Kính thưa các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
Kính thưa các đồng chí!
Ngày 24/11/2021, tại Thủ đô Hà Nội, Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có bài phát biểu định hướng rõ nét về lĩnh vực văn hóa.
Để triển khai các nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh. Đây là hội nghị hết sức có ý nghĩa, được tổ chức vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957-15/6/2022), kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2022).
Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 11/2021). Ảnh: Zing
Kính thưa các đồng chí!
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nhờ văn hóa là nền tảng, động lực nên đã giúp dân tộc Việt Nam trường tồn, phát triển, không bị đồng hóa, giữ vững bản sắc, cốt cách.
Vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa và con người được Đảng ta nhấn mạnh trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930. Đến năm 1943, “Đề cương văn hóa Việt Nam” của Đảng lại chỉ rõ "Mặt trận văn hóa... là mặt trận quan trọng”. Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, quan điểm về văn hóa, xây dựng con người tiếp tục được Đảng ta kế thừa, phát triển.
Núi Hồng, sông La. Ảnh: Đình Nhất
Hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, Hà Tĩnh đã tạo dựng nên diện mạo một vùng đất vừa mang hồn cốt chung của dân tộc Việt Nam, vừa mang sắc thái riêng. Người Hà Tĩnh yêu quê hương, đất nước nồng nàn, kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm, khắc phục, chế ngự thiên nhiên; hiếu học; chịu thương, chịu khó, sống cương trực, chân tình. Luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, kết nối vì cộng đồng.
Chúng ta hết sức tự hào về một vùng quê với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đồ sộ, đặc sắc; trên 1.800 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 529 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 86 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt với đủ các loại hình.
Núi Hồng - sông La được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam xưa, được khắc trên cửu đỉnh đặt tại cố đô Huế.
Núi Hồng - sông La là một trong 21 danh thắng của nước Nam xưa; công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ được nhiều người biết đến; Vườn quốc gia Vũ Quang có loài thú quý hiếm Sao la; thác Vũ Môn; Đèo Ngang; các bãi biển Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải - Quỳnh Viên, Thiên Cầm, Kỳ Ninh… là những địa danh hấp dẫn làm mê đắm lòng người.
Hà Tĩnh có 45 làng nghề và nghề truyền thống, nổi tiếng như: mộc Thái Yên, rèn Trung Lương, nón Phù Việt, gốm Cẩm Trang... và trên 70 lễ hội; có các loại hình văn nghệ dân gian độc đáo (dân ca ví giặm, ca trù, hò chèo cạn Cẩm Nhượng, hát sắc bùa Kỳ Anh...).
Ca trù và dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Đồng Anh
Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: PV
Với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Mộc bản Trường học Phúc Giang và sách Hoàng Hoa sứ trình đồ là Di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thời phong kiến, Hà Tĩnh là một trong 10 tỉnh có số người đậu đại khoa nhiều nhất Việt Nam, với 148 vị. Là tỉnh có nhiều danh nhân nổi tiếng như danh tướng thời Hậu Trần - Đặng Dung; thời Tây Sơn - Ngô Văn Sở. Là quê hương của danh nhân Nguyễn Công Trứ; lãnh tụ phong trào Cần Vương - Phan Đình Phùng. Quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập; đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng; quê hương của nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư như: Giáo sư Nguyễn Đức Bình, Giáo sư Lê Xuân Tùng, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, Thượng tướng Lê Minh Hương.
Đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Hà Tĩnh có Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đầu tiên: Luật sư Phan Anh; người đầu tiên tổ chức mở xưởng đúc vũ khí theo kiểu Châu Âu: Danh tướng Cao Thắng; bác sĩ thú y đầu tiên: Phạm Văn Huyến; thạc sĩ Toán học đầu tiên: Giáo sư Hoàng Xuân Hãn; Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam đầu tiên: Giáo sư Lê Văn Thiêm; nữ Giáo sư, Tiến sĩ Toán học đầu tiên: Hoàng Xuân Sính; Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam đầu tiên: Giáo sư Phan Đình Diệu; nhà Vật lý hạt nhân đầu tiên: Giáo sư Nguyễn Đình Tứ; người tiên phong nghiên cứu bảo vệ môi trường: Giáo sư Võ Quý.
Danh họa Nguyễn Phan Chánh là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam; 3 trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam đương đại là Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Hà Văn Tấn, Giáo sư Đinh Xuân Lâm. Nữ Tiến sĩ Luật học đầu tiên: Ngô Bá Thành; tác giả một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam: nhà văn Hoàng Ngọc Phách với tiểu thuyết Tố Tâm; các nhà thơ mới: Xuân Diệu, Huy Cận; nhà địa lý phong thủy nổi tiếng nhất thời phong kiến: Tả Ao.
Bác Hồ với họa sỹ Nguyễn Phan Chánh (thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, 1962. Ảnh tư liệu
Nêu những nét nổi bật này không phải để chúng ta thỏa mãn mà để mọi người cùng ý thức các thế hệ cha ông đi trước đã làm rạng danh cho quê hương, trách nhiệm của chúng ta phải kế tục, phát huy.
Kính thưa các đồng chí!
Nhìn lại hơn 30 năm tái lập tỉnh (1991-2022), nhất là kể từ khi Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành các nghị quyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới, lĩnh vực văn hóa Hà Tĩnh đạt được nhiều dấu ấn.
Chỉ số phát triển con người như tuổi thọ, cơ cấu dân số, nguồn lực con người, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được thay đổi với chiều hướng tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các di sản được UNESCO vinh danh luôn được quan tâm. Các hoạt động sáng tạo nghệ thuật có nhiều chuyển biến.
Lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà đã có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, đạt giải cao ở cấp quốc gia. Hệ thống thư viện có bước phát triển tốt. Bên cạnh thư viện công, toàn tỉnh có 20 thư viện tư nhân với hàng chục nghìn đầu sách phục vụ bạn đọc. Thư viện cộng đồng TX Kỳ Anh được xếp vào tốp dẫn đầu các thư viện cộng đồng cả nước.
Các hiện vật thuộc di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (tháng 11/2020). Ảnh: Đức Cường
Công tác giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế với nhiều cách làm sáng tạo. Qua đó, đã kết nối được con em Hà Tĩnh hướng về quê hương; Hà Tĩnh đã nhận được tình cảm và sự yêu mến đặc biệt của Nhân dân cả nước.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được đẩy mạnh. Hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, chung tay phòng chống dịch COVID-19, khuyến học, khuyến tài… mang lại hiệu quả thiết thực.
Văn hóa công sở được chú trọng. Phần lớn các địa phương, cơ quan, đơn vị đã đề ra các chuẩn mực, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến. Các hủ tục, thói quen lạc hậu dần được loại bỏ khỏi đời sống cộng đồng.
Có thể nói, đặc trưng và dấu ấn của vùng đất, văn hóa, con người Hà Tĩnh là một gam màu đặc sắc trong bức tranh chung về văn hóa, con người Việt Nam; trở thành nguồn cảm hứng lớn của thi ca và âm nhạc. Là mảnh đất nuôi dưỡng nên nhiều ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng.
Ảnh 1: Thác Vũ Môn (Hương Khê). Ảnh 2: Di tích Hoành Sơn Quan (TX Kỳ Anh). Ảnh 3: Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Huy Tùng
Đội ngũ những người làm công tác quản lý văn hóa tỉnh nhà qua các thời kỳ đã có những đóng góp quan trọng trong quảng bá, giới thiệu những nét đẹp của quê hương với bạn bè trong nước và quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên lĩnh vực văn hóa của tỉnh nhà vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tại diễn đàn này, tôi xin đề cập thêm một số nội dung cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới:
Do đặc điểm địa lý - lịch sử - văn hóa vùng miền, tư tưởng học để làm thầy, làm quan, thoát ly lao động chân tay dẫn đến thực trạng “ly nông, ly hương”, “thừa thầy thiếu thợ”, thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Người Hà Tĩnh thẳng thắn cương trực nhưng đôi lúc vụng về, thô ráp, âm giọng nặng nên thường quá ồn ào nơi công cộng và thiếu mềm mỏng trong giao tiếp. Tính cố kết cộng đồng cao có lúc trở thành cục bộ, địa phương; không ít người tự cao, tự đại về vùng đất văn hiến, giàu truyền thống dẫn tới bảo thủ, cố chấp. Tư tưởng tiểu nông, sản xuất manh mún đôi khi dẫn đến thiếu tính kỷ luật trong lao động công nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chúc mừng thành công của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh trong kỳ Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. Ảnh: Đình Nhất
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị nhìn chung còn thiên lệch về kinh tế, chưa đặt đúng tầm văn hóa, chưa thực sự xem văn hóa là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Điều này thể hiện rõ trong đầu tư nguồn lực kinh tế và nguồn lực con người cho văn hóa hằng năm còn quá thấp.
Văn hóa ứng xử, mối quan hệ thiêng liêng, tốt đẹp giữa con người trong gia đình, nhà trường, xã hội đang bị chủ nghĩa thực dụng, tâm lý ích kỷ làm suy yếu. Lòng hiếu thảo với cha mẹ; đạo nghĩa vợ chồng; sự tôn kính trong quan hệ thầy - trò; mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, bè bạn... đang bị yếu tố vật chất chi phối; tình làng, nghĩa xóm một số nơi bị rạn nứt, có nơi xẩy ra mâu thuẫn nội bộ. Không ít công dân vì lợi ích cá nhân mà coi thường kỷ cương, phép nước, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của quê hương, đất nước.
Về văn học nghệ thuật, tình trạng hẫng hụt thế hệ, sự thiếu vắng các tác phẩm văn chương có tầm cũng như sự thờ ơ của văn hóa đọc đang là những vấn đề rất đáng quan tâm. Chất lượng sáng tạo, giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, giáo dục lý tưởng cách mạng của một số tác phẩm văn học nghệ thuật còn mờ nhạt.
Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh phối hợp với huyện Vũ Quang khai mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật nhân kỷ niệm 175 năm ngày sinh Đình nguyên, Tiến sỹ Phan Đình Phùng. Ảnh: Văn Chung
Do thiếu nguồn lực, thiếu quy hoạch tổng thể và không được đầu tư đúng mức nên nhiều di tích chưa trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh để phát huy giá trị. Một số di tích sau khi trùng tu, tôn tạo mất đi những giá trị quý báu của di tích gốc.
Các di sản văn hóa phi vật thể đang phải đối diện với sự “xâm thực” của thời gian, “xâm lăng” của văn hóa hội nhập. Nhiều làng nghề, lễ hội truyền thống mai một. Các nghệ nhân dân gian ngày càng thiếu vắng. Là tỉnh có bề dày văn hóa, nhưng đến nay chưa có bảo tàng đúng nghĩa; thiếu nhà văn hóa cho công nhân; thiếu nơi luyện tập thể thao, vui chơi cho người cao tuổi, trẻ em. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh xuống cấp, thiếu không gian để diễn viên tập luyện. Trường Cao đẳng Nguyễn Du thiếu thốn về nhân lực, cơ sở vật chất.
Nhiều danh lam, thắng cảnh như: núi Hồng, sông La, biểu tượng ngàn đời của Hà Tĩnh và nhiều danh thắng khác đang bị bàn tay con người làm méo mó, biến dạng.
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế (ảnh 1). Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (ảnh 2). Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (ảnh 3). Đền Chợ Củi (ảnh 4). Ảnh: Đồng Anh - Đậu Hà
Văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, quản lý còn nhiều điều băn khoăn. Môi trường làm việc ở một số cơ quan, đơn vị chưa tạo điều kiện để cán bộ chuyên tâm cống hiến; người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị còn mất dân chủ, độc đoán, thiếu gương mẫu; một số cán bộ làm việc cầm chừng, thiếu ý thức vì nhiệm vụ chung; im lặng trước cái sai, cái xấu; không dám bảo vệ cái tốt, cái thiện...
Điều đáng trăn trở khi ứng xử của một số cán bộ, công chức, viên chức với người dân chưa văn hóa. Làm việc vô cảm, thiếu tính phối hợp với đồng chí, đồng nghiệp. Một số cán bộ thiếu khiêm tốn, luôn cho rằng đáng ra mình phải được bố trí các chức vụ cao hơn, nhưng thực tế năng lực hạn chế, uy tín thấp.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhìn chung chưa nghiêm. Không ít người còn lợi dụng việc cưới tang, lễ hội để vụ lợi cá nhân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ý thức cao khi sử dụng mạng xã hội nên đã để xảy ra những hệ lụy.
Người cao tuổi giải trí tại nhà văn hóa cộng đồng thôn Nam Viên, xã Xuân Viên, Nghi Xuân.
Những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan, tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do thiếu chiến lược tổng thể để khai thác, phát huy giá trị văn hóa, trí tuệ con người Hà Tĩnh. Một số cấp ủy đảng và chính quyền xem nhẹ, chưa nhận thức đúng đắn về văn hóa. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa thiếu trọng tâm, trọng điểm. Chậm đề ra các cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ các cấp còn thiếu và yếu.
Kính thưa các đồng chí!
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ…, văn hóa phải làm cho mỗi người Việt Nam… hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Thu Hà
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra chủ trương: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: “… Phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh… huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững”.
Thời gian tới, Hà Tĩnh đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Để tiếp tục đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa:
Thứ nhất: Cả hệ thống chính trị phải thể hiện quyết tâm cao, đề ra các cơ chế, chính sách cụ thể để khơi dậy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương; khơi dậy ý chí, khát vọng của mỗi người dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phải xác định, chỉ đạo phát triển lĩnh vực văn hóa là trách nhiệm thường xuyên của hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của những người đứng đầu.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh Phan Xuân Biên cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho các hộ dân làng vạn chài thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ). Ảnh: PV
Mỗi người dân Hà Tĩnh, trước hết đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn rèn giũa bản thân để xây đắp cho mình có nhân cách, lối sống đẹp, nhân văn, luôn nêu cao trách nhiệm với xã hội; đề cao dân chủ gắn với thượng tôn pháp luật, “sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Cùng với khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, cần đấu tranh đẩy lùi, loại bỏ cái xấu xa, cái lạc hậu.
Thứ hai: Các địa phương, đơn vị phải hết sức chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Đề ra các giải pháp phát huy hệ giá trị tích cực trong mỗi gia đình, dòng họ, tạo môi trường để bồi đắp cho mỗi công dân, nhất là thế hệ trẻ những giá trị của văn hóa truyền thống như: dân ca ví, giặm, lời hay, ý đẹp, đánh thức tính nhân văn, lòng tự trọng, danh dự của mỗi con người.
Quan tâm xây dựng văn hóa trong trường học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, ý thức trách nhiệm xã hội, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Xây dựng hình mẫu người giáo viên tận tâm, hết lòng, hết sức vì học sinh thân yêu, thực sự là tấm gương mẫu mực, sáng tạo để học sinh noi theo. Ngành giáo dục - đào tạo, khi ra các đề thi cần chọn những câu thơ, câu danh ngôn, những hành động đẹp để học sinh cảm nhận nhằm nâng cao nhận thức, giá trị thẩm mỹ, đạo lý cuộc sống.
Tuổi trẻ Trường THCS Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) tham gia hoạt động “Chúng em yêu biển”. Ảnh: Hương Thành
Cần quan tâm đúng mực văn hóa ứng xử, gắn việc thực hiện các quy định của pháp luật với hương ước, quy ước; xây dựng các tổ liên gia tự quản; hình thành cộng đồng dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị kiểu mẫu. Chú trọng giữ gìn thuần phong, mỹ tục, kết nối tình làng, nghĩa xóm; không để mâu thuẫn nội bộ phát sinh.
Phải hết sức quan tâm ngăn chặn, phòng ngừa, đẩy lùi những suy nghĩ, hành động lệch chuẩn văn hóa. Hiện nay, vẫn còn tình trạng gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể chưa coi trọng việc giáo dục, dìu dắt, chỉ bảo con em. Nhiều gia đình vì mải mê làm kinh tế mà sao nhãng việc giáo dục con cái. Một số trường học chỉ chú trọng giáo dục kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Theo đó, phải quan tâm thường xuyên hoạt động đoàn, hội, đội trong các nhà trường. Xem đây là một trong những giải pháp tốt để giáo dục đức, trí, thể, mỹ cho học sinh, sinh viên.
Các cấp, ngành phải đặc biệt chú trọng tới các thiết chế văn hóa, tạo môi trường cho công dân có nơi sinh hoạt, hưởng thụ lành mạnh.
Nhà văn hóa cộng đồng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân (trong ảnh: n hà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ tại thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên). Ảnh: Phan Trâm
Các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, thực dụng, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan.
Phải hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy phục vụ Nhân dân, trăn trở với chuyên môn, trách nhiệm trong tham mưu nhiệm vụ. Luôn đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của quần chúng để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, phải tích cực kiểm tra, đôn đốc cán bộ các cấp thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thực tế hiện nay, bên cạnh những cán bộ hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ chung vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên không ý thức đầy đủ chức trách nhiệm vụ của mình, làm việc đối phó, hời hợt, chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân. Nhiều cán bộ lo phải chịu trách nhiệm nên không muốn đổi mới, không dám thay đổi, chỉ làm theo nếp cũ, từ đó sinh ra bảo thủ, trì trệ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng dự lễ ra mắt và tham gia các hoạt động tại nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn). Ảnh: Hữu Trung
Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải thể hiện rõ văn hóa trong công việc thường ngày; biết nhận sai và sửa sai; biết bàn thảo dân chủ, sử dụng trí tuệ tập thể; có đủ dũng khí để quyết định, thực thi và chịu trách nhiệm trước mọi công việc.
Mỗi cán bộ phải luôn ý thức, sự tử tế, mực thước của người lãnh đạo, quản lý có sức cảm hóa, lan tỏa rất lớn. Vì vậy, phải luôn gương mẫu, ứng phó kịp thời, xử lý hiệu quả với mọi tình huống, nhất là việc mới, việc khó. Làm việc phải thực chất, tạo sản phẩm thiết thực, tránh xa căn bệnh hình thức.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý là người được giao những quyền lực nhất định, nhưng phải sử dụng quyền lực có văn hóa; trong các mối quan hệ phải ứng xử có lý, có tình, không xu nịnh cấp trên, không coi thường cấp dưới, không trù dập người có chính kiến. Phải giữ vững nguyên tắc, quyết đoán, biết làm chủ bản thân và kiểm soát cảm xúc, hành vi; thực sự cầu thị, biết lắng nghe, không nên có tư tưởng “chuyến tàu hoàng hôn”, hay quá chủ quan, tự tin vào sức trẻ.
Nông thôn mới thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). Ảnh: Thanh Hoài
Người cán bộ có văn hóa là khi thấy cấp trên, thấy đồng nghiệp của mình có khuyết điểm, ứng xử chưa đúng mực phải góp ý chân thành, xây dựng, tránh cổ xúy, a dua.
“Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt” (Matin Luther King).
Mỗi một cán bộ phải tự ý thức xây dựng cho mình quy tắc ứng xử với mạng xã hội. Luôn suy nghĩ những điều mình đăng tải hay chia sẻ có ảnh hưởng tới tổ chức, cá nhân nào không. Không được dễ dãi trong việc đăng tải những thông tin khi chưa được kiểm chứng. Phải luôn chia sẻ những điều tích cực đến với mọi người để lan tỏa những điều tốt đẹp.
Thứ ba: Quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là các di sản đã được UNESCO vinh danh, các di tích cấp quốc gia đặc biệt; các di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Khai thác, sử dụng hiệu quả nhà văn hóa cộng đồng, tạo sân chơi bổ ích cho các lứa tuổi, lưu giữ nét đẹp văn hóa làng quê bằng việc khôi phục các bộ môn thể thao, trò chơi dân gian.
Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) - một trong những lễ hội đặc sắc của Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Huy động nguồn lực đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đền làng, miếu mạo phù hợp với truyền thống để hướng thiện cho con người. Tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng chính đáng; đấu tranh chống việc lợi dụng, núp bóng tôn giáo, tín ngưỡng làm phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư: Thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ; không để tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa các cấp. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa phải là người có phẩm chất chính trị và có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, có tầm nhìn, khả năng vận động, thuyết phục Nhân dân tham gia xây dựng và phát triển, bảo tồn văn hóa.
Người được giao nhiệm vụ làm công tác văn hóa phải luôn nỗ lực hoàn thiện mình, tự mình trở thành những sứ giả văn hóa, chuyên gia văn hóa, là lực lượng nòng cốt để tham mưu đắc lực, khơi dậy các giá trị văn hóa, khát vọng vươn lên của con người Hà Tĩnh.
Các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. Quan tâm hơn các chính sách đãi ngộ, sử dụng đội ngũ văn nghệ sỹ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ cống hiến.
Tiết mục "Mắm muối nên duyên” do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh dàn dựng giành giải Bạc Hội diễn Đàn hát dân ca 3 miền do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tổ chức tháng 12/2021. Ảnh: Thiên Vỹ
Thứ năm: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, truyền thông, đáp ứng yêu cầu chuyển tải các giá trị văn hóa đến công chúng. Chú trọng hiện đại hóa mạng lưới phát thanh, truyền hình, báo chí, internet… gắn với tăng cường công tác quản lý. Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh, Tạp chí Hồng Lĩnh, Đặc san Thông tin Tư tưởng phải đi đầu trong giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa Hà Tĩnh đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Kính thưa các đồng chí,
Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh là dịp quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ hiểu sâu sắc về tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị của nền văn hóa Việt Nam.
Tin tưởng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của tỉnh nhà tiếp tục có những bước chuyển, hồn cốt dân tộc, bản sắc văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt sẽ tiếp tục tỏa sáng.
Xin trân trọng cảm ơn!
BÍ THƯ TỈNH ỦY HOÀNG TRUNG DŨNG
Nguồn: baohatinh.vn
Tin mới cập nhật
- Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động ( 16/01)
- Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng ( 14/01)
- Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Công giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” ( 08/01)
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri ( 24/12)
- Hà Tĩnh tổng kết và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024 ( 20/12)
- Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Phật giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” ( 18/12)