Xây dựng đô thị xanh
EmailPrintAa
15:13 25/06/2019

Các tỉnh miền Bắc và miền Trung vừa trải qua đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thường xuyên ở mức 37-38oC, có nơi lên tới 40oC. Không khí hầm hập như trong lò lửa. Ban ngày nắng nóng bỏng rát đã đành, mà buổi đêm cũng thật chẳng dễ chịu.

Có thể thấy, thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Quá trình biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên của Trái Đất không phải là dự báo ở thì tương lai, mà đang tác động hiện hữu trong nhịp sống hằng ngày. Đến lúc này, cần phải nghiêm túc nhìn nhận xem chúng ta đã chuẩn bị những gì cho sự tồn tại của chính mình trước những biến đổi khắc nghiệt của khí hậu.

Nghiên cứu khoa học cho thấy, nhiệt độ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường và các vật liệu xung quanh. Điều này giải thích tại sao khi nhiệt độ của không khí, ở thảm cỏ, ở dưới bóng cây là 37-38oC, thì cùng thời điểm đó, nhiệt độ ở mặt đường, nền đá có thể lên tới 45-50oC; nhiệt độ trong nhà kính, dưới mái tôn có thể đến 50-60oC. Do đó, trong những ngày nắng nóng, ai cũng muốn đến các công viên có nhiều cây xanh, các hồ nước để tránh cái nóng. Đáng tiếc, quá trình xây dựng và phát triển đô thị hiện nay, vấn đề tạo không gian xanh chưa được quan tâm đúng mức. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn trên cả nước, quá trình bê tông hóa đang diễn ra rất nhanh. Các khoảng đất trống, hồ nước, vườn cây, ruộng lúa... đang nhanh chóng được thay thế bằng các tòa nhà kính, nhà bê tông, các con đường nhựa, vỉa hè đá hoa... Cảm giác như mặt đất dần bị bọc bằng bê tông và không gian bị rào kín bởi bê tông. Nếu thực trạng này không có sự điều chỉnh phù hợp thì chúng ta sẽ không khác nào bị nhốt kín trong chiếc hộp bê tông khổng lồ bị nung nóng bởi ánh nắng mặt trời.

Ảnh minh họa: baoxaydung.com.vn.

Vì thế, việc tạo các không gian cây xanh như những lá phổi xanh để điều hòa, cải thiện chất lượng không khí là vấn đề ngày càng có tính sống còn đối với cuộc sống của người dân ở đô thị.  Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), diện tích không gian xanh tính trên đầu người được đánh giá như “một chỉ số đáng sống”. Xét về sức khỏe cộng đồng, mỗi thành phố tối thiểu phải có 9m2 không gian xanh cho mỗi người, tốt nhất là 10-15m2. Thủ đô Vienna của Áo, bình quân mỗi người dân có 120m2 không gian xanh, trở thành thành phố đáng sống nhất ở châu Âu nếu xét về môi trường. Theo xếp hạng của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ thì Singapore là nước đứng đầu trong danh sách các quốc gia có mật độ cây xanh ở đô thị lớn nhất thế giới, với tỷ lệ gần 30% đô thị được bao phủ bởi cây xanh. Ở đó, người ta không chỉ trồng cây mà còn phủ kín các bờ tường bằng những cây dây leo.

Trong khi đó, tại Hà Nội, không gian xanh bình quân đầu người hiện là 4,7m2/người, ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, như các quận: Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân, tỷ lệ này chỉ đạt 0,05m2/người. Thiếu diện tích cho phát triển công viên cây xanh không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội mà còn của TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố ở Việt Nam.

Do đó, việc xây dựng đô thị xanh cần được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ và phù hợp. Điều này phải được làm chặt chẽ ngay từ khâu quy hoạch, từ việc xác định cụ thể diện tích xây dựng; diện tích dành cho công viên; diện tích trồng cây xanh; thậm chí ngay cả việc lựa chọn vật liệu, kiến trúc cho từng công trình cũng cần được tính toán kỹ...

Ý thức tạo môi trường sống với những lá phổi xanh không phải là dành cho ai, giữ cho ai, mà cho chính sự sống của mỗi chúng ta.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc