Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức tập huấn công tác văn thư, lưu trữ
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác văn thư, lưu trữ như: Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 06/5/2011 về tăng cường chỉ đạo công tác văn thư, lưu trữ của Đảng; Quyết định số 72-QĐ/TU, ngày 13/01/2016 về ban hành danh mục các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Tỉnh ủy; Quy định số 937-QĐ/TU, ngày 28/3/2019 về công tác văn thư, lưu trữ phục vụ cấp ủy và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Công văn số 2524-CV/TU, ngày 13/8/2020 về chỉnh lý tài liệu giao nộp vào Kho Lưu trữ và thực hiện quy định về ban hành văn bản mật; Công văn số 1554-CV/TU, ngày 14/02/2023 về lập hồ sơ, chỉnh lý tài liệu giao nộp vào Kho Lưu trữ Tỉnh ủy… Đồng thời, Văn phòng Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lưu trữ, Quy định số 270-QĐ/TW, ngày 16/12/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, các quy định, hướng dẫn của Văn phòng Trung ương, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng; kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong tổ chức và hoạt động, từng bước đưa công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đi vào nền nếp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tham mưu, phục vụ của cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, phát huy tốt giá trị của tài liệu lưu trữ.
Văn phòng Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ và bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó có các nội dung về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng; công tác lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ vào lưu trữ cơ quan; công tác giải mật tài liệu lưu trữ của Đảng tại lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử; hướng dẫn ghi biên bản các hội nghị ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực cấp ủy... Từ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kho Lưu trữ Tỉnh ủy do Văn phòng Tỉnh ủy quản lý
Văn phòng Tỉnh ủy chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và hằng năm duy trì nền nếp việc tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ đối với các đơn vị trực thuộc. Qua kiểm tra, giám sát đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác nghiệp vụ để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị khắc phục, sửa chữa kịp thời; từ đó nâng cao trình độ và chất lượng cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ. Cùng với đó, Văn phòng Tỉnh ủy đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ về quản lý văn thư, lưu trữ, tổ chức quản lý Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc thẩm quyền thu thập của Lưu trữ lịch sử Đảng bộ tỉnh. Công tác văn thư, lưu trữ ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng, hiện đại; giá trị của tài liệu lưu trữ ngày càng được phát huy hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn thư, lưu trữ vẫn còn một số hạn chế: Công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ và tập huấn văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Báo Hà Tĩnh, Trường Chính trị Trần Phú chưa thường xuyên. Cán bộ văn thư, lưu trữ cấp huyện, cấp xã thiếu ổn định, một số đồng chí hạn chế về chuyên môn, kiêm nhiệm nhiều công việc. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác văn thư, lưu trữ còn khó khăn, bất cập.
Thời gian tới, để công tác văn thư, lưu trữ được thực hiện nền nếp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ. Thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ, nhất là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu về chủ trương, cơ chế và nguồn lực là nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác văn thư, lưu trữ; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chuyên viên các cơ quan, đơn vị trong việc lập hồ sơ công việc.
Thứ ba, thường xuyên quan tâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn phòng cấp ủy các cấp, đảm bảo đội ngũ cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ có nghiệp vụ tốt và ổn định.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ tại cơ quan, đơn vị, nhất là đối với cấp huyện và cơ sở để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác văn thư, lưu trữ.
Nguyễn Hoài Nam (Phó Trưởng phòng Hành chính - Lưu trữ, Văn phòng Tỉnh ủy)
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh quán triệt các văn bản chỉ đạo đại hội Đảng ( 20/11)
- Giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng quy định pháp luật ( 19/11)
- Chủ tịch UBND tỉnh dự lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Thạch Bàn ( 12/11)
- Trao tặng, truy tặng 1.150 Huy hiệu Đảng dịp Cách mạng Tháng Mười Nga ( 31/10)
- Sẵn sàng cho sự kiện Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng ( 18/10)
- Tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ( 16/10)