Đại hội đồng UNESCO sẽ xem xét một chiến lược và ngân sách trung hạn 8 năm và ngắn hạn 4 năm.
Từ ngày 5-21/11, tại Paris (Pháp), diễn ra Đại hội đồng lần thứ 37 UNESCO, quy tụ nhiều nguyên thủ quốc gia và khoảng 150 bộ trưởng của 195 quốc gia thành viên tổ chức này. Đại hội đồng lần này sẽ xác định chiến lược và định hướng trung và ngắn hạn cho tổ chức này trong 8 năm tiếp theo. Đại hội đồng cũng xem xét kiến nghị của Hội đồng chấp hành đề cử đương kim Tổng giám đốc Irina Bokova tiếp tục lãnh đạo UNESCO thêm một nhiệm kỳ 4 năm.
Phát biểu khai mạc Đại hội đồng lần thứ 37, Chủ tịch Đại hội đồng Katalin Bogyay, Chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO Alissandra Cummins và Tổng giám đốc Irina Bokova đều nhấn mạnh vào việc thúc đẩy vai trò của tổ chức này trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thách thức đến hòa bình và phát triển.
Trong hai tuần họp, Đại hội đồng UNESCO sẽ xem xét một loạt các vấn đề quan trọng của tổ chức này. Đó là thông qua một chiến lược và ngân sách trung hạn 8 năm và ngắn hạn 4 năm, phù hợp với chiến lược phát triển của Liên Hợp Quốc (LHQ). Theo đó, UNESCO phải xác định việc sẽ đóng góp ra sao trong giai đoạn hậu 2015 – khi các Mục tiêu thiên niên kỷ kết thúc và LHQ đề ra các mục tiêu mới cho toàn thế giới. Trong đó, UNESCO đặc biệt đặt trọng tâm vào nhiệm vụ phát triển giáo dục ra sao sau năm 2015.
Toàn cảnh phiên họp Đại hội đồng lần thứ 37
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Dương Văn Quảng cho biết chiến lược mới của UNESCO phải chú trọng đến cải cách, theo yêu cầu khách quan của tình hình thế giới mới đòi hỏi mọi tổ chức quốc tế phải thay đổi cộng thêm yêu cầu nội tại trực tiếp của UNESCO là phải cải cách để tiết kiệm ngân sách trong bối cảnh Mỹ tiếp tục không đóng niên liễm sau khi UNESCO kết nạp Palestine.
Về các biện pháp khắc phục khó khăn về tài chính của UNESCO, Đại sứ Dương Văn Quảng cho biết: “Các biện pháp mà bà Tổng giám đốc đã đưa ra để vượt qua khủng hoảng tài chính gồm có 3 biện pháp lớn là lập một quỹ đặc biệt để kêu gọi các nước khác ngoài đóng góp. Biện pháp thứ hai là tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm các chi phí hành chính và vấn đề tuyển dụng cán bộ ở UNESCO. Tất nhiên cái đó có hai mặt, một là tiết kiệm ngân sách nhưng thứ hai cũng có hạn chế số lượng cán bộ của UNESCO và đặt ra vấn đề tính hiệu quả của bộ máy. Một biện pháp nữa là kêu gọi các thành viên tự nguyện đảm đương các hoạt động của UNESCO tại nước mình”.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Dương Văn Quảng (thứ nhất từ trái sang)
Mảng nội dung lớn thứ hai trong khuôn khổ Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37 là bầu cử, trong đó quan trọng nhất là bầu Tổng giám đốc. Trong phiên họp vào tháng trước, Hội đồng chấp hành đã thống nhất đề cử đương kim Tổng giám đốc Irina Bokova là ứng cử viên duy nhất cho chức vụ này nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo và nhiều khả năng Đại hội đồng sẽ thông qua đề cử này của Hội đồng chấp hành.
Trong hai tuần họp, Đại hội đồng lần thứ 37 sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng chấp hành, Chủ tịch Đại hội đồng và các ủy ban chuyên môn của UNESCO. Cũng trong tháng trước, Hội đồng chấp hành đã đề cử Thứ trưởng Bộ Giáo dục của Trung Quốc vào chức vụ Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO mới.
Bên lề Đại hội đồng lần này, còn có Diễn đàn thanh niên và Diễn đàn các nhà lãnh đạo thành viên của UNESCO./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)