Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua công cụ sở hữu trí tuệ
EmailPrintAa
16:10 28/06/2019

Sáng ngày 28/6/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Nghệ An phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua công cụ sở hữu trí tuệ. Dự hội thảo có đại diện VCCI Chi nhánh Nghệ An; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cùng đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố, thị xã; một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí chủ trì hội thảo

Theo báo cáo tại Hội thảo, sở hữu trí tuệ là một loại của tài sản vô hình, có khả năng sinh lợi nhuận cao. Một hệ thống sở hữu trí tuệ đầy đủ và có hiệu quả sẽ bảo vệ lợi ích của Nhà nước, chủ sở hữu, người tiêu dùng và các nhà sản xuất, chủ đầu tư. Trong những năm qua, để hỗ trợ phát triển trí tuệ, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành một số chính sách như: Nghị quyết số 141/2015/NQ-HĐND, ngày 17/7/2015 thông qua Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 – 2020, trong đó hỗ trợ thiết kế, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tối đa 12 triệu đồng/nhãn hiệu; hỗ trợ đăng ký kiểu dáng công nghiệp 10 triệu đồng/kiểu dáng; hỗ trợ đăng ký sáng chế 15 triệu đồng/sáng chế. Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND, ngày 24/9/2016 về phát triển thị trường Khoa học công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo, hỗ trợ lên đến 300 triệu đồng/doanh nghiệp xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp. Nghị quyết số 91/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 về một số chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng khi thực hiện: tư vấn thủ tục chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, tối đa không quá 50 triệu đồng/đơn vị và không quá 01 lần/năm.

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ đối của các tổ chức, cá nhân, thúc đẩy các hoạt động đăng ký bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ. Từ 2005 về trước chỉ có 24 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; từ năm 2005 -2015 có 329 đơn đăng ký; nhưng từ năm 2016 - 2018 có 914 đơn đăng ký. Theo thống kê đến tháng 6/2019, Hà Tĩnh có 7.165 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, 1.372 hợp tác xã và 62.060 hộ kinh doanh, trong đó có 1.267 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đã được cấp 886 văn bằng bảo hộ. Từ năm 2015 về trước, đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Hà Tĩnh tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dược phẩm - y tế nhưng hiện nay đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã tăng ở các lĩnh vực, trong đó các lĩnh vực tăng nhiều nhất là nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Có 05 làng nghề truyền thống (rèn Trung Lương (Hồng Lĩnh), mộc Thái Yên, đóng thuyền Trường Sơn (Đức Thọ), mộc Trường Đình, chổi đót Hà Ân (Lộc Hà) và 08 nghề truyền thống (chiếu cói Lam Sơn, nón lá Kỳ Thư, nước mắm Tam Hải (Kỳ Ninh), mây tre đan Yên Mỹ (Đức Thọ), nước mắm Cẩm Nhượng, mộc Thái Yên, mộc Phổ Trường (Xuân Phổ, Nghi Xuân), nước mắm Xuân Phú (Kỳ Xuân) đã được công nhận. Có 10 sản phẩm đặc sản được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gồm: Bưởi Phúc Trạch, Nhung hươu Hương Sơn (chỉ dẫn địa lý); Kẹo cu đơ Hà Tĩnh, Cam bù Hương Sơn, Cam Thượng Lộc, Cam Khe Mây, Bánh gai Đức Yên (nhãn hiệu chứng nhận); Cam Vũ Quang, Mật ong Vũ Quang, Mộc Thái Yên (nhãn hiệu tập thể)…

Tuy vậy, hoạt động hỗ trợ, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thời gian qua còn một số hạn chế. Nhiều sản phẩm nổi tiếng trên địa bàn tỉnh chưa được bảo hộ thương hiệu, chưa có bao bì nhãn mác và hệ thống nhận diện thương hiệu; chỉ có 03 cơ quan (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và 5/13 huyện (gồm các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, Đức Thọ) triển khai hoạt động hỗ trợ, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của địa phương. Nhiều địa phương chưa xây dựng được chính sách hỗ trợ đăng ký, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản và làng nghề truyền thống của địa phương. Hoạt động tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được triển khai thường xuyên, liên tục…

Để khắc phục những hạn chế đó, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cần đẩy mạnh và đa dạng hoá hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật sở hữu trí tuệ; tăng cường công tác tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ nhằm khuyến khích các hộ sản xuất, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết phát triển, đặc biệt là hỗ trợ đăng ký, phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, các huyện, ngành cần có một kế hoạch dài hạn về việc xây dựng thương hiệu gắn với tuyên truyền, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Dương Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh


    Ý kiến bạn đọc