Xây dựng chương trình hành động cụ thể, thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8
EmailPrintAa
09:38 13/12/2013

Chiều 12/12, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã hoàn thành chương trình đề ra sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu bế mạc Hội nghị.

Trong hai ngày, các đại biểu dự Hội nghị đã nghe các đồng chí báo cáo viên, là những người trực tiếp tham gia xây dựng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, trình bày những nội dung cơ bản các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI): Kết luận về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và thực hiện nhiệm vụ năm 2014” và “ Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nội dung cơ bản của bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013. 

Sau khi nghe quán triệt các nghị quyết và kết luận Hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, làm rõ hơn về thực trạng tình hình; những kết quả cùng những hạn chế, yếu kém và những vấn đề đang đặt ra; xác định rõ nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan để đề ra mục tiêu, quan điểm và giải pháp thực hiện. 

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh đã phân tích, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cần quan tâm, nhất là những giải pháp cơ bản triển khai Nghị quyết Trung ương 8.

Về kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội các năm 2014-2015, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định Đảng và Nhà nước, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng như: Lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; Tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi; Văn hóa-xã hội có chuyển biến; Lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại đạt kết quả tích cực; Tiềm lực đất nước được nâng lên; Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững; an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh; vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. 

Trên cơ sở đánh giá đúng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XI cần đạt được là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện các nhiệm vụ , giải pháp như đã nêu trong Kết luận của Hội nghị Trung ương 8. Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp xây dựng các chương trình hành động cụ thể thực hiện Kết luận này của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính- ngân sách năm 2014.

Đề cập đến các quan điểm chỉ đạo đã nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng chí Đinh Thế Huynh lưu ý, trong những quan điểm này, có những quan điểm trước đây đã nêu, nhưng chưa được quán triệt sâu sắc, các quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị cho giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải được quán triệt sâu sắc hơn. Một số quan điểm mới được nêu lên lần đầu. Cùng với các quan điểm, Ban Chấp hành Trung ương còn đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, hai giải pháp quan trọng là: Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan; tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Cùng với giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các giải pháp đó là những khâu đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Đề cập về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh cần thống nhất rằng, dù tình hình khó khăn, phức tạp đến đâu, chúng ta cũng phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nền văn hóa dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải thường xuyên, kiên trì phấn đấu thực hiện mục tiêu này. 

Về bản Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh thêm một số điểm về: vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; về lực lượng vũ trang; về quyền con người; chế độ kinh tế; về sở hữu đất đai và thu hồi đất; về cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực Nhà nước; về vai trò của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp.

Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương với những nội dung thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. 

Đồng chí nhấn mạnh, sau Hội nghị này, trở về địa phương, đơn vị, cơ quan, các đồng chí tham dự Hội nghị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến nội dung của các nghị quyết, kết luận của Trung ương 8 đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng./.


    Ý kiến bạn đọc