Hà Tĩnh: Lan tỏa Phong trào thi đua “Dân vận khéo”
EmailPrintAa
16:24 08/10/2020

Chiều ngày 07/10/2020, Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gặp mặt kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận”

Tại Hội nghị, các đại biểu đã ôn lại “90 năm truyền thống Công tác Dân vận của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh” qua phóng sự bằng video, khẳng định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, là điều kiện quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã khơi dậy sức mạnh đoàn kết của toàn dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương qua các thời kỳ cách mạng.

Theo báo cáo, triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng mô hình dân vận khéo trong thời gian tới” và chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai sâu rộng đến các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung, chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng thiết thực; các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai rộng khắp, khơi dậy tinh thần yêu nước, tập hợp sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 15.560 tập thể và cá nhân điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị mang lại hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Thông qua thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, thể hiện rõ nét trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư để triển khai các công trình, dự án trọng điểm; giải quyết sự cố môi trường biển; phòng, chống đại dịch Covid-19...

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tham luận đã phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh trong 90 năm qua; những cách làm hay, phương pháp chỉ đạo hiệu quả và những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Đồng chí Nguyễn Lam phát biểu

Dự và phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được của phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Hà Tĩnh. Đồng chí nhấn mạnh, kết quả tích cực trong phong trào dân vận khéo thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đối với công tác dân vận, đồng thời thể hiện trách nhiệm của cán bộ dân vận các cấp trước Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của dân vào Đảng, là mạch nguồn, động lực trong quá trình xây dựng tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Đồng chí đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải luôn “gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Gắn công tác dân vận với công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí Thư Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh phát biểu

Kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh nhấn mạnh: Mục tiêu Đại hội đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phấn đấu đến năm 2025 Hà Tĩnh trở thành tỉnh nông thôn mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Để thực hiện được mục tiêu này, công tác dân vận rất quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đồng chí đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chỉ thị số 32-CT/TU; thường xuyên đổi mới cách thức chỉ đạo, nhân rộng ngày càng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có tính bền vững, hiệu quả cao. Việc tổ chức thực hiện Phong trào phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ sơ, tổng kết đánh giá tôn vinh, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng kịp thời các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” một cách nghiêm túc, có chất lượng. Các cơ quan Nhà nước, các lực lượng vũ trang tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm đối với công tác dân vận, gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nắm chắc tình hình, tham mưu giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân; làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Dịp này, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Ban Dân vận Trung ương trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” cho 40 cá nhân.

Chu Thanh Hoài (Ban Dân vận Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc