Đồng chí Dương Tất Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại điện Thường trực Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng của Quỹ Khuyến học - Khuyến tài Nguyễn Du cho các em học sinh
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, các hội quần chúng ngày càng phát huy vai trò của tổ chức mình trong đời sống xã hội; lồng ghép nhiệm vụ của tổ chức hội với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần vào kết quả chung của địa phương.
Các tổ chức hội đã đổi mới nội dung và hình thức công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân, tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền, định hướng thông tin dư luận, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên trong giai đoạn Hà Tĩnh gặp sự cố môi trường biển, Quốc hội bàn Dự thảo Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt… để hội viên nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến cho cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn trong quá trình hoàn thiện và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách. Thông qua các chương trình, dự án, các hội đã giúp đỡ, tương trợ hội viên, nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng mô hình sản xuất, vườn mẫu, trang trại, bảo vệ môi trường…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều phong trào từ thiện, nhân đạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được các cấp hội triển khai. Các phong trào thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe cộng đồng như bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh... được duy trì thường xuyên, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút đông đảo hội viên và nhân dân tham gia. Các hội cũng quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, phát triển hội viên; huy động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, động viên, khích lệ hội viên vươn lên trong cuộc sống.
Thực hiện chủ trương sáp nhập, hợp nhất các hội quần chúng đặc thù có tính chất, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động gần giống nhau, đến nay, thị xã Kỳ Anh, các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Thạch Hà đã hợp nhất Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin cấp huyện; thị xã Kỳ Anh, các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Lộc Hà hợp nhất Hội Khuyến học với Hội Cựu giáo chức cấp huyện. Cấp xã có 51 địa phương sáp nhập 04 tổ chức: Hội Chữ thập đỏ, Hội Người mù, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin lấy tên Hội Chữ thập đỏ và bảo trợ xã hội; 40 địa phương sáp nhập 03 tổ chức: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, Hội Người mù lấy tên Hội Bảo trợ người khuyết tật - Nạn nhân chất độc da cam - Người mù; 70 địa phương sáp nhập 02 tổ chức Hội Khuyến học và Hội Cựu giáo chức lấy tên Hội Khuyến học - Cựu giáo chức. Các tổ chức hội sau khi sáp nhập có quy mô lớn hơn, hội viên đông hơn, vai trò, vị thế được nâng lên; cấp ủy, chính quyền có điều kiện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ tổ chức hội hoạt động.
Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở cấp xã. Phần lớn các tổ chức hội chưa thực hiện đúng nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động mà đang phụ thuộc chủ yếu vào hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Một số tổ chức hội chưa chủ động, tích cực trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về các lĩnh vực liên quan đến tổ chức, hội viên mình; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới, mang tính hình thức, chưa đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích thiết thực của hội viên. Việc kiện toàn, hợp nhất các tổ chức hội có tính chất, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động gần giống nhau tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm.
Thời gian tới, để phát huy vai trò của các tổ chức hội quần chúng, các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải đánh giá đúng vai trò, vị trí của hội quần chúng, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các hội quần chúng hoạt động; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền đối với hoạt động của các tổ chức hội. Về phần mình, các cấp hội cần chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có chương trình, kế hoạch cụ thể, chọn những việc trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương để triển khai; tranh thủ các nguồn lực, tạo nguồn kinh phí hoạt động; phát huy được lợi thế của tổ chức hội, trí tuệ của hội viên; tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các hội viên; nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chế độ, chính sách phù hợp để các cấp hội có điều kiện hoạt động tốt hơn. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Thông báo số 135-TB/TU và Thông báo số 677-TB/TU của Thường trực Tỉnh ủy để vận động sáp nhập, hợp nhất các hội quần chúng đặc thù có tính chất, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động gần giống nhau, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội.
Nguyễn Thị Như Ngọc - Văn phòng Tỉnh ủy
Tin mới cập nhật
- Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động ( 16/01)
- Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng ( 14/01)
- Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Công giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” ( 08/01)
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri ( 24/12)
- Hà Tĩnh tổng kết và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024 ( 20/12)
- Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Phật giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” ( 18/12)