Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển chủ nghĩa yêu nước trong thời đại mới. Trong thời kỳ phong kiến, yêu nước có nội dung trung quân, ái quốc, yêu nước gắn liền với thương dân. Chẳng hạn, với Nguyễn Trãi, yêu nước gắn liền với lòng yêu quý và tự hào về nền văn hiến Việt Nam, về lòng nhân nghĩa và chủ nghĩa nhân văn. Còn Quang Trung-Nguyễn Huệ đã khẳng định chủ quyền đất nước trong chủ nghĩa yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm phong phú thêm nội dung của chủ nghĩa yêu nước. Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn bằng cách ra đi tìm đường cứu nước. Với Người, yêu nước gắn liền với thương yêu nhân dân. Người khẳng định: “lòng thương yêu nhân dân và nhân loại của tôi không bao giờ thay đổi”. “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước” (1).
Trước khi trở thành lãnh tụ của Đảng trở về nước lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, Bác Hồ phải mất 30 năm bôn ba khắp bốn biển năm châu, làm đủ mọi nghề, biết nhiều thứ tiếng, tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại, trở thành hành trang của mình trong quá trình tìm đường cứu nước. Trước hết, Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông, trong đó có Nho giáo. Người hiểu rất rõ những mặt hạn chế cũng như mặt tích cực của Nho giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì ta nên học” (2). Mặt tích cực của Nho giáo là nó đề cao văn hóa, lễ giáo, tạo ra truyền thống hiếu học với châm ngôn “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Điều này đi ngược lại với nhiều học thuyết cổ đại chủ trương ngu dân để dễ cai trị.
Cũng như với Nho giáo, Hồ Chí Minh đã tiếp thu những mặt tích cực của Phật giáo, trong đó có tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, thương người như thể thương thân; nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, làm điều thiện; tinh thần bình đẳng, chất phác, dân chủ. Phật giáo vào Việt Nam tiếp nhận chủ nghĩa yêu nước, chống ngoại xâm, hình thành Thiền phái Trúc lâm Việt Nam. Đồng thời, chúng ta có thể thấy nhiều trích dẫn khác của các nhà tư tưởng phương Đông như Lão tử, Mặc tử, Quân tử...trong các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm hiểu, tiếp thu những mặt tích cực trong chủ nghĩa Tam dân (dân tộc-độc lập, dân quyền-tự do, dân sinh-hạnh phúc) của Tôn Trung Sơn. Trong tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh có sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây, trong đó có lòng nhân ái, đức hy sinh, những giá trị tốt đẹp của Thiên Chúa giáo. Hồ Chí Minh đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Đồng thời với tiếp thu những mặt tích cực của các tôn giáo lớn trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng và văn hóa phương Tây. Trong 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu, Hồ Chí Minh đã chịu ảnh hưởng sâu sắc, tiếp thu những tiến bộ của các nhà tư tưởng, các nền văn hóa phương Tây. Trong nhiều bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do, cho quyền được sống của con người ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1786 của nước Mỹ. Hồ Chí Minh đã tiếp thu giá trị của tư tưởng nhân quyền - quyền tự do cá nhân trong bản Tuyên ngôn này. Chính vì vậy, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và nâng lên một tầm cao mới trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Năm 1913, Nguyễn Tất Thành đến nước Anh, Người đã đi những bước đầu tiên trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, gia nhập Công đoàn thủy thủ Anh và cùng với giai cấp công nhân ở đây tham gia các cuộc biểu tình, đình công. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành sang Pháp -“Thủ đô Ánh sáng”, quê hương của tư tưởng tự do-bình đẳng-bác ái, tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm của các nhà tư tư tưởng khai sáng như: Vonte; Rútxô; Mông-téc-xkiơ;...ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng yêu nước của mình. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn học được cách thực hiện dân chủ ngay trong cách sinh hoạt khoa học ở câu lạc bộ Phôbua trong quá trình hoạt động chính trị ở Đảng Xã hội Pháp, tiêu biểu nhất là các bài tranh luận tại Đại hội Tua (tháng 12-1920). Người hoạt động, rèn luyện trong phong trào công nhân Pháp, được sự cổ vũ, dìu dắt của trực tiếp của nhiều nhà cách mạng, trí thức tiến bộ Pháp. Rất nhiều đảng viên Đảng Xã hội Pháp và nhiều người ở các nước thuộc địa đã tiếp xúc với Luận cương của V.I.Lê nin, nhưng chỉ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy trong đó con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước và giải phóng các dân tộc thuộc địa.
Trong quá trình lãnh đạo Đảng và nhân dân ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù trong lao tù, ngục tối, dù một mình đối mặt với những thế lực đen tối hay những phút giây dân tộc trong thế “nghìn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn ung dung, tự tại, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi. Hồ Chí Minh là người cộng sản chân chính đúng như V. Lênin từng nói: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi đã tự làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn tri thức tích lũy trong kho tàng văn hóa của nhân loại”. Có thể nói văn hóa yêu nước Hồ Chí Minh soi đường chỉ lối cho Đảng ta, nhân dân ta đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ văn hóa dân tộc, với lòng yêu nước đã ra đi cứu nước, rèn luyện, tiếp thu văn hóa nhân loại trở thành văn hóa yêu nước Hồ Chí Minh. Nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới đã khẳng định: Ở Hồ Chí Minh tỏa ra nền văn hóa của tương lai. Yêu nước phải có văn hóa, lòng yêu nước phải được thể hiện bằng những hành động có văn hóa. Muốn vậy, mỗi con người Việt Nam hôm nay phải trau dồi, trang bị cho mình những giá trị truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn năm văn hóa của dân tộc, trong đó có văn hóa yêu nước Hồ Chí Minh.
----------------------
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 6, trang 171.
(2). Hồ Chí Minh, Sđd, t6, tr 46.
Vũ Ngọc Lân
TT CNTT (Nguồn: Xaydungdang)
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)