Hà Tĩnh đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
EmailPrintAa
08:28 05/03/2019

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ở một số tỉnh, thành phố, để giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm được tình hình, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa dịch bệnh, Hà Tĩnh đã kịp thời tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Ảnh: Sáng ngày 27/02/2019, đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2, bên trái) kiểm tra công tác phòng, chống dịch (nguồn: Báo Hà Tĩnh)

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn, cụ thể: Đàn lợn trên 426 ngàn con; đàn trâu, bò trên 265 ngàn con, đàn hươu trên 35 ngàn con; đàn gia cầm 8,6 triệu con. Riêng đàn lợn có 145 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn liên kết với các Công ty (Mitraco, Nông lâm, CP, Golden Star), với tổng đàn 114 ngàn con; có 38 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô 300 con trở lên, số lượng trên 19 ngàn con. Ngoài ra còn có các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ dân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương; thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi. Ngày 01/3/2019 Ban  Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công điện số 1407-CĐ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung liên quan đến Bệnh dịch tả lợn Châu Phi; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 22/02/2019 về việc thực hiện khẩn cấp công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; Quyết định số 332/QĐ-UBND, ngày 25/01/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh động vật và bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và thú y ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch bệnh động vật và Dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các bản tin, trang thông tin điện tử của các ngành, đơn vị đã chủ động đưa tin, bài phản ánh về tình hình bệnh dịch và các biện pháp phòng chống dịch, để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả.

Để việc thông tin, tuyên truyền tình hình và công tác phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn Dịch tả lợn châu Phi và các bệnh dịch gia súc, gia cầm; kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện dịch bệnh xảy ra để có phương án xử lý, tránh để dịch lây lan trên diện rộng.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh trên lợn nói chung và bệnh Dịch tả lợn châu Phi nói riêng để kịp thời tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển giết mổ động vật, sản phẩm động vật sai quy định, không rõ nguồn gốc. Chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, các phương án cụ thể và tham mưu sẵn sàng vật tư, hóa chất, nhân lực để ứng phó với bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn cung cấp thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả.

Các cơ sở, hộ chăn nuôi cần hiểu rõ tính chất nguy hiểm, nhận biết các triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi để phát hiện và có phương án xử lý kịp thời, triệt để. Không tái đàn, tăng đàn tại các vùng có mật độ chăn nuôi cao, vượt số lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ mua lợn giống từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; sử dụng sản phẩm của lợn đã được kiểm soát thú y; tổ chức chăn nuôi với quy mô hợp lý, phù hợp với khả năng quản lý và phòng, chống dịch bệnh của từng cơ sở; chăn nuôi khép kín, chăn nuôi liên kết; áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, cách ly không cho người, phương tiện, dụng cụ, thức ăn thừa,.. tiếp xúc với khu vực chăn nuôi. Để tránh bệnh dịch không lây lan, người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn phải thực hiện “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tiếp tục phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong việc đưa và định hướng thông tin đảm bảo kịp thời, chính xác về tình hình, diễn biến, các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Ban Tuyên giáo các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp về diễn biến, cách phòng, chống dịch bệnh; nắm tình hình dư luận để có phương án giải quyết kịp thời các vấn đề mới, nảy sinh, nhằm ổn định tình hình tại địa phương, cơ sở.

Trần Đình Hưng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc