ngành, các cấp ở trung ương và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, tích cực giải quyết các kiến nghị của đồng bào, cử tri cả nước và các nội dung chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội chưa được trả lời chất vấn tại Hội trường.
Một số nội dung quan trọng diễn ra trong tuần làm việc thứ 4 đó là Quốc hội đã thảo luận về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 và Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012
Tham gia phần thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, các ý kiến thảo luận đều tán thành những nội dung, số liệu và phần thuyết minh của báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 của Chính phủ và những đánh giá, nhận xét của Ủy ban tài chính ngân sách trong báo cáo thẩm tra và giao cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc những kết luận, kiến nghị của cơ quan thẩm tra, cơ quan kiểm toán nhà nước. Các ý kiến đều cho rằng quyết toán ngân sách nhà nước 2010 đã được tổng hợp đầy đủ từ quyết toán ngân sách nhà nước 2010 của các đơn vị và địa phương. Số liệu quyết toán cũng đã được kho bạc nhà nước xác nhận. Báo cáo quyết toán đã được kiểm toán nhà nước xác định tính đúng đắn, hợp pháp, đủ điều kiện theo Luật ngân sách nhà nước để trình ra Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại kỳ họp lần này.
Các vị đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm công tác lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, cũng như công tác điều hành nhiệm vụ thu, chi; quan tâm tới nhiệm vụ chi về sự nghiệp khoa học và công nghệ; đề nghị việc điều hành ngân sách nhà nước cần khắc phục những mặt hạn chế thường kỳ.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội

Trong phần thảo luận về đề nghị của Chính phủ bổ sung một số danh mục vào Danh mục dự án được sử dụng trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn đến năm 2015, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất tính hợp lý của việc đề xuất bổ sung một số dự án ngoài danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 đã quy định tại Nghị quyết số 12 của Quốc hội, thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 9/11/2011, cũng như tính cấp bách, cần thiết của từng dự án đề nghị bổ sung vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và tính hợp lý của việc giao Chính phủ chủ động phân bổ vốn theo tiến độ thực hiện một số dự án của trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2011 - 2015.
Tham gia phát biểu ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc- Đoàn Hà Tĩnh cho rằng chủ trương cắt giảm đầu tư công thời gian qua ở một số công trình chưa hợp lý, trong đó có nhiều công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhà nước bị thiệt hại rất lớn về kinh tế, nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề về đời sống do việc cắt giảm đầu tư và đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần lắng nghe thêm quan điểm của cử tri, người dân trước khi cắt giảm đầu tư công. Về thảo luận Danh mục dự án được sử dụng trái phiếu Chính phủ cho cả giai đoạn, Quốc hội chỉ thông qua tổng thể thông qua các tiêu chí, nguyên tắc rồi giao cho Chính phủ. Do vậy, Chính phủ cần phải linh hoạt trong điều hành để đáp ứng được những phát sinh từ các địa phương hoặc thay đổi nhu cầu các dự án trong suốt cả giai đoạn đã được quyết định…
Trong phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012, trên cơ sở phân tích tình hình khó khăn của những tháng đầu năm 2012, các đại biểu đã thảo luận thống nhất cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đi sâu vào các nội dung cụ thể, các ý kiến đại biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng như trong tờ trình và đề nghị Quốc hội xem xét mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng chính sách, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp; xem xét cơ cấu lại nợ của các doanh nghiệp không thuộc diện thụ hưởng chính sách này để tránh cho các doanh nghiệp phải phá sản. Về việc miễn, giảm thuế khoán đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012, các ý kiến đồng tình với Chính phủ cần áp dụng chính sách này vì đối tượng thụ hưởng là những người lao động hưởng lương thấp, những người nghèo và động viên nhiều hộ cá nhân đang kinh doanh nhỏ lẻ, cung cấp dịch vụ giá rẻ cho công nhân lao động.
Một nội dung đáng chú ý khác, mặc dù Chính phủ không đề nghị nhưng Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị lại nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu, đó là miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 và giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng trên một số lĩnh vực. Đồng thời bổ sung thêm các đề nghị như miễn thuế thu nhập cá nhân không chỉ bậc 1 mà cho tất cả các bậc, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực theo danh mục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp xuống từ 20-25%. Ngoài ra các đại biểu cũng quan tâm đến các vấn đề liên quan tới chi phí doanh nghiệp phải chịu do cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay do việc thực hiện quy định phải nộp kinh phí công đoàn.
Trong tuần, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII; tiến hành thảo luận công khai về 2 dự án cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này đó là: Luật dự trữ quốc gia và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và tổ chức họp kín đểThảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật biển Việt Nam .
Trong phiên thảo luận về Luật dự trữ quốc gia, Đại biểu Trần Tiến Dũng - Đoàn Hà Tĩnh đã có bài phát biểu góp ý thêm một số nội dung của dự án luật như: bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 5 "Mục đích và chính sách của nhà nước về dự trữ quốc gia"; đề nghị không đưa vào nội dung để bình ổn giá thị trường góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo an sinh xã hội v.v.; về trách nhiệm của quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị bỏ Khoản 2: thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật; xem xét lại các quy định về xử lý vi phạm cho phù hợp theo điều luật tố tụng và Bộ luật hình sự.
Về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc- Đoàn Hà Tĩnh đã có bài phát biểu đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan của Chính phủ tích cực chuẩn bị các văn bản sớm đưa luật vào cuộc sống để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc về quản lý thuế, thất thu, nợ đọng thuế mà cử tri cả nước đã nêu nhiều lần và đại biểu Quốc hội đã nêu trong nhiều kỳ họp. Đại biểu Nguyên Văn Phúc cũng thẳng thắn đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn để có những quy định vừa đảm bảo chống thất thu, nợ đọng thuế nhưng cũng phải tạo những thủ tục rất thuận tiện cho doanh nghiệp. Đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ cần phải làm rõ hơn về vấn đề chuyển giá như thực trạng chuyển giá ở Việt Nam và tác hại của việc chuyển giá như thế nào? Đề nghị nên thành lập một cơ quan điều tra về thuế thuộc Tổng Cục thuế, Bộ Công an nên thành lập cơ quan điều tra thuế thay cho Cục cảnh sát kinh tế như hiện nay để đảm bảo việc thực thi luật được nghiêm minh.

    Ý kiến bạn đọc