Sáng 2/10, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Thường trực Tỉnh ủy nghe tiến độ giải ngân đầu tư công trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua; giải pháp thực hiện thời gian tới. Dự họp có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. |
Hà Tĩnh thuộc nhóm giải ngân cao vốn địa phương cao nhất cả nước
Với những giải pháp chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, công tác triển khai và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, khối lượng vốn giải ngân trong tháng 9/2020 tăng mạnh so với những tháng đầu năm; đặc biệt là nhóm các nguồn vốn do địa phương quản lý tăng từ 62,1% trong tháng 8, lên 71,1% trong tháng 9/2020, thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất của cả nước.
Thi công dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi Hói Sóc - Cầu Nậy ở Cẩm Xuyên có tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng.
Cụ thể, khối lượng vốn giải ngân từ 31/8 đến 30/9/2020 đạt trên 900 tỷ đồng, tương đương khối lượng giải ngân trong tháng 8 và tăng gấp 2,5 lần so với tháng 7/2020.
Bên cạnh 67 địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 60% kế hoạch như: UBND huyện các Đức Thọ (72%), Kỳ Anh (69%), Nghi Xuân (61%), Đài Phát thanh truyền hình tỉnh (97%), Trường Đại học Hà Tĩnh (87%), Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (81%)..., cũng có 36 đơn vị, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%, trong đó, có 21 đơn vị đạt dưới 30%.
Một số dự án có tổng vốn kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn đạt thấp, như: Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang giai đoạn 1, giai đoạn 2; Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh: Hiện trên địa bàn có 2 dự án vướng GPMB. Sau 15/10, huyện sẽ triển khai phương án bảo vệ thi công.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, chủ đầu tư thẳng thắn nhìn nhận, làm rõ những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Theo đó, ngoài các khó khăn, vướng mắc chung do thay đổi quy định về tiêu chuẩn, định mức và trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị đầu tư từ đầu năm và một số nguồn vốn mới được giao bổ sung trong năm, thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên vẫn là: Một số địa phương, đơn vị chưa thực sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt trong triển khai hoàn thành thủ tục đầu tư dự án; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Hà Văn Bình: Huyện đã tập trung đồng bộ các giải pháp để giải ngân đầu tư công đạt kết quả khá, trong đó, nguồn ngân sách huyện có tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất với 84%.
Công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành. Đây vẫn đang là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.
Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Nguyễn Tiến Dũng: Không vì áp lực tiến độ giải ngân mà làm giảm chất lượng công trình cũng như chất lượng hồ sơ.
Đặc biệt, đối với các dự án sử dụng vốn ODA, ngoài các vướng mắc chung trong công tác GPMB thì khó khăn lớn nhất là việc cân đối ngân sách địa phương (cấp huyện) để thực hiện công tác GPMB theo cam kết tại các Hiệp định vay vốn.
Để giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao, các cấp, ngành cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện và chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng cơ bản; đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư, khẩn trương đấu thầu triển khai thi công đối với các dự án khởi công mới.
Các đoàn kiểm tra được thành lập theo Quyết định số 2473/QĐ-UBND ngày 4/8/2020 cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện và giải ngân các dự án theo đúng đường găng tiến độ đã cam kết.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng
Phấn đấu đến 31/10 đạt lệ giải ngân trên 81%
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận các chủ đầu tư, các địa phương, BQL dự án đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp tốt với các ngành chuyên môn cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có kết quả giải ngân đầu tư công đạt gần 70%, đứng thứ 12 cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Không vì áp lực tiến độ giải ngân mà làm ẩu, chất lượng công trình, trình tự hồ sơ, thủ tục phải đảm bảo. Đây là quan điểm chỉ đạo, thực hiện xuyên suốt.
Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, tỷ lệ giải ngân các địa bàn, lĩnh vực không đều; vẫn để những tồn đọng nhưng chưa dồn sức giải quyết; các dự án nhỏ lẻ tỷ lệ giải ngân thấp; đặc biệt là công tác GPMB chưa tốt.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, không vì áp lực tiến độ giải ngân mà làm ẩu; chất lượng công trình, trình tự hồ sơ, thủ tục phải đảm bảo. Đây là quan điểm chỉ đạo và yêu cầu thực hiện xuyên suốt.
“Việc đảm bảo cao nhất tỷ lệ giải ngân năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề cho giải ngân năm 2021 và cả nhiệm kỳ. Sau cuộc họp này, các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư rà soát và có giải pháp chi tiết từng công trình; hoàn chỉnh hồ sơ và tổ chức thi công nhanh nhất, quyết tâm đến 31/10 đạt tỷ lệ giải ngân trên 81%” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn.
Nguồn: Thanh Hoài - Lê Tuấn/baohatinh.vn
Tin mới cập nhật
- Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động ( 16/01)
- Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng ( 14/01)
- Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Công giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” ( 08/01)
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri ( 24/12)
- Hà Tĩnh tổng kết và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024 ( 20/12)
- Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Phật giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” ( 18/12)