Việt Nam mong muốn tham gia vào Hội đồng Nhân quyền
EmailPrintAa
09:25 08/11/2013

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trong tất cả các lĩnh vực.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 7/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam tham gia ứng cử trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định: “Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trong tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Quyền con người được phát huy và sự tham gia tích cực của người dân vào mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của đất nước là nhân tố quan trọng của thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc khóa 2014 - 2016 để đóng góp tích cực hơn vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới.

Việt Nam tin tưởng vào khả năng của mình đảm đương vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền và cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng để nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thời điểm Việt Nam sẽ tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho biết: “Việt Nam luôn tích cực tham gia và có nhiều đóng góp thiết thực vào 3 lĩnh vực thuộc quan tâm chung của Liên Hợp Quốc là hòa bình – an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.

Ngày 5/11/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết 118/NQ-CP quyết định ủy quyền Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ký Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. 

Việc tham gia Công ước này thể hiện Việt Nam tôn trọng và nghiêm túc thực hiện các cam kết trong lĩnh vực quyền con người trong khuôn khổ cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR), cũng như những cam kết của Việt Nam khi tự nguyện ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.”./.


    Ý kiến bạn đọc