Cả hệ thống chính trị cần xem dân chủ cơ sở là chìa khóa, gốc rễ của sự đoàn kết
EmailPrintAa
14:57 19/03/2019

Đó là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới của các ban chỉ đạo (BCĐ) T hi đua dân vận khéo, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và BCĐ công tác tôn giáo tổ chức sáng nay (19/3).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy.

Thực hiện phong trào thi đua "dân vận khéo", các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng và nhân rộng được 1.522 mô hình trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có 258 mô hình tiêu biểu.

Phong trào "dân vận khéo" đã gắn chặt với với phong trào xây dựng NTM và đô thị văn minh, phát huy vai trò trong công tác tái định cư, GPMB các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Phong trào "dân vận khéo" cũng đã huy động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung tay vì người nghèo, tham gia tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo QP-AN trên địa bàn.

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Kỳ Anh Dương Thanh Hòa: Đề nghị tỉnh sớm có các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở các xã, phường và cán bộ cốt cán vùng giáo.

Về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trong năm 2018, các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc công khai 11 nội dung cần phải công khai để nhân dân được biết, được bàn, kiểm tra, giám sát theo quy định. Các phương án đền bù, hỗ trợ, GPMB, tái định cư liên quan đến các dự án, công trình, quy hoạch, quản lý sử dụng đất, các khoản huy động, đóng góp của nhân dân... đều được thực hiện công khai, dân chủ.

Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh: Đối với các mô hình "dân vận khéo", nhất là trong lĩnh vực ANTT, khi có hiệu quả, đề nghị cấp ủy, chính quyền cần tổ chức nhân rộng ngay để tạo tính lan tỏa.

Các địa phương đều thực hiện tốt việc xây dựng hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố và chấp hành các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính. Tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh ngày càng được phát huy tốt hơn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát huy tốt dân chủ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là dân chủ trong Đảng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Trong phong trào "dân vận khéo", quan trọng nhất là phải làm cho dân tin và đồng thuận. Đây là điều hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh Hà Tĩnh đang tập trung cao cho phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh và GPMB, di dời tái định cư phục vụ các công trình, dự án lớn.

Hội nghị cũng đã đi sâu đánh giá một số kết quả hoạt động của BCĐ công tác tôn giáo tỉnh trong năm 2018, nhìn nhận một số tồn tại hạn chế.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, các BCĐ đã thảo luận đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 như: Tiếp tục phát huy dân chủ trong công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình trên các lĩnh vực có liên quan đến trực tiếp đời sống nhân dân, những vấn đề khó khăn, vướng mắc tại cơ sở...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Hệ thống chính trị cần nhận thức cao về dân chủ cơ sở, coi đây là chìa khóa, gốc rễ của sự đoàn kết, đồng thuận, phải thực hiện dân chủ một cách thức chất để tạo sự bền vững

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị cả hệ thống chính trị cần nhận thức cao về dân chủ cơ sở, coi đây là chìa khóa, gốc rễ của sự đoàn kết, đồng thuận, phải thực hiện dân chủ một cách thực chất để tạo sự bền vững, tránh dân chủ hình thức.

"Dân vận khéo" là chìa khóa của mọi sự thành công, chính vì vậy, phong trào "dân vận khéo" phải làm từ gốc, làm xuyên suốt, những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa cần nghiên cứu có cách làm riêng, phù hợp điều kiện thực tiễn.

Đối với công tác tôn giáo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, cần có các giải pháp, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng có tôn giáo để nâng cao đời sống cho bà con; tăng cường bám nắm cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Cần tiếp tục triển khai phong trào "dân vận khéo" một cách bài bản, đồng bộ hơn, phải lấy người dân làm chủ thể

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định, thời gian qua, phong trào thi đua "dân vận khéo", thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã đạt được nhiều kết quả to lớn; đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo QP-AN.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành phát huy tối đa dân chủ trên tất cả các lĩnh vực, phát huy vai trò người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục triển khai phong trào "dân vận khéo" một cách bài bản, đồng bộ hơn, phải lấy người dân làm chủ thể.

Đối với công tác tôn giáo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo cần phải gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con; các địa phương, đơn vị chủ động giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của bà con ngay tại cơ sở.

Nguồn: Phúc Quang - Anh Tấn/baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc