Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận giảm mức thuế suất phổ thông xuống 23%
EmailPrintAa
09:11 19/03/2013

Chiều 18/3, tiếp tục Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Giảm mức thuế suất để tăng sức cạnh tranh

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dự kiến sửa đổi, bổ sung 10/20 điều của Luật hiện hành, gồm 8 nhóm vấn đề với 18 nội dung. Trong đó, nội dung về thuế suất và ưu đãi thuế được nhiều thành viên UBTVQH cho ý kiến.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công thương Vũ Thị Mai nêu rõ: Để thực hiện chiến lược cải cách thuế, đồng thời phù hợp với xu thế cải cách thuế của các nước, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 10, Luật Thuế TNDN theo hướng: Giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%; đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng (sau đây gọi là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa) được áp dụng thuế suất 20%. Số lao động và doanh thu làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là số lao động và doanh thu bình quân của 02 năm trước liền kề và được thực hiện ổn định trong thời gian 02 năm. 

Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói thêm, mức thuế suất phổ thông giảm xuống còn 23% và việc áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia: 25%; Philippin: 30%) và cũng không gây tác động giảm thu đột ngột, tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng; đồng thời, không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất thấp hơn so với các trường hợp thông thường sẽ có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh. 

Về tác động ngân sách, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Năm 2014, giả định chính sách thuế TNDN không có sự thay đổi thì dự kiến thu ngân sách nhà nước từ thuế TNDN khoảng 150.800 tỷ đồng, nếu điều chỉnh thuế suất từ 25% xuống 23% dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 12.064 tỷ đồng, nếu áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng. 

Để có thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện, bao gồm cả việc điều chỉnh phần mềm trong quản lý thu thuế và phần mềm kế toán có liên quan của doanh nghiệp, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội về hiệu lực thi hành của Luật này từ ngày 01/01/2014.

Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết: Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với chủ trương giảm thuế suất nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và đề nghị nghiên cứu, quy định ngay trong Luật về lộ trình giảm thuế suất đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Cụ thể: Giai đoạn 2014-2015, thuế suất 23%, đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ áp dụng thuế suất 20%; Giai đoạn 2016-2020, áp dụng thống nhất một mức thuế suất 20%; đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, cần được ưu đãi ở mức cao hơn, có thể quy định mức thuế suất 15%. 

Thảo luận về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ quan điểm, đồng ý hạ mức thuế suất theo như dự thảo, nhưng đề xuất tính toán giữa các vùng địa bàn để thu hút các doanh nghiệp đi vào các vùng khó khăn. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng băn khoăn, “nếu giảm mức thuế suất chung từ 25 xuống 23% thì mỗi năm, nguồn thu ngân sách giảm hơn 14 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, Chính phủ phải tính bù nguồn thu”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ mong muốn, cân nhắc nghiên cứu hạ thuế suất xuống mức 20%; đồng thời, đề nghị nên miễn thuế một số ngành nghề như đánh bắt cá ngoài biển; doanh nghiệp làm ăn ở nông thôn… để nhân dân được hưởng lợi.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị làm rõ giảm thuế suất sẽ tác động vào sản xuất kinh doanh như thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý, cần đảm bảo tính thống nhất của Luật này với các luật hiện hành. Bởi các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành cho thấy, ngoài nội dung ưu đãi thuế được quy định trong hệ thống pháp luật về thuế thì một số văn bản pháp luật chuyên ngành cũng đã quy định những nội dung ưu đãi về thuế TNDN. Do vậy, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị, rà soát lại các nội dung của Luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp của chính sách thuế trong điều kiện hội nhập, thực hiện các điều ước quốc tế hiện nay.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Băn khoăn từ tên gọi đến phạm vi điều chỉnh

Cũng trong phiên họp chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) bao gồm 5 chương và được chia thành 67 Điều. So với Luật hiện hành (gồm 11 chương, 86 điều), dự án Luật (sửa đổi) giảm 6 chương và 19 điều. Việc giảm số chương, điều nói trên là kết quả của sự rà soát, xử lý những nội dung trùng lặp, những nội dung không có giá trị kế thừa từ Luật hiện hành.

Dự án Luật nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các thành viên UBTVQH.

Về tên gọi của Dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, trước thực trạng hiện nay, chống lãng phí phải được coi là trọng tâm và việc sửa đổi phải thể hiện yêu cầu này. Do vậy, để thể hiện nội dung của Luật, đa số ý kiến đề nghị sửa tên Luật là "Luật Phòng, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm" thay cho tên Luật hiện hành.

Một số ý kiến khác cho rằng, nội dung của Luật chỉ nên tập trung vào phòng, chống lãng phí, còn tiết kiệm là yêu cầu đương nhiên đặt ra trong sản xuất, tiêu dùng của mọi tổ chức, cá nhân. Vì vậy, nên sửa tên Luật là “Luật Phòng, chống lãng phí”. 

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Hiến pháp đã quy định về trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hai cụm từ này có quan hệ mật thiết với nhau, đã thực hành tiết kiệm là chống được lãng phí, ngược lại, chống lãng phí cũng là biện pháp để thực hành tiết kiệm. Vì vậy, nên giữ tên Luật như hiện hành là ”Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” để đảm bảo tính thống nhất với quy định của Hiến pháp.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Luật, một số ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như Dự thảo Luật là rộng. Để bảo đảm tôn trọng quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mỗi tổ chức, cá nhân, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Luật chỉ nên tập trung vào quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đối với sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân và việc sử dụng nguồn lực khác không thuộc sở hữu toàn dân, thì cần có quy định để bảo đảm tính toàn diện, nhưng chỉ nên mang tính định hướng và khuyến khích thực hiện.

Với quan điểm này, các ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật các quy định mang tính điều chỉnh chung, trong đó có cả khối tư nhân, bao gồm các vấn đề liên quan đến lễ hội, tổ chức ma chay, cưới xin, và việc sử dụng các khoản chi lớn mang tính đóng góp của cộng đồng..., với tính chất là những quy định mang tính định hướng, khuyến cáo, góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm trong nhân dân. 

Một số ý kiến khác cho rằng, "tiết kiệm là quốc sách”, là chủ trương bắt buộc. Vì vậy, cần có quy định nhằm điều chỉnh toàn diện đối với mọi tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, góp phần giáo dục và nâng cao ý thức tiết kiệm của nhân dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn./.


    Ý kiến bạn đọc