UBTVQH thảo luận về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi)
EmailPrintAa
09:30 16/04/2014

Góp ý vào dự án Luật này, các đại biểu đề nghị phân định rõ địa vị pháp lý của các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng nay (15/4), Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên họp.

Theo các đại biểu, cần nâng cao vai trò, vị trí để Đoàn đại biểu Quốc hội có thể chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri tại địa phương. Có ý kiến đề nghị tăng thêm thẩm quyền đối với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Một điểm mới của dự thảo Luật là “Công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội”. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, công dân chỉ có thể dự khán, quan sát, theo dõi phiên họp của Quốc hội chứ không tham dự nhằm đảm bảo các phiên họp diễn ra trật tự, chất lượng.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội góp ý: “Khoản 4, Điều 33, quy định “Công dân có thể được tham dự các phiên họp ..” . Tham dự tức là có thể ngồi dự, đăng ký phát biểu, tranh luận. Tôi đi các nước thì công dân có thể vào nhưng chỉ là dự khán, quan sát để vẫn giữ được yên tĩnh cho kỳ họp. Cho nên theo tôi dùng từ là dự khán, quan sát, theo dõi trực tiếp hoặc gián tiếp các phiên họp của Quốc hội”.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (Điều 72), có ý kiến đề nghị để chuyên môn hóa hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy bản của Quốc hội thì số lượng thành viên không cần quá đông, nhưng tất cả hoặc phần lớn phải là đại biểu hoạt động chuyên trách (mỗi Ủy ban sẽ có khoảng từ 30 -50 % tổng số thành viên – phù hợp với dự kiến tăng cường đại biểu chuyên trách cho nhiệm kỳ tới).

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Kso Phước cho rằng: Cần xem lại cơ cấu, thiết chế của Hội đồng dân tộc để cơ quan này đại diện cho tiếng nói của tất cả các dân tộc, tăng số đại biểu là người dân tộc tham dự các Hội đồng nhân dân.

Một nội dung khác được các đại biểu góp ý là số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Có ý kiến đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội, ý kiến khác đề nghị số lượng đại biểu chuyên trách ít nhất 45% hoặc 50%. Tuy nhiên, để hài hòa giữa chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách và yêu cầu bảo đảm chất lượng cũng như khả năng tổ chức, bố trí nhân sự, Ban soạn thảo xin giữ nguyên quy định “số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội” như tại Điều 110 của Dự thảo.

Về nội dung “Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội", có ý kiến đề nghị quy định cụ thể Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, là thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có ý kiến đề nghị thay các chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bằng chức danh Tổng thư ký Quốc hội, ủy viên thư ký Quốc hội. Việc lập chức danh này thực chất là sắp xếp, bố trí lại công việc cho hợp lý hơn. Mô hình này cũng tương tự như mô hình tổ chức bộ máy giúp việc nghị viện của nhiều nước trên thế giới./.


    Ý kiến bạn đọc