Ý kiến đại biểu Quốc hội trước thềm Kỳ họp thứ 5
EmailPrintAa
08:55 20/05/2013

Xem xét, đánh đánh giá lại sâu sắc các chính sách trợ giúp doanh nghiệp; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt cần khách quan, công tâm, tiến hành thực chất, không hình thức; tiếp tục bền bỉ lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp,… là những ý kiến Phóng viên Báo điện tử Chính phủ ghi lại từ đại biểu Quốc hội trước thềm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII.

Cần đánh giá lại các chính sách trợ giúp doanh nghiệp

Trong các Kỳ họp của Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đến các chính sách phát triển kinh tế. 

Ông Đồng cho rằng Chính phủ, Quốc hội cần đánh giá lại sâu sắc các chính sách trợ giúp doanh nghiệp trong hơn một năm qua khi các chính sách này chưa phát huy tác dụng là khơi thông mạch sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy nền kinh tế của đất nước.

Đơn cử như chính sách giãn, giảm thuế đã không đến được với doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã quá yếu, không còn khả năng hoạt động để có lãi mà nộp thuế”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói. 

Việc đánh giá, rà soát lại chính sách trợ giúp sẽ giúp Nhà nước điều phối được nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, ông Đồng cho rằng Kỳ họp thứ 5 cần phải thảo luận, phân tích cặn kẽ, đưa ra những giải pháp đột phá tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nếu không sẽ khó đạt được những mục tiêu đặt ra cho năm 2013 cũng như cả Khóa.

Cùng chung nhận định, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng Trần Ngọc Vinh mong mỏi trong Kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội cùng với Chính phủ thảo luận, bàn bạc thật kỹ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Ông Trần Ngọc Vinh đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần tích cực lắng nghe nhau để đi đến các giải pháp thống nhất trong cách giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội.

Lấy phiếu tín nhiệm cần công tâm

Một nội dung quan trọng khác của Kỳ họp là việc lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha (đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) tin tưởng vào việc hướng dẫn thực hiện quy trình này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu.

Các ông Nguyễn Văn Pha, Hà Sỹ Đồng, Trần Ngọc Vinh đều cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt và gương mẫu.

Từ ý nghĩa trên, các đại biểu nhấn mạnh đến vai trò của mỗi đại biểu Quốc hội khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, phải xuất phát từ trách nhiệm của mình với cử tri, nhân dân cả nước, từ đó có thái độ khách quan, công tâm để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức.

Số phiếu tín nhiệm cao sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn đối với các chức danh trong hoạt động của mình. Nếu thấp thì sẽ là hồi chuông thúc giục các chức danh này nỗ lực quản lý hiệu quả lĩnh vực của mình, không thể “tròn vo” bằng lòng với những cái mình có được”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định.

Căn cứ quan trọng nhất để đánh giá mỗi chức danh, theo các đại biểu Quốc hội trên, là Báo cáo kết quả công tác năm 2012 của 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu Quốc hội cần dành thời gian để nghiên cứu kỹ từng bản báo cáo vì đây thể hiện sự trung thực của người làm báo cáo. Nếu có vấn đề gì thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm chưa rõ mà liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì đại biểu cần gửi văn bản đến người đó yêu cầu làm rõ.

Báo cáo của các chức danh, kết hợp với các đánh giá, nhận xét của mỗi đại biểu và của cả cử tri về kết quả thực hiện trong thực tế sẽ là căn cứ toàn diện để lấy phiếu tín nhiệm. Cử tri tin tưởng vào đại biểu Quốc hội khi thực hiện nhiệm vụ này”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Giải trình đầy đủ việc tiếp thu dự thảo Hiến pháp

Tại phiên họp báo giới thiệu Chương trình Kỳ họp thứ 5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp dày 150 trang sẽ được gửi các đại biểu Quốc hội nghiên cứu để cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu, đưa ra các góp ý của mình. “Tiếp thu hay không tiếp thu các góp ý của nhân dân thì báo cáo cũng phải giải trình cụ thể, cặn kẽ”, ông Nguyễn Văn Pha nói và bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc tổng hợp góp ý của nhân dân của các cơ quan được giao phải chính xác, trung thực,phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân cả nước.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng thì nhận định tại Kỳ họp này, việc thảo luận sửa đổi Hiến pháp sẽ chỉ có tác dụng chuyển biến một bước, bởi thời gian 3 tháng lấy ý kiến nhân dân vừa qua là ngắn, chưa thể tập hợp cặn kẽ những kiến nghị của nhân dân. Ông cho rằng Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp từ nay đến hết tháng 9/2013, trước khi đưa ra Kỳ họp thứ 6 để thảo luận đạt hiệu quả sâu sắc hơn.


    Ý kiến bạn đọc