Việt Nam luôn ưu tiên chống biến đổi khí hậu
EmailPrintAa
14:31 24/09/2014

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững ở mọi quốc gia; khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 23/9, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu theo sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, diễn ra ngày 23/9, ở New York (Mỹ).

Tham dự Hội nghị có gần 120 Tổng thống, Thủ tướng và nhiều lãnh đạo cấp cao các nước.

Lãnh đạo các nước đã thông báo về tình hình, chính sách, hành động của nước mình nhằm góp phần giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C, tăng cường khả năng phục hồi, đối phó với biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng đưa ra nhiều sáng kiến nhằm đối phó với biến đổi khí hậu trên các lĩnh vực tài chính, năng lượng, công nghiệp, lâm-nông nghiệp, giao thông và đô thị…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, Việt Nam luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã đề ra các định hướng giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt đã đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% so với năm 2010, giảm lượng tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5%/năm.

Đồng thời đang nghiên cứu có cam kết quốc gia tự nguyện (INDCs), trong đó xác định rõ các đóng góp cụ thể về giảm khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và các đối tác nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các nước thành viên Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) tại Paris năm 2015.

Bày tỏ quan ngại về các diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi các quốc gia cam kết mạnh mẽ và nỗ lực nhiều hơn trong đàm phán nhằm đạt được một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới có tính ràng buộc về biến đổi khí hậu trong năm 2015 để thế giới có thể đạt được mục tiêu về nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển và nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thoả thuận toàn cầu mới cần bao trùm mọi lĩnh vực từ thích ứng đến giảm nhẹ khí phát thải, thể hiện nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt như theo quy định của UNFCCC. Trong đó phải bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch về đóng góp của các nước và có cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Các nước phát triển cũng cần tăng cường thực hiện các cam kết theo Nghị định thư Kyoto, cung cấp tài chính và công nghệ tiên tiến cho các nước đang phát triển đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

 

Toàn ảnh phiên khai mạc hội nghị. Ảnh: UN

 

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Paraguay, Ukraine và Colombia.

Phó Thủ tướng đề nghị phía Paraguay tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đóng tàu của Việt Nam, nhất là Vinashin, tham gia các dự án đóng tàu và xà lan ở nước này.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu bật sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với cuộc sống của cộng đồng 10.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Ukraine.

Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ Ukraine tạo mọi điều kiện để bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống cho người Việt Nam, nhất là tại các vùng đang có xung đột nhưDonetsk và Lugansk.

Trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Colombia, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Colombia tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp dầu khí, viễn thông của Việt Nam, trong đó có Viettel, mở rộng hoạt động tại nước này trên cơ sở kinh nghiệm thành công của các dự án đã triển khai tại các quốc gia Mỹ La-tinh khác như Haiti, Peru.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ba nước trên ủng hộ Việt Nam ứng cử vào các cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc như Hội đồng Kinh tế Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Ngoại trưởng các nước đều đánh giá cao vị thế và vai trò quốc tế của Việt Nam, khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt và sớm ký kết các Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật với Việt Nam.

TT CNTT (Nguồn: Chinhphu.vn)


    Ý kiến bạn đọc