Quốc hội dành 2,5 ngày từ chiều 10/6 đến hết ngày 12/6 để tiến hành chất vấn các thành viên chính phủ.
Bước sang tuần làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 9/6, buổi sáng Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án luật: Căn cước công dân và Luật hộ tịch.
Buổi chiều quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Nghị quyết về phân bổ, sử dụng từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm chi ngân sách Trung ương năm 2013.
Tiếp đó quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự và thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015.
Với quy định sẽ cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, Dự án luật căn cước công dân nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và đại biểu Quốc hội.
Một số đại biểu cho rằng, cần tính tới những yếu tố tiện lợi, khoa học để đảm bảo phù hợp với chủ trương giảm thủ tục hành chính và giảm sự phiền hà cho người dân.
Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật căn cước công dân, thẻ Căn cước công dân (thay thế cho tên gọi hiện nay là Chứng minh nhân dân) là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam và dần thay thế sổ hộ khẩu.
Thẻ cũng tích hợp một số thông tin cơ bản, do đó công dân có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác...
Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định sẽ cấp thẻ căn cước cho trẻ ngay khi làm thủ tục khai sinh.
Theo Thiếu tướng Trịnh Xuyên - Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa), đây là điểm mới, tiến bộ, thuận lợi, chặt chẽ hơn cho việc quản lý.
Ủng hộ việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc quản lý thông tin công dân, song luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc cấp, sử dụng thông tin căn cước công dân cần được quy định chặt chẽ đảm bảo theo nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm.
Căn cước công dân liên quan trực tiếp đến những quyền này, vì vậy xây dựng Luật căn cước công dân, phải tính tới yếu tố tiện lợi, đảm bảo đồng bộ với giấy tờ cũ và đảm bảo quyền bí mật cá nhân, không để tình trạng cơ quan nhà nước bắt người dân phải đi chứng minh số căn cước mới phù hợp với giấy tờ cũ.
Cũng trong tuần này, Quốc hội còn cho ý kiến về các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Dự án Luật đầu tư (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự và thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Đặc biệt theo chương trình, Quốc hội dành 2,5 ngày từ chiều thứ 3 đến hết ngày thứ 5 để tiến hành chất vấn các thành viên chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Phiên chất vấn sẽ được tường thuật trực tiếp trên hệ thời sự, chính trị tổng hợp của Đài Tiếng nói Việt Nam./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)