Việt Nam-Nhật Bản: Đối tác chiến lược tin cậy, bền vững
EmailPrintAa
09:07 12/12/2013

Quan hệ Việt-Nhật đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp vào sự phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 12/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 5 tại Tokyo từ ngày 12-15/12/2013. 

Không chỉ tiếp tục khẳng định Việt Nam là nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản nói chung và hợp tác Mekong-Nhật Bản nói riêng ngày càng đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả, chuyến công du lần này của Thủ tướng Chính phủ còn khép lại "Năm Hữu nghị Việt - Nhật 2013" với nhiều sự kiện sôi động và hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời mở ra một trang sử mới trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản.

Niềm tin chiến lược và quan hệ đối tác chiến lược

Trân trọng dấu mốc lịch sử tròn 40 năm Việt Nam-Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã nhất trí chọn năm 2013 là “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản”. Mở đầu chuỗi các sự kiện trong “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản”, Thủ tướng Shinzo Abe là vị khách quý đầu tiên đến thăm chính thức Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2013. 

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm chỉ sau 20 ngày ông đảm nhận vị trí người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản. Điều này thể hiện rõ Việt Nam là đối tác quan trọng như thế nào của của Nhật Bản trong khu vực. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “…Tăng cường và củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản không chỉ là chủ trương, chính sách nhất quán và ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại mà còn là sự lựa chọn chiến lược của Đảng, Chính phủ Việt Nam…’’.

Hiện thực hóa nhận định “Việt Nam và Nhật Bản có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trên rất nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe thường xuyên trao đổi và thống nhất các biện pháp chỉ đạo nhất quán nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là đẩy nhanh triển khai các các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như đường bộ cao tốc Bắc Nam, Cảng Lạch Huyện, Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Dự án khai thác, chế biến đất hiếm cũng như triển khai 1,7 tỷ USD ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2012…. 

Nhật Bản cũng tích cực hỗ trợ giúp Việt Nam xây dựng các chiến lược phát triển, nhất là Chiến lược phát triển Công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. 

Trên cơ sở tin cậy chính trị, tình hữu nghị bền chặt được vun đắp qua hơn 4 thập kỷ và mối cơ duyên giữa Người đứng đầu Chính phủ hai nước, Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau phối hợp tổ chức hàng loạt các sự kiện quan trọng và nhiều hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ ở cấp độ quốc gia mà ngay cả ở tầng nấc người dân, doanh nghiệp và các hội hữu nghị hai nước cũng đã tổ chức các lễ hội và nhiều cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ sôi nổi tại mỗi nước, góp phần tăng thêm sự hiểu biết, thắt chặt tình cảm và sự gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Trong bất cứ một mối bang giao nào thì có lẽ tình hữu nghị luôn là một trong những nhân tố quan trọng để gây dựng và củng cố niềm tin. Niềm tin đó được gây dựng trên cơ sở tin cậy chính trị, sự gắn bó giữa nhân dân hai nước sẽ trở thành niềm tin chiến lược có thể vượt qua mọi khó khăn, rào cản để tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản với mục tiêu cao nhất là đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là mục đích chính chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Đầu năm, Thủ tướng Shinzo Abe sang thăm chính thức Việt Nam cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố khai mạc “Năm Hữu nghị Việt Nam Nhật Bản 2013”. Cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Nhật Bản cùng Thủ tướng Shinzo Abe nhìn lại một năm ghi dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời tập trung thảo luận định hướng và thống nhất các biện pháp nhằm mở ra trang sử mới: thúc đẩy toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản.

Thắt chặt quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản và đẩy mạnh hợp tác Mekong-Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 5 tại Tokyo một lần nữa minh chứng Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực trong ASEAN và là nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Nhật Bản nói riêng cũng như với các đối tác của ASEAN nói chung.

Việt Nam là nước ông Shinzo Abe đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản

Quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản thiết lập từ năm 1973. Hành trình 40 năm với nhiều dấu mốc quan trọng đã đưa mối quan hệ giữa ASEAN với quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới ngày càng khăng khít hơn trên cơ sở tương trợ lẫn nhau cùng đồng hành, cùng phát triển, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế. 

Riêng năm 2012, tổng giá trị thương mại giữa ASEAN-Nhật Bản đạt 262 tỷ USD, FDI đạt 208 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN. ASEAN-Nhật Bản cũng đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện và đang phối hợp thúc đẩy sớm hoàn tất tiến trình đàm phán các nội dung tự do hóa thương mại về dịch vụ và đầu tư. 

Hai bên đã thông qua lộ trình chiến lược về hợp tác kinh tế 10 năm với định hướng tổng thể tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như chuyển giao công nghệ. Tại Cấp cao ASEAN-Nhật Bản (tháng 9 năm 2013 diễn ra ở Brunei), Nhật Bản nhấn mạnh 4 trọng tâm hợp tác với ASEAN về chính trị an ninh, kinh tế thương mại truyền thống, các vấn đề kinh tế xã hội mới nảy sinh và giao lưu nhân dân. Hai bên khẳng định quyết tâm hoàn tất đàm phán các Hiệp định thương mại dịch vụ và đầu tư trước Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao cũng như mong muốn và nguyện vọng của người dân. 

Các Hiệp định này chắc chắn sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để ASEAN và Nhật Bản cùng phấn đấu triển khai hiệu quả Lộ trình hợp tác chiến lược về kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng gấp đôi thương mại và đầu tư vào năm 2022. 

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ rất lớn tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và đẩy mạnh kết nối ASEAN. Cùng với ưu tiên nguồn lực và sự trợ giúp đối với tiến trình hợp tác tiểu vùng Mekong, hợp tác Campuchia - Lào và Việt Nam, Hành lang kinh tế Đông Tây, Nhật Bản lựa chọn tài trợ 33 dự án ưu tiên phát triển hành lang kinh tế ASEAN, nhất là đầu tư kết nối mạng lưới giao thông vận tải. Nhật Bản cũng là một trong những đối tác đầu tiên của ASEAN thiết lập nhóm đặc trách phối hợp chặt chẽ với Ủy ban điều phối kết nối ASEAN để bàn các biện pháp hợp tác cụ thể, giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh giữa các bên liên quan. 

Xác định Mekong là khu vực ưu tiên, Nhật Bản khẳng định tăng ODA cho từng nước Campuchia-Lào-Việt Nam nói riêng và cả khu vực Mekong nói chung. Trong khoản hỗ trợ mới 52 triệu USD của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN-Nhật Bản thì có tới 40 triệu USD dành cho các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam và một nửa nguồn lực này dành cho Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 4 diễn ra tại Tokyo tháng 4/2012 đã thông qua “Chiến lược Tokyo” với tầm nhìn mới đến năm 2015 tập trung vào ba trụ cột hợp tác mới, đó là tăng cường kết nối trong khu vực Mekong và giữa Mekong với các nước bên ngoài; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước, nâng cao vị trí của khu vực Mekong trong chuỗi giá trị toàn cầu và Hợp tác về môi trường và an ninh con người. 

Khai thác và phát triển khu vực sông Mekong là chìa khóa cho sự phát triển và ổn định của khu vực Đông Á, chính vì vậy, Nhật Bản cam kết tiếp tục dành 600 tỷ Yên hỗ trợ các nước Mekong đến năm 2015. Trong số 57 dự án ODA mà Nhật Bản hỗ trợ triển khai tại các nước tiểu vùng Mekong thì có tới 26 dự án thực hiện tại Việt Nam như: cảng Lạch Huyện, Nhà ga T2 Nội Bài, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép-Thị Vải, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM…

Lãnh đạo các nước Mekong và Nhật Bản cũng đánh giá cao và ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về “Tăng cường kết nối các hành lang kinh tế tại tiểu vùng Mekong thông qua thúc đẩy vận tải đa phương thức”. Sáng kiến này đã trở thành một điểm mới trong cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản nhằm tận dụng được mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển, gia tăng kết nối giữa các hành lang kinh tế, tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông hàng hóa, thương mại nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông…

Tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 5, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm đối với công việc chung của Ngôi nhà ASEAN và tiến trình phát triển của Hiệp hội cũng như thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Nhật Bản và các đối tác ngày càng thực chất và hiệu quả. 

Các hoạt động của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại các hội nghị cấp cao quan trọng này sẽ góp phần nâng cao uy tín, vị thế và vai trò của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương, đồng thời thắt chặt sự hiểu biết, tin cậy và đẩy mạnh hợp tác song phương giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực./.


    Ý kiến bạn đọc