Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen từ 26-28/12 sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hai nước.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hunsen và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26-28/12/2013.
Đây không phải là lần đầu Thủ tướng Hun Sen thăm Việt Nam mà đã nhiều lần sang thăm Việt Nam. Điều này chứng tỏ quan hệ hai nước không chỉ là quan hệ láng giềng gần gũi mà là quan hệ anh em gần gũi.
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Hun Sen và Phu nhân được kỳ vọng vừa tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, vừa mở ra trang mới cho quan hệ hai nước.
Quan hệ hai nước là mối quan hệ có từ lâu đời. Trong tiến trình lịch sử, nhân dân hai nước đã ‘’chia ngọt sẻ bùi”, cùng đứng lên chống thực dân, lật đổ chế độ diệt chủng Polpot, tạo dựng hòa bình, độc lập cho dân tộc, cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.
Quan hệ hai nước được nhiều thế hệ lãnh đạo coi trọng và quyết tâm xây dựng thành mối quan hệ thân thiết đặc biệt.
Ngày 24/6/1967, Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Vương quốc Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự ủng hộ có ý nghĩa to lớn đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện này cũng khẳng định sự ủng hộ chân tình của nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, nền trung lập của Vương Quốc Campuchia do Cựu Quốc Vương Norodom Shihanouk đứng đầu.
Ngay từ thời kỳ này hai nước đã lập Cơ quan đại diện thương mại và ký các Hiệp định kinh tế, văn hóa; trao đổi các đoàn qua lại, mở đường bay thẳng Phnom Penh – Hà Nội.
Từ đó đến nay quan hệ hai nước đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của hai nước.
Các chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp hai nước thường xuyên được tiến hành.
Tháng 3/2005, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Campuchia. Hai bên ra Tuyên bố chung, nâng quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Trong dịp thăm Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (8/2010) và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (12/2011), Cố Thái Thượng hoàng Norodom Shihanouk đã nhấn mạnh: “Campuchia và Việt Nam là hai nước không thể tách rời, mối quan hệ quý báu giữa hai nước cần được phát huy trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước”.
Những năm gần đây, quan hệ thương mại hai nước luôn không ngừng được cải thiện và tăng cao. Trong 9 tháng của năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Campuchia đạt 2,294 tỷ USD, tăng 11%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang thị trường Việt Nam đạt trên 403 triệu USD (tăng 6,6%).
Trong cả năm 2012, tổng kim ngạch thương mại hai nước 3,3 tỷ USD. Dự báo thương mại giữa hai nước sẽ tăng lên 3,5 tỷ USD trong cả năm 2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một lần tiếp kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Hiện tại nhiều nhà đầu tư của Việt Nam đã thành công tại Campuchia, trở thành nhà đầu tư lớn của Campuchia góp phần đưa kim ngạch thương mại tăng cao.
Hợp tác hai nước ở các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế, du lịch... cũng phát triển mạnh mẽ. Việt Nam giành nhiều xuất học bổng cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Campuchia. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Việt nam cũng đã cử nhiều đoàn y, bác sĩ sang khám bệnh cho nhân dân Campuchia sinh sống ở các vùng biên giới hai nước.
Đặc biệt hai nước có đường biên giới dài. Dựa trên tình hữu nghị đặc biệt, chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, các lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp thành công việc cắm cột mốc biên giới. Ngày 24/6/2012, hai nước đã cắm cột mốc số 314, cột mốc cuối cùng trên đường biên giới hai nước. Sự kiện này đóng góp vào xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Không chỉ trong khuôn khổ song phương, hai nước cũng ngày càng hợp tác, gắn bó và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như hợp tác ba nước Campuchia – Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác bốn nước Campuchia – Lào – Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong(ACMECs), Hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEM, Liên Hợp Quốc (UN)...
Dòng sông Mekong vẫn cuộn chảy như mối quan hệ đặc biệt của Việt Nam-Campuchia không ngừng phát triển. Với sự quan tâm của lãnh đạo, sự hiểu biết sâu sắc giữa nhân dân hai nước, mối quan hệ Việt Nam-Campuchia sẽ đóng góp vào lợi ích chung của mỗi nước, hòa bình, ổn định khu vực và thế giới./.
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)