Vẫn “thiếu lửa” trong chất vấn và trả lời chất vấn
EmailPrintAa
08:49 22/11/2013

Theo Đại biểu Lê Như Tiến, “lửa” không phải là sự gay gắt mà chính là nhiệt huyết, đi đến tận cùng của vấn đề”.

Chiều 21/11, bằng việc trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Quốc hội đã khép lại 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo đánh giá của các đại biểu, báo cáo của Thủ tướng Chính phủ cũng như phần trả lời của Thủ tướng tại phiên chất vấn đã góp phần làm rõ hơn những vấn đề nổi cộm, cũng như những thông tin trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn đặt ra.

Nhiều điểm mới 

Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Hải Phòng cho rằng, có nhiều đổi mới trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Điều thể hiện rõ nhất là phần thảo luận Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Qua đó, các đại biểu đã giám sát được lời hứa của Chính phủ trước Quốc hội. Bên cạnh đó, Quốc hội đã tăng thời lượng từ 2,5 ngày lên 3 ngày để các đại biểu có nhiều thời gian hơn đi đến cùng vấn đề.

Đại biểu Lê Thanh Vân

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình khẳng định, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này đã được nâng lên rất rõ, cả về các câu hỏi chất vấn của các đại biểu cũng như phần trả lời của các Bộ trưởng. Các câu hỏi ngắn gọn và đi thẳng vào nội dung chính, tập trung vào các vấn đề chung của xã hội, quốc gia chứ không chỉ riêng cho một vùng miền nào đó; đi vào trọng tâm đang nổi lên mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. 

Đặc biệt, các đại biểu đã nâng cao vai trò trách nhiệm trước nhân dân và xã hội; tôn trọng và lắng nghe những ý kiến của cử tri; tiếp thu, tổng hợp và sàng lọc ý kiến của nhân dân. Các đại biểu đã mang những ý kiến của nhân dân để đóng góp cho Quốc hội, không chỉ trong một mà rất nhiều lĩnh vực. Các ý kiến đã được đưa ra trong thảo luận tổ, đóng góp trên nghị trường và trong chất vấn các thành viên Chính phủ. 

Ông Đỗ Văn Vẻ đánh giá, các phiên chất vấn diễn ra hết sức sôi nổi, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao. Nhìn chung, các thành viên Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ các vấn đề và trả lời với tinh thần cầu thị cao; các câu trả lời cũng bám sát vào các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá cao sự điều hành các phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Sau mỗi đợt chất vấn và trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội đều có những bản tóm lược, tổng hợp và đánh giá lại các vấn đề của các phiên chất vấn. Sau đó, đích thân Chủ tịch giao cho từng Bộ trưởng, sau kỳ họp cần có những hành động cụ thể mà cử tri yêu cầu và họ đã cam kết thực hiện. 

Thậm chí, Chủ tịch Quốc hội rất cương quyết đặt vấn đề: Các Bộ trưởng hứa trong thời gian tới sẽ làm gì và làm trong bao lâu, bao giờ thì xong? Đây là một trong những ấn tượng đọng lại lâu nhất trong lòng hàng triệu cử tri qua các phiên chất vấn nóng bỏng vừa rồi, vừa “tiếp thêm lửa” cho những đại biểu Quốc hội tâm huyết.

Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá: “Một đổi mới trong Kỳ họp lần này là cách điều hành của Chủ tịch Quốc hội. Đây là điều cần thiết để rèn luyện kỹ năng cho các đại biểu đặt câu hỏi, cũng như kỹ năng trả lời nhuần nhuyễn của các Bộ trưởng và người đứng đầu”.

Cách trả lời vẫn lòng vòng

Đại biểu Lê Như Tiến, đoàn Quảng Trị đánh giá: Các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn nhìn chung là chân thành, cầu thị, rất nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chưa thực sự hài lòng vì cách trả lời vẫn như các năm, vẫn nói rất dài về tình hình, những công tác của ngành mình, mà chưa trả lời trực diện vào những câu hỏi.

Đại biểu Lê Như Tiến

Bên cạnh đó là tính phản biện cần phải được nâng cao, phải trao đi đổi lại. Còn nếu chỉ hỏi một chiều, sau đó lại trả lời một chiều, không có đối thoại, tranh luận, trao đổi nhiều thì chắc chắn là những vấn đề cốt lõi, vấn đề bản chất không bật được ra.

Ông Lê Như Tiến dẫn chứng: “Bộ trưởng Bộ Nội vụ được hỏi là tỷ lệ 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” có đúng không? Có lần tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên diễn đàn Quốc hội và diễn đàn Thường vụ Quốc hội, nhưng cũng không được trả lời trực diện là có hay không và số liệu nào là đúng; còn nói là 1% thì chắc không được tin cậy lắm. Cái thiếu ở chất vấn là “thiếu lửa” - ở đây không phải là sự gay gắt mà chính là nhiệt huyết, đi đến tận cùng của vấn đề”.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, nếu như chất vấn là nhận thức vấn đề, thì quan trọng nhất là hậu chất vấn, hành động và chuyển động. Còn nếu sau chất vấn không hành động, chuyển động thì mọi thứ đều vô nghĩa, chất vấn không còn ý nghĩa nữa. Cử tri vẫn hy vọng nhiều hơn là sau chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ hành động. 

Ông Đỗ Văn Vẻ cũng khẳng định: Một số vấn đề các đại biểu Quốc hội muốn người trả lời phải thể hiện được sự hiểu biết ở những lĩnh vực mà mình đảm trách, hay những nguyên nhân tồn tại và các giải pháp khắc phục mà các vị thủ lĩnh sẽ áp dụng ra sao. Trong những trường hợp này, có những thủ lĩnh trả lời rất thẳng thắn, ngắn gọn, trách nhiệm; nhưng cũng có những trường hợp Bộ trưởng trả lời còn dài, chưa đi thẳng ngay vấn đề, hoặc nói chưa sát những vấn đề mà đại biểu muốn tìm hiểu. 

Điều này không chỉ làm cho các đại biểu phía dưới rất sốt ruột, mà hàng triệu cử tri theo dõi qua truyền hình và phát thanh thấy khó hiểu. Hơn thế, các đại biểu muốn các Bộ trưởng phải đưa ra được các giải pháp trước những vấn đề khó khăn đang vấp phải, cũng như cam kết trong thời gian nào sẽ giải quyết xong những vấn đề trên.

Nói về trách nhiệm của các Bộ trưởng và người đứng đầu trước các sự việc được chất vấn, ông Nguyễn Thanh Vân cho biết bản thân ông và nhiều đại biểu chưa thực sự thoả mãn. Vì người đứng đầu là “đứng mũi chịu sào”, phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức, hoạt động của Bộ, ngành mình phụ trách. 

Tuy nhiên, chế độ, trách nhiệm của chúng ta chưa được quy định rõ ràng, cho nên sự phân công, phối hợp ngay từ trong luật đã có hạn chế. Theo ông Vân, cần có sự phân công rõ ràng để hạn chế sự đùn đẩy trách nhiệm, có như vậy mới đủ căn cứ để soi rõ trách nhiệm của người đứng đầu./.


    Ý kiến bạn đọc