Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Công giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới”
EmailPrintAa
09:25 08/01/2025

Sáng ngày 07/01/2025, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Công giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới”.

Các đạo biểu dự Hội thảo

Đồng chí Trương Thanh Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dận vận Tỉnh ủy và đồng chí  Nguyễn Hải Nam, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì. Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành; Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh và một số chức sắc, nữ tu và nhà nghiên cứu Công giáo.

Hội thảo là hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện chuyên đề khoa học “Phát huy  nguồn lực của các tôn giáo (Phật giáo, Công giáo) góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” do Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì.

Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh

phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Theo báo cáo tại Hội thảo, Công giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI (vào năm 1533), vào Hà Tĩnh từ đầu thế kỷ XVII. Tại Hà Tĩnh, Công giáo phát triển hài hòa với văn hóa địa phương và các tôn giáo khác; người Công giáo Hà Tĩnh vừa giữ đức tin vừa giàu lòng yêu nước, tín hữu Công giáo tại Hà Tĩnh ngày càng gia tăng; các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ của Công giáo đã có nhiều công trình kiến trúc, nhiều nhà thờ khang trang. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, đồng bào Công giáo Hà Tĩnh cũng có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước. Thời kỳ chống thực dân Pháp, nhiều danh sĩ yêu nước nổi tiếng là chức sắc Công giáo, như: Linh mục Phêrô Đậu Quang Lĩnh (Đức Thọ), Linh mục Gioan Baotixita Mai Lão Bạng (Kỳ Anh)… tham gia Phong trào Đông Du và Phong trào Duy Tân, Việt Nam Quang Phục hội; nhiều linh mục, đồng bào Công giáo bị thực dân Pháp kết án khổ sai, bị đày ra Côn Đảo nhưng vẫn một lòng kiên trung với Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, chức sắc và đồng bào Công giáo Hà Tĩnh đã vươn lên tạo dựng đời sống tinh thần phong phú. Các ngày lễ trọng của đồng bào Công giáo, nhất là Lễ Giáng sinh đã trở thành một lễ hội đặc biệt, là dịp người dân lương - giáo đoàn kết, chung vui. Đường hướng, tinh thần “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” “Sống tốt đời đẹp đạo”…, sống có trách nhiệm với quê hương đất nước luôn được Giáo hội Công giáo đặc biệt quan tâm, kêu gọi tín đồ thực hành trong đời sống, đây chính là nguồn lực tinh thần quý giá mà Công giáo trực tiếp góp phần xây dựng đạo đức tín đồ Công giáo.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh

phát biểu tham luận

Có 20 bài tham luận của các tác giả và 08 ý kiến tham luận đánh giá về nguồn lực của Công giáo trên các lĩnh vực: Bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục mầm non, giáo dục dạy nghề và bảo vệ môi trường; đặc biệt là ảnh hưởng của giáo lý Công giáo đối với văn hóa, đạo đức con người Hà Tĩnh. Nhiều tham luận khẳng định nguồn lực tinh thần, nguồn lực vật chất của Công giáo Hà Tĩnh thời gian qua đã được phát huy, 13% đồng bào Công giáo là nguồn lực quan trọng không thể tách rời trong sự phát triển thịnh vượng của Hà Tĩnh. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 5.000 mô hình phát triển kinh tế do người Công giáo làm chủ, hàng năm cho thu nhập từ 150 - 500 triệu đồng/mô hình/năm. Trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã có trên 3.500 hộ gia đình Công giáo hiến trên 221.500 m 2 đất, góp trên 293.000 ngày công với số tiền hàng chục tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 131/131 xã vùng giáo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 80 khu dân cư có đông đồng bào Công giáo sinh sống đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 10 xã vùng giáo đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 17 xã vùng giáo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… ; Ban Caritas của giáo phận Hà Tĩnh đã đã huy động gần 94 tỷ đồng thực hiện trong các chương trình hỗ trợ từ thiện với nguồn kinh phí gần 90 tỷ đồng ủng hộ người nghèo, người yếu thế, trẻ em lang thang cơ nhở, phụ nữ lỡ lầm mang thai, người già cô đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật, xây dựng Nhà Tình thương, cứu trợ thiên tai. Trong đại dịch COVID-19, đã có nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân tham gia các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội.

Với những đóng góp quan trọng đó, Công giáo Hà Tĩnh ngày càng khẳng định vai trò của mình trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong quá trình tôn giáo tham gia trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, xây dựng đạo đức con người Công giáo…; một bộ phận nhỏ lợi dụng tôn giáo để thực hiện những nội dung chưa đúng quy định pháp luật.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Trương Thanh Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định, các tham luận và ý kiến của các đại biểu, nhà nghiên cứu, chức sắc tôn giáo là nguồn tư liệu, căn cứ khoa học, thực tiễn để Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu, kế thừa một cách đầy đủ và toàn diện nhằm phát huy nguồn lực của Công giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới.

Chu Thanh Hoài (Ban Dân vận Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc