Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo”
EmailPrintAa
15:40 05/11/2019

Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã lan tỏa sâu rộng. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị.

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy khảo sát mô hình trồng cây ăn quả tại xã Nam Hương, huyện Thạch Hà

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động rộng rãi trong toàn tỉnh và đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 12.220 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó 1.904 mô hình có sức lan tỏa, tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nổi bật nhất là phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2009 - 2019, toàn tỉnh đã vận động Nhân dân đóng góp 12.113 tỷ đồng, góp phần làm 5.603 km đường giao thông nông thôn; xây dựng, nâng cấp 189 nhà văn hóa xã, 1.531 nhà văn hóa thôn, 160 khu thể thao xã, 1.251 khu thể thao thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 175 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã  dưới 12 tiêu chí,

Trên lĩnh vực kinh tế, có nhiều mô hình tiêu biểu như: Các mô hình tổ hợp trồng cam VietGap tại huyện Vũ Quang, huyện Hương Khê; Hợp tác xã kinh doanh và chế biến thủy sản Loan Hoan (xã Thạch Châu, Lộc Hà) cho thu nhập bình quân 3,5 - 4 tỷ đồng/năm, Hợp tác xã Hoàng Hà (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) sản xuất rau, củ, quả sạch cho thu nhập 400 - 450 triệu đồng/ha…

Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các vùng miền, địa phương. Tiêu biểu là mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên; mô hình vận động giáo dân tham gia thực hiện tốt các hoạt động văn hóa - xã hội ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê; mô hình vận động linh mục, chức sắc, chức việc tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đức Thọ; mô hình “Tuyến phố không rác” ở tổ dân phố Hưng Lợi, phường Sông Trí thị xã Kỳ Anh; mô hình Câu lạc bộ bảo tồn hát phường vải xã Trường Lộc, Can Lộc…

Với những kết quả nêu trên, có thể khẳng định phong trào thi đua “Dân vận khéo” đang ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận thức chưa đầy đủ và chưa thật sự quan tâm đúng mức trong chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo”; một số ngành, địa phương chưa chú trọng tập huấn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, khen thưởng nên hiệu quả của Phong trào chưa cao.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị cần tiếp tục chỉ đạo xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, coi đây là một trong những phương thức cơ bản của công tác dân vận, vận động quần chúng tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, cơ sở. Trọng tâm là lựa chọn các nhiệm vụ cấp bách, những lĩnh vực còn nhiều vướng mắc để chỉ đạo xây dựng mô hình nhằm tháo gỡ khó khăn, hướng tới phát triển bền vững. Việc đăng ký, xét duyệt và chỉ đạo xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức, lựa chọn mô hình có tính khả thi và hiệu quả cao để nhân rộng, tạo sức lan tỏa.

Chu Thanh Hoài (Ban Dân vận Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc