Hà Tĩnh hoàn thành xây dựng 2.094/2.290 nhà tạm, nhà dột nát
EmailPrintAa
17:46 09/05/2025

Các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh Hà Tĩnh đã ủng hộ 54.396 ngày công hỗ trợ các gia đình sửa chữa, xây mới nhà ở, tương đương hơn 8 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm - Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chủ trì cuộc họp.

Chiều 9/5, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm - Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh họp triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Cùng dự họp có Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hà Văn Hùng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng; các đồng chí thành viên ban chỉ đạo và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan.

Giám đốc Sở NN&MT Lê Ngọc Huấn báo cáo kết quả thực hiện chương trình.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước, Hà Tĩnh đã tích cực vào cuộc triển khai quyết liệt.

Qua rà soát của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh có 2.290 hộ dân có nhu cầu xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp nhà ở. Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.410 nhà; người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ 880 nhà.

Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội hóa; phân công đơn vị đỡ đầu các địa phương; hỗ trợ bổ sung kinh phí 10 triệu đồng/nhà xây mới đối với hộ người có công, thân nhân liệt sĩ (ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương 60 triệu đồng/nhà xây mới)...

Đồng chí Nguyễn Thành Đồng - Bí thư Huyện ủy Đức Thọ phát biểu tại cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Văn Khoa - Bí thư Huyện ủy Thạch Hà báo cáo kết quả thực hiện chương trình trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh đã huy động kinh phí gần 207 tỷ đồng thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Trong đó, nguồn kinh phí Trung ương hơn 38,2 tỷ đồng; nguồn Quỹ Vì người nghèo hơn 40 tỷ đồng; nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 3 tỷ đồng; nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 18,4 tỷ đồng; hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội 50 tỷ đồng; nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 là 57 tỷ đồng.

Các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh đã ủng hộ 54.396 ngày công hỗ trợ các gia đình sửa chữa, xây mới nhà ở, tương đương hơn 8 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp.

Hiện tại, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 2.267/2.290 nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo (đạt 98,99%); 2.094/2.290 nhà đã hoàn thành xây dựng.

Các nhà ở được xây dựng cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, kết cấu, chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Các địa phương hoàn thành cao như thị xã Kỳ Anh 100%; Nghi Xuân 94,4%; Hương Sơn 95,7%; Hồng Lĩnh 95,3%...

Đồng chí Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh các nội dung cần quyết liệt triển khai để đạt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích kết quả đã đạt được, những khó khăn trong quá trình triển khai và thảo luận giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm ghi nhận sự nỗ lực, vào cuộc của các đơn vị, địa phương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Thời gian không còn nhiều, mục tiêu đến ngày 19/5 trên địa bàn toàn tỉnh hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tập trung, khẩn trương quyết liệt chỉ đạo, triển khai ngay các nhiệm vụ được phân công, để chương trình về đích trọn vẹn, thể hiện cam kết chính trị và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với Nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo tại cuộc họp.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, đôn đốc, huy động nguồn lực, hoàn thành toàn bộ số nhà còn lại đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Các địa phương tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí, chất lượng công trình sau khi bàn giao; kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh. Tổ chức khánh thành, bàn giao một số nhà cho người có công và gia đình hộ nghèo, cận nghèo với hình thức phù hợp. Đồng thời, tiếp tục chú trọng tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của chương trình, lan tỏa các mô hình hay, cách làm tốt trong xóa nhà tạm, nhà dột nát...

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục tập trung tham mưu tổ chức tổng kết Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; lựa chọn khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, sau khi hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ nhà ở cho người dân có nhu cầu.

Nguồn: baohatinh.vn

(https://baohatinh.vn/ha-tinh-hoan-thanh-xay-dung-20942290-nha-tam-nha-dot-nat-post287482.html?)


    Ý kiến bạn đọc