Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp
EmailPrintAa
10:58 13/12/2017

Ngày 07/12/2017, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết:
(Ảnh minh họa)

I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Hà Tĩnh có 360.700 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên của tỉnh, gồm có 74.500 ha đất rừng đặc dụng, 113.220 ha đất rừng phòng hộ và 172.980 ha đất rừng sản xuất với hệ sinh thái đa dạng. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp đạt được một số kết quả quan trọng. Các quy hoạch, đề án được xây dựng khá đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường. Công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng. Kịp thời kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước các cấp về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn. Diện tích rừng tăng lên hàng năm. Lợi ích kinh tế từ rừng từng bước được khẳng định, hằng năm, cung cấp hàng vạn m3 gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ cho công nghiệp chế biến, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng so với tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh. Công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tranh chấp đất rừng ngày càng phức tạp, một số địa phương còn để xảy ra mất an ninh trật tự. Năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, hiệu quả sử dụng đất rừng, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp qua chế biến chưa cao. Kết cấu hạ tầng lâm nghiệp còn yếu kém, xuống cấp. Tiềm năng về du lịch sinh thái rừng chưa được khai thác. Công tác khuyến nông, khuyến lâm chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chủ yếu do tự phát, hiệu quả thấp; chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên: Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp còn hạn chế, bất cập; việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn chưa thường xuyên, thiếu sâu sát, thậm chí có nơi, có lúc buông lỏng, xem nhẹ; sự phối hợp giữa các sở, ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương hiệu quả chưa cao. Hệ thống tổ chức bộ máy lâm nghiệp vẫn còn tồn tại, một số cán bộ vi phạm pháp luật. Tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, điều hành của các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp chưa phát huy hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác rừng, đất lâm nghiệp còn thấp. Tư duy sản xuất của người dân còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chậm thích ứng với phát triển kinh tế hàng hóa; ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò quan trọng của rừng và đất lâm nghiệp. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuân thủ pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng các chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế rừng và đất lâm nghiệp theo hướng phát triển các loại hình sản xuất nông lâm kết hợp, du lịch, dịch vụ, liên kết vùng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

2. Mục tiêu đến năm 2025

- Quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác có hiệu quả, bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có theo quy hoạch. Tăng tổng giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên đất lâm nghiệp từ 3.000 tỷ đồng năm 2016 lên trên 7.700 tỷ đồng, giữ ổn định và tăng dần độ che phủ rừng lên mức tối đa 55%, đồng thời đảm bảo chất lượng rừng cao, phong phú, đa dạng sinh học.

- Hoàn thiện hệ thống các cơ sở chế biến lâm sản theo quy hoạch, đảm bảo cơ bản gỗ rừng trồng được chế biến sâu và tiến tới sản xuất sản phẩm cao cấp để xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 90 triệu USD/năm. Chuyển đổi trên 6.300 ha rừng và đất lâm nghiệp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.

- Thu hút một số doanh nghiệp lớn đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng. Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho trên 70.000 lao động, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, bảo vệ, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế rừng và đất lâm nghiệp

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mỗi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đất lâm nghiệp, đặc biệt, trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển, tập trung nguồn lực, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác rừng, sản xuất trên đất lâm nghiệp.

- Tiếp tục rà soát và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật và các tồn đọng trong giao đất, giao rừng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm về các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác rừng, đất lâm nghiệp thuộc địa bàn quản lý.

- Phối hợp tốt với các tỉnh giáp ranh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin với các tỉnh nước bạn Lào.

2. Bảo vệ, phát triển bền vững rừng phòng hộ, đặc dụng hiện có; đồng thời khai thác hiệu quả các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, các loại hình dịch vụ

- Chú trọng quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng hiện có theo Quy hoạch được phê duyệt, trong đó, tập trung bảo vệ và phát triển nguồn gen, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái.v.v...

- Tập trung bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực các sông lớn như: Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi, Kẻ Gỗ… và rừng phòng hộ cho các hồ đập trên địa bàn. Tranh thủ hỗ trợ của các dự án trong nước, nước ngoài để bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng. Khai thác hiệu quả tiềm năng hệ sinh thái, cảnh quan môi trường rừng gắn với các di tích lịch sử, tâm linh để phát triển rừng gắn với các loại hình du lịch. Thực hiện tốt các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; phát triển liên kết, hợp tác, cho thuê cảnh quan rừng.

- Tăng cường bảo vệ và phát triển bền vững rừng và đất lâm nghiệp phòng hộ ven biển hiện có. Tiếp tục soát xét, bổ sung quy hoạch phát triển rừng phòng hộ ven biển để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng phù hợp để hình thành các đai rừng bền vững; phát triển hệ thống rừng cảnh quan du lịch biển; phục hồi và phát triển bền vững hệ thống rừng ngập mặn. Chú trọng quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng tại các khu vực trọng yếu gắn quốc phòng - an ninh vùng ven biển.

- Quan tâm đầu tư hệ thống cây xanh, cây bóng mát, đai rừng ven các đô thị, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích rừng, đất rừng sản xuất hiện có

- Tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến theo quy hoạch, lấy các nhà máy chế biến gỗ nhân tạo (MDF, HDF, OSP, OKAL) làm đầu kéo chính để liên kết với các hộ gia đình và các tổ chức đầu tư sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng. Thực hiện các biện pháp trồng rừng thâm canh, đảm bảo tăng năng suất và giá trị; nghiên cứu lựa chọn các loài cây trồng, các mô hình trồng rừng chống chịu gió bão, đặc biệt các địa phương ven biển, miền núi.

- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn từ rừng tự nhiên, tiến tới xây dựng và cấp chứng chỉ rừng tự nhiên bền vững. Thực hiện nghiêm việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; khuyến khích, hỗ trợ trồng cây bản địa, cây đa mục đích và phát triển lâm sản phi gỗ.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết, hợp tác phát triển vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hình thành các làng nghề sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu.

- Chuyển đổi một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp để phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế, đảm bảo bền vững theo quy hoạch, lộ trình và phù hợp tình hình thực tế của các địa phương. Đảm bảo phải được kiểm soát chặt chẽ quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, quy trình sản xuất trên đất dốc, phải có các giải pháp chống xói mòn, rửa trôi, chống sạt lở đất, bảo vệ môi trường bền vững. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy hoạch đã duyệt, hiệu quả các dự án đầu tư để điều chỉnh chiến lược sản phẩm nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai.

- Đối với sản xuất các sản phẩm thuộc vùng cát ven biển cần tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, cập nhật xu thế đầu tư để xem xét, điều chỉnh quy hoạch nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất. Kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao.

- Tiếp tục rà soát quỹ đất từ các đơn vị chủ rừng nhà nước, các công ty lâm nghiệp, các dự án hoạt động không hiệu quả để xem xét cho doanh nghiệp thuê đất trồng rừng, ổn định nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến gỗ, kiên quyết thu hồi đất đối với những dự án sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến rừng, môi trường sinh thái và đời sống của người dân vùng dự án. Khẩn trương rà soát diện tích hiện đang do Ủy ban nhân dân xã quản lý để cho doanh nghiệp thuê đất trồng rừng nguyên liệu hoặc lập phương án giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân để phát triển sản xuất.

4. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống giao thông tại các vùng sản xuất tập trung; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển rừng, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ, phát triển rừng.

- Ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án để đầu tư hệ thống giao thông chính vào các vùng sản xuất tập trung; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất. Thực hiện có hiệu quả Dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường phục vụ sản xuất, phát triển rừng và bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng, giá trị về du lịch, đặc biệt những dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Phấn đấu đến năm 2020, thu hút một số doanh nghiệp lớn đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch tại một số điểm như: Vườn Quốc gia Vũ Quang, hồ Ngàn Trươi, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Khu sinh thái Rào Trổ, Khu sinh thái Sơn Kim, du lịch Cầu Treo, thác Vũ Môn, Khu sinh thái Suối Tiên Hồng Lĩnh…

5. Đẩy mạnh hoạt động chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm sản gắn với xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

- Tập trung hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động ổn định các nhà máy chế biến gỗ, tiến tới sản xuất sản phẩm hoàn thiện, chế biến sản phẩm tiêu dùng cao cấp. Đẩy mạnh việc kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nhằm ổn định đầu ra các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn. Tiếp tục củng cố tổ chức sản xuất các nhà máy chế biến chè, cao su hiện có.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế xây dựng thương hiệu sản phẩm. Quan tâm, phát triển mạng lưới thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

- Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa, vệ sinh, an toàn thực phẩm; thực hiện đăng ký thương hiệu, nhãn mác nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm của tỉnh.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ để từng bước tự động hóa các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật các cấp nhằm định hướng, hướng dẫn việc phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, gia trại.

6. Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; hoạt động của các doanh nghiệp lâm nghiệp, ban quản lý rừng, đẩy mạnh liên doanh, liên kết

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác rừng, đất lâm nghiệp. Củng cố tổ chức, bộ máy nhà nước các cấp, trước mắt tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả, hoạt động của Kiểm lâm giai đoạn 2014-2020. Nâng cao năng lực hoạt động của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Kịp thời kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước các cấp đảm bảo quy định. Tăng cường phối hợp giữa các ban, sở, ngành, địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.

- Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm, có sự kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ, tiến tới đảm bảo sản phẩm sạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, phát huy vai trò của các doanh nghiệp làm động lực trong sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm.

7. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp

- Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng; soát xét, quy định thống nhất trách nhiệm của các bên liên quan trong quản lý lòng hồ gắn quản lý bảo vệ rừng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái; đảm bảo kinh phí cho ngân sách xã để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy định.

- Nghiên cứu, ban hành chính sách theo hướng khuyến khích công tác bảo vệ rừng tự nhiên cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sau khi được giao đất giao rừng; hỗ trợ giống, liên kết sản xuất, cấp chứng chỉ FSC cho trồng rừng nguyên liệu tập trung thâm canh gỗ lớn; phát triển lâm sản ngoài gỗ; bảo tồn, trồng mới các loại cây đặc sản, cây dược liệu có giá trị; xem xét hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất…

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

2. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện Nghị quyết bằng các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các đảng đoàn và ban cán sự đảng theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Nghị quyết được quán triệt đến tận đảng viên và tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân./.


    Ý kiến bạn đọc