Bổ cứu sản xuất và phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi
EmailPrintAa
16:44 05/04/2018

Sáng ngày 05/4/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến chỉ đạo bổ cứu sản xuất, phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì đầu cầu tỉnh. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV cùng đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh.

Đồng chí Lê Đình Sơn (bên trái) phát biểu chỉ đạo hội nghị

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Xuân 2018 toàn tỉnh đã gieo cấy 59.129 ha, đạt 100,81% kế hoạch, cơ cấu 18 loại giống. Hiện nay, cơ bản các trà lúa bước vào thời kỳ phân hoá đòng, dự kiến thời gian trổ tập trung từ 25/4 - 5/5/2018, một số diện tích tại Đức Thọ, Nghi Xuân bắt đầu trổ từ 20/4/2018. Toàn tỉnh gieo trỉa 13.327 ha lạc, đạt 90% kế hoạch do thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm và mưa ẩm kéo dài trong tháng 01 và tháng 02 làm chậm thời gian gieo trỉa và không đạt diện tích. Vừa qua, xuất hiện bệnh đạo ôn, gây hại 2.054,7 ha lúa trong toàn tỉnh (nhiều nhất là tại huyện Cẩm Xuyên 1.167,5 ha, Đức Thọ 550 ha) và bệnh đốm nâu xuất hiện một số nơi. Đối với cây lạc, bệnh lở cổ rễ gây hại 16 ha. Bệnh đốm lá nhỏ xuất hiện trên cây ngô. Bệnh nứt thân xù mủ gây nhiễm 28 ha cây ăn quả có múi ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang; bệnh nhện gây hại lá gây nhiễm 32 ha tại các huyện Hương Sơn, Vũ Quang…

Đối với chăn nuôi, từ cuối năm 2016 đến nay gặp khó khăn, do vậy tổng đàn gia súc giảm. Đàn lợn toàn tỉnh hiện có khoảng 420.000 con, giảm 13%; đàn bò 202.340 con, giảm 6%; đàn trâu 76.260 con, giảm 5%; đàn gia cầm 8,08 triệu con, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2017; đàn hươu 33 ngàn con. Từ đầu năm đến nay, dịch lở mồm long móng xảy ra tại các huyện: Thạch Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê và thị xã Hồng Lĩnh; có 145 con gia súc mắc bệnh, trong đó 80 con lợn buộc phải tiêu hủy. Hiện nay chỉ còn phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh đang có dịch lở mồm long móng gia súc chưa qua 21 ngày. Từ đầu năm đến nay không phát sinh dịch bệnh trên thủy sản.

Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV cho biết, tại khu vực các tỉnh miền Trung và Hà Tĩnh các đối tượng gây bệnh, nhất là bệnh đạo ôn đã giảm so với cùng kỳ. Thời gian tới, thời kỳ lúa phân hoá đòng dễ nhiễm bệnh, nhất là đạo ôn cổ bông, rầy nâu đen, bạc lá. Sau đợt gió mùa 6 -7/4/2018, độ ẩm tăng, các đối tượng gây bệnh, nhất là đạo ôn cổ bông, rầy phát triển nhanh. Các địa phương cần chỉ đạo nhân dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phun phòng cho lúa.

Phát biểu tại các điểm cầu ở các huyện, thành phố và thị xã, các đại biểu  nhất trí với báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kiến nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y sớm đưa vắc xin về các địa phương triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; Chi cục Bảo vệ thực vật có hướng dẫn, hỗ trợ về sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng; quản lý nơi bán thuốc, nếu thuốc không đảm bảo phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chú ý đúng loại thuốc, sử dụng thuốc đặc chủng cho từng loại bệnh, từng vùng. Cán bộ kỹ thuật xã, phường, thị trấn nắm chắc từng vùng, từng thửa ruộng, hướng dẫn nông dân theo hình thức "cầm tay chỉ việc". Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh cần nắm được độ ẩm không khí (tốt nhất là độ ẩm đồng ruộng), tốc độ gió, sương mù từng thời điểm, dự báo tới 10 ngày, thường xuyên thông tin dự báo trên Đài Phát thanh và Truyền hình để các đơn vị chủ động phòng trừ dịch bệnh.

Dương Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh


    Ý kiến bạn đọc