Năm 2021: Kinh tế - xã hội Hà Tĩnh đạt kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực
EmailPrintAa
15:09 31/12/2021

Sáng ngày 29/12/2021, Cục Thống kê đã tổ chức Họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh năm 2021 với sự tham gia của đại diện một số sở, ban, ngành liên quan và cơ quan báo chí.

Đại diện lãnh đạo Cục Thống kê thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh

Năm 2021 nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19 và một số dịch bệnh trong chăn nuôi, giá chi phí đầu vào tăng,… nhưng cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh nhà đã tập trung, nỗ lực phòng, chống dịch, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, đạt được kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng tăng 5,02% so với năm 2020, xếp thứ 4 trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung. GRDP bình quân đầu người ước đạt 67,03 triệu đồng/người/năm (tăng 4,91 triệu đồng/người/năm so với năm 2020). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,78%, công nghiệp và xây dựng tăng 9,6%, dịch vụ giảm 0,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,46%. Tổng thu ngân sách đến ngày 28/12/2021 đạt 16.550,93 tỷ đồng, bằng 135,9% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (12.180 tỷ đồng), bằng 138,1% kế hoạch Trung ương giao (11.985 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa đạt 8.494 tỷ đồng, bằng 121,3% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (7.000 tỷ đồng), bằng 163,8% kế hoạch Trung ương giao (5.185 tỷ đồng); đất 3.128 tỷ đồng, bằng 195,5% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (1.600 tỷ đồng), bằng 260,7% kế hoạch Trung ương giao (1.200 tỷ đồng); thuế, phí  5.366 tỷ đồng, bằng 99,4% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (5.400 tỷ đồng), bằng 134,7% kế hoạch Trung ương giao (3.985 tỷ đồng). Thu xuất nhập khẩu đạt 8.056,93 tỷ đồng, đạt 155,5% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh và Trung ương giao (5.180 tỷ đồng), đạt 118,5% so với dự toán (6.800 tỷ đồng).

Tốc độ tăng/giảm của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,52%, công nghiệp - xây dựng chiếm 43,95%, dịch vụ chiếm 31,76%, khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,77%). Tổng vốn đầu tư ước đạt 27.314 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch và tăng 5,06% so với cùng kỳ năm trước. Thành lập mới 1.086 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 13.259 tỷ đồng (tăng 15,6% về số lượng và 80% về số vốn đăng ký). Tuy vậy, có 417 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020), 136 doanh nghiệp giải thể (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020); doanh nghiệp có phát sinh thuế chỉ chiếm 47%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá CPI tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước.

Trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nhờ tập trung cao chỉ đạo tái cơ cấu giống, thời vụ, quy trình canh tác theo hướng năng suất, chất lượng cao, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, gắn với chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng phong trào cải tạo đồng ruộng, phá bờ thửa nhỏ để xây dựng cánh đồng lớn đã góp phần đưa năng suất, sản lượng lúa đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất lúa vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu đều được mùa toàn diện (là năm thứ 2 liên tiếp được mùa); tổng sản lượng lúa cả năm lần đầu tiên đạt trên 58 vạn tấn, tăng hơn 4,6 vạn tấn so với năm 2020. Kết quả sản xuất các loại cây trồng hàng năm khác cũng đều tăng hơn so với năm 2020. Chăn nuôi gia súc còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; tổng đàn trâu, bò và sản lượng đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đàn gia cầm phát triển khá, tổng đàn gia cầm ước đạt 8.403 ngàn con, bằng 100,39% (tăng 33 ngàn con so với cùng kỳ năm trước).

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên có việc làm là 675.634 người, chiếm 97,56% so với lực lượng lao động và tăng 3,25% so với năm 2020. Số người được giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động năm 2021 là 22.568 người, đạt 102,58% kế hoạch, tăng 13,45% so với năm 2020. Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh triển khai kịp thời; các cấp, các ngành làm tốt công tác huy động nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác kịp thời, chu đáo. Toàn tỉnh đã trao tặng khoảng 419.350 suất quà với tổng số tiền khoảng 112.486 triệu đồng cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội. Triển khai quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. đã có 99,7% người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi và 70% đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19; 97% trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm mũi 1. Ngành y tế đang triển khai tiêm vắc-xin đợt 2 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm đợt 4 cho trẻ em.

Tính từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/12/2021, toàn tỉnh xảy ra 115 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 96 người, bị thương 50 người, thiệt hại tài sản 844 triệu đồng. So với với năm trước: giảm 09 vụ (giảm 6,50%), giảm 07 người chết (giảm 6,8%), giảm 14 người bị thương (giảm 21,87%). Nhìn chung, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.

Tại Họp báo, đại diện một số sở, ngành, cơ quan báo chí đã trao đổi và được đại diện lãnh đạo và các phòng chuyên môn của Cục Thống kê cung cấp thông tin, làm rõ hơn một số phương pháp và chỉ số thống kê, nhất là doanh thu về thương mại, dịch vụ, sản lượng thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp…

Dự báo năm 2022, tình hình tiếp tục còn nhiều khó khăn, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cục Thống kế sẽ bám sát các quy định, hướng dẫn của Tổng cục Thống kê, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để có các báo cáo, số liệu đảm bảo kịp thời, chính xác, toàn diện, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền.

Đặng Ngọc Bảo (Văn phòng Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc