Nâng cao chất lượng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
EmailPrintAa
17:03 07/08/2018

Xác định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ công tác này.

Hội nghị tập huấn xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 07/2017/TT-BTP, ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản có liên quan; chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai tại địa phương mình.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Thông qua Bản tin, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; in tờ rơi, tờ gấp cấp phát miễn phí cho các địa phương; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng chuyên đề “Pháp luật và đời sống”; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; thông qua các cuộc họp thôn, xóm, khối phố … Nhờ đó, cán bộ ở cơ sở và nhân dân đã nâng cao nhận thức về pháp luật và các nội dung xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Việc tổ chức đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được Sở Tư pháp hướng dẫn triển khai kịp thời. Các địa phương đã phân công đầu mối (Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp - Hộ tịch) tham mưu triển khai công tác này. Theo đánh giá, tất cả các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đều đạt Tiêu chí 18.5 về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các xã.

Tuy nhiên, việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn hạn chế: Một số địa phương, đơn vị triển khai tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân chưa thường xuyên. Một số cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chưa phối hợp chưa thường xuyên với các cán bộ, đơn vị có liên quan. Cơ sở vật chất bảo đảm cho việc tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở nhìn chung còn thiếu, nhất là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các chương trình, các phong trào vận động quần chúng khác. Nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở.

Hai là, các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cụ thể: Việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tiến hành hằng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trước ngày 25 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật; thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.

Năm là , quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật. Hàng năm, các địa phương, cơ quan, đơn vị bố trí kinh phí thành mục riêng để phục vụ công tác này theo quy định của Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND, ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức chi thực hiện công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh; Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản có liên quan.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin rằng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân, ổn định an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Thị Hoa Phượng - Sở Tư pháp


    Ý kiến bạn đọc