Vai trò, vị thế của đất nước khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối đối ngoại của Đảng ta
EmailPrintAa
15:56 16/01/2018

Công tác đối ngoại của Việt Nam những năm qua, nhất là năm 2017 đã được triển khai toàn diện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được nâng cao.

Thực tế đó đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Ấy vậy mà trên một vài trang mạng, với thái độ thù địch, thiếu thiện chí, một số người vẫn cố tình xuyên tạc đường lối, phủ nhận thành tựu đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Họ hồ đồ phán rằng, chính sách ngoại giao của Việt Nam là không rõ ràng; tư duy ngoại giao của Việt Nam chậm đổi mới nên "bỏ lỡ nhiều cơ hội"... Họ tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để thông qua các diễn đàn quốc tế, các hoạt động ngoại giao hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Theo họ, Việt Nam muốn "mở mày mở mặt" với thế giới thì phải "cải cách thể chế một cách toàn diện", phải chấp nhận đa nguyên chính trị... Những giọng điệu cũ rích ấy vẫn không ngoài mục đích nhằm hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng lái chế độ XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng đi theo quỹ đạo khác.

Nhưng họ đã lầm. Những động cơ, mục đích thấp hèn của họ không bao giờ thực hiện nổi. Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền...; có một nền văn hóa đặc sắc, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển hàng ngàn năm. Vai trò, vị thế của Việt Nam chỉ có thể do chính Việt Nam tạo dựng và phát triển chứ không phải do ai sắp đặt, ban phát. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, cách mạng Việt Nam có mục tiêu, yêu cầu và những nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở tình hình trong nước, quốc tế và khu vực, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối, chính sách đối ngoại phù hợp. Không một thế lực nào có thể áp đặt, can thiệp vào việc định ra đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nga, Mỹ tại Hội nghị cấp cao APEC 2017.

Tiếp tục phát triển đường lối đối ngoại đã đề ra từ các kỳ đại hội trước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”(1). Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế nhằm "giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới"(2). Trên cơ sở ý Đảng lòng dân và tình hình thực hiện chính sách ngoại giao của các nước trên thế giới, Đảng ta xác định, mục tiêu tối thượng của công tác đối ngoại là “bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”(3). Đối với các nước, nhất là các nước lớn, Đảng ta chủ trương: "Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an sinh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất..."(4)... Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập, nhưng Việt Nam không thể vì hội nhập mà đánh mất bản sắc dân tộc; không vì hội nhập mà tạo ra những nguy cơ đối với sự tồn vong của chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc và CNXH. Đi kèm với chủ trương hội nhập, lẽ đương nhiên Việt Nam phải có các chính sách để vừa đón nhận những làn gió trong lành, tiếp thu những tinh hoa của thế giới phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, vừa phải ngăn chặn, đẩy lùi những luồng gió gây hại cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Như vậy có thể thấy quan điểm, đường lối, chính sách ngoại giao của Đảng ta là rất rõ ràng.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, những năm qua, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đặc biệt năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mà cao điểm là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Đúng như Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đánh giá: “Sự kiện này đã đưa Việt Nam thành tâm điểm chú ý của thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam". Năm 2017, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện 18 chuyến thăm đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế đa phương, tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ và thủ tướng các nước đến thăm. Những hoạt động đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam nhằm đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống. Thực tế công tác đối ngoại năm 2017 là biểu hiện sinh động cho thấy hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Đây cũng là năm ghi dấu Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy vai trò trong các mối liên kết, hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế. Những thành quả của công tác đối ngoại năm 2017 tiếp tục góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Các hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh (QPAN) được đẩy mạnh, hợp tác về QPAN với các nước đối tác ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước... Những thành tựu của công tác đối ngoại năm 2017 đã thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Việc Tổng thống Donald Trump chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong số các nước Đông Nam Á, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, đã cho thấy sự nhìn nhận của Hoa Kỳ về vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Sau Diễn đàn APEC 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đều đánh giá cao chủ nhà Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, tạo động lực mới cho một tương lai chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương... Cùng với đó, Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về những đóng góp của Việt Nam trong vai trò một quốc gia thành viên. Ông Kenneth G.Welborn-Chủ tịch Hội Hữu nghị các tổ chức quốc tế tại New York (Hoa Kỳ) từng ghi nhận: “Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp tích cực cho Liên hợp quốc trên nhiều lĩnh vực...”. Bà Sally Kader-Chủ tịch Tổ chức Vì Hòa bình và Phát triển Bền vững, từng đánh giá: “Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kinh ngạc ở cương vị là một quốc gia thành viên LHQ cũng như là một quốc gia vươn lên từ chiến tranh và những gì Việt Nam đã làm được thực sự là tấm gương cho tất cả các nước còn lại trên thế giới nhận thấy tầm quan trọng của việc xóa bỏ thù hận để thúc đẩy sự hợp tác bất luận tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ". Trong khu vực, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất, đóng góp chủ động vào các hoạt động chung của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Thế giới còn ghi nhận, đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Ngoại giao Mỹ lại đánh giá Việt Nam là một trong những nước có mức độ rủi ro về an toàn và an ninh thấp nhất trên thế giới. Tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội New Economics Foundation có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, xếp Việt Nam là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới và đứng thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dấu ấn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 cũng thu hút sự quan tâm của thế giới. Đáng chú ý khi phân tích các thành tựu kinh tế của Việt Nam, tờ Asian Correspondent cho rằng: "Việt Nam không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, mà còn được xếp hạng thứ hai sau Ấn Độ trong danh sách các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới...". Có thể nói, chưa bao giờ vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế lại cao như hiện nay. Thực tế đó là minh chứng hùng hồn khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả trong đường lối đối ngoại của Đảng ta.

Người phương Đông có câu thành ngữ: "Lẽ đời là biết nghe phải, nói phải, làm phải". Chẳng lẽ những người cho rằng, tư duy đối ngoại của Việt Nam "chậm đổi mới", đường lối đối ngoại của Việt Nam "không rõ ràng..." vẫn chưa hiểu về đường lối đối ngoại của Việt Nam? Không phải vậy! Có lẽ vì đã quen thói không nghe điều phải, không nói lẽ phải và không làm điều phải, cho nên họ đã không thấy một thực tế hết sức sinh động đang diễn ra ở Việt Nam. Hành động trắng trợn xuyên tạc đường lối, phủ nhận thành tựu đối ngoại nhằm hạ thấp vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế mà các thế lực thù địch, những phần tử phản động đang tiến hành là rất nguy hiểm. Nhưng dù có tinh vi đến mấy những giọng điệu ấy cũng không thể xuyên tạc được sự thật, không thể đánh lừa được dư luận.

Nguồn: qdnd.vn

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H, 2016, tr.35.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H, 2016, tr.34-35.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,  H, 2016, tr.153.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H, 2016, tr.35.


    Ý kiến bạn đọc