Quan hệ Việt - Pháp mang lại những kết quả thiết thực, cụ thể, phục vụ cho lợi ích chính đáng của cả hai nước.
Việt Nam – Pháp có quan hệ truyền thống lâu đời. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973. Kể từ đó đến nay quan hệ hai nước đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đầu tư, văn hóa, giáo dục…
Năm 2013 là năm có ý nghĩa đối với hai nước khi một loạt hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập ngoại giao hai nước đã và đang được diễn ra.
Hai nước cũng chính thức lấy năm 2013 là năm Pháp-Việt và năm 2014 là năm Việt Nam-Pháp.
Mục đích của năm Việt Nam-Pháp là giới thiệu các yếu tố quan trọng của lịch sử, di sản truyền thống hai nước, giúp nhân dân hai nước thấu hiểu nhau hơn, khám phá những nét đẹp văn hóa, con người hai nước hướng tới tăng cường hợp tác ở nhiều lĩnh vực, xây dựng vững chắc quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Nhân dịp hai nước đang tích cực tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt-Pháp, phóng viên VOV online đã phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về sự phát triển quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp trong thời gian qua.
PV: Tổng thống Pháp Francois Hollande trong một bài phát biểu đã khẳng định “Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là chuyến thăm lịch sử, tạo bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai nước và khẳng định Pháp sẽ luôn là người bạn chung thủy với Việt Nam”. Xin Ông đánh giá về ý nghĩa chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thành công quan trọng nhất của chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào cuối tháng 9 vừa qua là việc Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Pháp tháng 9/2013 (Ảnh: TTX)
Sự kiện này đã tạo bước ngoặt lịch sử, thể hiện sự chín muồi của mối quan hệ đa lĩnh vực và trên nhiều cấp độ giữa hai nước. Quan hệ đối tác chiến lược là minh chứng cho quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ của Lãnh đạo cấp cao hai nước đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lịch sử và hợp tác toàn diện đi vào chiều sâu.
Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp mang tính đặc thù và độc đáo. Trước hết, đó là sự gần gũi về lịch sử và văn hóa, tình cảm hữu nghị và sự gắn bó giữa nhân dân hai nước đang ngày càng được nuôi dưỡng và phát triển thông qua hợp tác giữa các địa phương. Mặt khác, nhiều cơ chế và kênh hợp tác song phương đã định hình và phát triển ổn định trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước cũng có điểm tương đồng trong quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.
Việc Việt Nam chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Pháp-một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của thế giới đối với vị trí và vai trò của Việt Nam trên thế giới, đồng thời tạo ra khuôn khổ ổn định và lâu dài trong quan hệ của ta với các nước lớn, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
PV: Xin Ông cho biết nội dung chính của quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp? Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp đã tác động như thế nào đến chiều hướng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Pháp và giữa Việt Nam với EU nói chung?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Nhằm làm sâu sắc hơn và đưa quan hệ Việt - Pháp đi vào thực chất, Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp được Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất đề ra 5 lĩnh vực ưu tiên là chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển, an ninh – quốc phòng, và giáo dục và văn hóa.
Trong đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao (Tổng thống Pháp sẽ thăm Việt Nam trong năm 2014) và các kênh Đảng, Quốc hội, địa phương và nhân dân hai nước; Pháp cam kết hỗ trợ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; hai bên thống nhất cần tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư; Pháp cam kết tài trợ ODA cho Việt Nam ở mức cao và tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Về kinh tế, Pháp là bạn hàng châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam; trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD và tăng trưởng với tốc độ cao, khá ổn định. Hiện Pháp còn là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu của Việt Nam, với gần 340 triệu USD cam kết cho Việt Nam trong năm 2013 và là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,1 tỷ USD với gần 380 dự án.
Triển lãm 40 năm quan hệ Việt-Pháp tại Hà Nội (Ảnh: Nguyên Sơn)
Lãnh đạo cấp cao hai nước coi hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là một trọng tâm của đối tác chiến lược Việt – Pháp và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tăng cường sự hiện diện tại mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng, giao thông, hàng không và vũ trụ, y tế, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và môi trường.
Hiện Việt Nam đang là thành viên hoặc sẽ trở thành thành viên của các khu vực mậu dịch tự do như AFTA, TPP, EFTA – Việt Nam, FTA EU – Việt Nam, Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan.
Do vậy, việc Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sẽ giúp tăng cường trao đổi thương mại, trong đó cả Việt Nam và Pháp sẽ được tiếp cận một thị trường rộng lớn hơn.
Ngoài ra, cùng với việc Việt Nam và EU đã ký Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp sẽ là đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hợp tác giữa châu Á và châu Âu nói chung và giữa Cộng đồng ASEAN và Liên minh châu Âu nói riêng.
Quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp không chỉ là một cái đích đến mà chính là điểm xuất phát mới cho quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa hai nước. Khuôn khổ đối tác chiến lược mang lại nhiều cơ hội và triển vọng hợp tác, cả trên bình diện song phương lẫn đa phương.
Mặt khác, quan hệ đối tác chiến lược cũng đòi hỏi hai bên phải có những nỗ lực to lớn trong triển khai thực hiện nội hàm của quan hệ đối tác, nhằm mang lại những kết quả thiết thực, cụ thể, phục vụ cho lợi ích chính đáng của cả hai nước./.
PV: Xin cám ơn ông./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)