Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ
EmailPrintAa
09:39 20/03/2012

ND - Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã nêu ba vấn đề cấp bách và ba vấn đề này có mối liên hệ khăng khít nhau. Suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa là ở đội ngũ cán bộ, đúng như Bác Hồ đã nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc.
Khi nói về đội ngũ cán bộ, trước hết, cần có cái nhìn khách quan, toàn diện. Tổng kết mười năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, T.Ư khẳng định, đội ngũ cán bộ nước ta có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt,... là lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới... Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ được bổ sung về số lượng, chú trọng nâng cao về chất lượng. Tuy nhiên, để nêu rõ những yếu kém trong đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, đội ngũ cán bộ cấp T.Ư, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp T.Ư dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Do vậy, theo chúng tôi, để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết, cần tích cực khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Hướng tới mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, có rất nhiều việc cần thực hiện một cách đồng bộ, có việc nên làm ngay, làm quyết liệt để tạo những chuyển biến cụ thể, nhưng có việc cần lộ trình và bước đi thích hợp để không gây xáo trộn về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Thiết nghĩ, những việc có thể làm trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này là:
Thứ nhất: Tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Để làm tốt việc này, cần dựa trên kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân ở các cấp theo tinh thần Nghị quyết của T.Ư; Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị. Chính vì vậy, đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này có ý nghĩa rất quan trọng, không thể làm lướt, làm chiếu lệ, hình thức. Trước khi mở hội nghị kiểm điểm, các cấp ủy phải chuẩn bị thật kỹ để từng cán bộ chủ động, tự giác làm kiểm điểm một cách nghiêm túc theo chức trách, nhiệm vụ được giao; tổ chức lấy ý kiến góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Sau kiểm điểm, các cấp ủy có kết luận rõ ràng, để trên cơ sở đó bố trí sắp xếp lại cán bộ cho phù hợp, nhất là đối với những trường hợp hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác. Mạnh dạn cho nghỉ trước tuổi những cán bộ gần đến tuổi về hưu mà năng lực, uy tín thấp; sớm có kế hoạch đưa cán bộ còn nhiều năm công tác, có triển vọng phát triển nhưng chưa đủ tiêu chuẩn bằng cấp theo quy định đi đào tạo cơ bản tập trung, hạn chế học tại chức; dần dần khắc phục tình trạng bố trí cán bộ không đúng người, đúng việc, học nghề này, làm nghề khác. Rà soát sắp xếp lại đội ngũ cán bộ là việc phức tạp, nhạy cảm, nhưng cần thực hiện thường xuyên hằng năm, sớm phát hiện, xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật, yếu kém; thực hiện nghiêm phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" và xem đây là công việc bình thường trong công tác cán bộ; thực hiện nghiêm việc bổ nhiệm lại cán bộ.
Thứ hai: Để chuẩn hóa cán bộ, một việc không thể không làm đó là xây dựng và thực hiện mạnh mẽ công tác quy hoạch cán bộ. Ngày 30-11- 2004, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 42-NQ/T.Ư về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Nhưng thực tế công tác này chưa đáp ứng yêu cầu, cho nên đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng vừa qua, hầu hết các đảng bộ không đạt từ 15% trở lên cấp ủy viên trẻ như yêu cầu của Bộ Chính trị khóa X, không ít ban chấp hành, nhất là ban thường vụ của các đảng bộ trực thuộc Trung ương không bảo đảm sự kế thừa của ba độ tuổi, nhiều nơi, cán bộ chủ chốt có tuổi ngang nhau, đến khi về hưu là cùng về, dẫn đến sự hẫng hụt cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vì thế, lần này, các cấp ủy cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị về quy hoạch cán bộ. Trước mắt, trên cơ sở kiểm điểm tự phê bình và phê bình, rà soát lại quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không đủ điều kiện phát triển, đồng thời bổ sung nguồn mới phát hiện, bảo đảm mỗi chức danh có từ hai đến ba cán bộ dự nguồn. Sau đó, việc rà soát quy hoạch cần thực hiện thường xuyên hằng năm với phương châm "động và mở" đổi mới cách thức tiến hành theo hướng mở rộng dân chủ, khách quan, công bằng trong việc phát hiện nguồn; có sự tham gia của cán bộ, đảng viên, nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong việc nhận xét, đánh giá và giới thiệu cán bộ. Lấy kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ thường xuyên và định kỳ làm cơ sở để lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch. Quy hoạch có cơ cấu cán bộ hợp lý, kết hợp giữa ba độ tuổi, thực hiện trẻ hóa, độ tuổi trung bình khóa sau thấp hơn khóa trước; mỗi nhiệm kỳ đổi mới không dưới 1/3 tổng số ủy viên ban chấp hành. Quy hoạch cán bộ cần gắn kết với các khâu khác trong công tác cán bộ; là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, luân chuyển, sắp xếp, bố trí và sử dụng cán bộ; chỉ bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch và đủ các tiêu chuẩn theo quy định, khắc phục tình trạng nợ bằng cấp, bổ nhiệm rồi mới cử đi học; kiên quyết chống kiểu quy hoạch mang tính hình thức.
Thứ ba: Để quy hoạch cán bộ bảo đảm tính khoa học và thực chất, các cấp ủy cần sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn từng chức danh. Tiêu chuẩn chức danh cán bộ phải cụ thể phù hợp các loại hình tổ chức đảng, đặc điểm, tính chất hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị với đầy đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, tuổi tác và sức khỏe...
Công tác cán bộ thực chất là công việc về con người, vừa khó, vừa nhạy cảm. Mỗi một quyết định của tổ chức về công tác này đều liên quan sinh mệnh của những con người cụ thể. Bố trí sắp xếp lại cán bộ, từng bước chuẩn hóa cán bộ là việc đụng chạm đến nhiều người, nhưng đó là đòi hỏi tất yếu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, là yêu cầu cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Chúng ta làm có lý, có tình, thận trọng, nghiêm túc nhưng kiên quyết để mang lại hiệu quả sẽ hợp lòng dân và được đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị đồng tình ủng hộ.

    Ý kiến bạn đọc