Những gam màu sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội Hà Tĩnh giữa đại dịch
EmailPrintAa
16:44 30/08/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng vượt lên trên khó khăn chung, “bức tranh” KT-XH trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn giữ gam màu sáng...

Trong bối cảnh dịch bệnh, nông nghiệp đã khẳng định được vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn xã hội. Ảnh minh họa

Những gam màu sáng

Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 8 tháng năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các tầng lớp nhân dân, Hà Tĩnh đã từng bước vượt qua những khó khăn, giành kết quả trên các lĩnh vực.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, nông nghiệp đã khẳng định được vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn xã hội. Với sự chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp, vụ đông xuân 2020-2021 tăng 1,9% về diện tích và 7,9% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; tổng sản phẩm thu hoạch đạt trên 618.900 tấn.

Nông dân Đức Thọ thu hoạch đậu hè thu trong niềm vui được mùa, được giá.

Kết quả này là minh chứng cho việc bố trí cơ cấu mùa vụ, ứng phó với diễn biến thời tiết kịp thời, hợp lý. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã tập trung cao cho tái cơ cấu, lựa chọn giống năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện thời tiết, đồng đất Hà Tĩnh.

Đà thắng lợi của vụ xuân đã tạo động lực cho bà con nông dân sản xuất vụ hè thu với kết quả tích cực. Dự kiến, năng suất lúa vụ hè thu tăng 1,25 tạ/ha, sản lượng lúa ước tính tăng 9.905 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với cây lúa được mùa toàn diện, nhiều loại cây trồng cạn, cây ăn quả khác cũng cho năng suất, sản lượng cao, nhất là “được mùa nhưng không mất giá”… Đây là nguồn lực rất quan trọng, đảm bảo ổn định an sinh cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bưởi Phúc Trạch được mùa, giá cả ổn định.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng cho rằng, vượt lên những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh 8 tháng năm 2021 vẫn ghi nhận mức tăng khá (ước tính tăng 18,28% so cùng kỳ năm trước). Trong tăng trưởng chung của ngành công nghiệp có sự đóng góp lớn từ hoạt động sản xuất thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) khi DN này hoạt động ổn định và tiếp tục có bước phát triển. Với sự đầu tư và chiến lược kinh doanh bài bản, FHS duy trì sản xuất ổn định với sản lượng thép 8 tháng qua đạt hơn 3,5 triệu tấn (tăng 24,89% so với cùng kỳ năm 2020).

Theo số liệu từ Sở Công thương, tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.503,7 triệu USD, tăng 95,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt đông xuất nhập khẩu từ FHS đóng góp chủ yếu vào trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh.

Cùng với tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trên lĩnh vực công nghiệp nhẹ như may mặc, đồ uống cũng có sự tăng trưởng, đặc biệt là các DN may mặc đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Trong tăng trưởng chung của ngành công nghiệp có sự đóng góp lớn từ hoạt động sản xuất thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Song song với chỉ đạo phát triển SXKD, trên lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội cũng giành được kết quả tích cực. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 đã phản ánh sự thành công của giáo dục Hà Tĩnh trong mục tiêu nâng cao chất lượng đại trà ở các trường học. Điểm bình quân các môn của thí sinh Hà Tĩnh là 6,56, xếp thứ 18 cả nước, tăng 7 bậc so với mùa thi trước. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Tĩnh đạt 99,02%.

Trên lĩnh vực y tế, Hà Tĩnh là địa phương đã có những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngay khi dịch bệnh xảy ra, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các cơ quan chức năng đã chủ động vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Hà Tĩnh đã cấp tốc truy vết, cách ly, xét nghiệm các trường hợp F1, F2; triển khai các đợt lấy mẫu diện rộng trên toàn tỉnh. Lực lượng y tế, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để từng bước kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương.

Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn nhưng Hà Tĩnh luôn thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 của BTV Tỉnh ủy về khắc phục hậu quả thiên tai, đến nay, Hà Tĩnh đã huy động xã hội hóa được hơn 211 tỷ đồng, đã bố trí 60 tỷ đồng xây dựng 30 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão lũ; bố trí gần 144 tỷ đồng hỗ trợ kiên cố 2.053 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.

Chung sức, đồng lòng thực hiện “mục tiêu kép”

Bên cạnh những kết quả đạt được, 8 tháng năm 2021, Hà Tĩnh đã đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đó là hoạt động thương mại - dịch vụ, du lịch, vận tải… bị giảm sút hoặc “đứt gãy”. Hoạt động SXKD của các DN còn gặp nhiều khó khăn, số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng, DN có phát sinh thuế giảm 2% so với cùng kỳ. Các nhiệm vụ Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới triển khai chưa được nhiều. Việc huy động các nguồn lực thực hiện đề án còn khó khăn, nhất là nguồn hỗ trợ của Trung ương.

Nhận định rõ những khó khăn, thách thức sẽ còn tiếp tục trong những tháng cuối năm, BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp; xác định trách nhiệm cụ thể đối với các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và SXKD, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, quyết liệt phòng, chống dịch theo phương châm “chống dịch như chống giặc”; bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và SXKD, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH.

Đồng thời, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đồng hành cùng DN thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đang còn bất cập, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, SXKD và đời sống xã hội.

Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, trong đó xác định công tác bồi thường, GPMB là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, trong đó xác định công tác bồi thường, GPMB là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án. Huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhanh công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo đảm QP-AN; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; gìn giữ môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

Nguồn: Thanh Hoài/baohatinh.vn

( https://baohatinh.vn/dau-tu/nhung-gam-mau-sang-trong-buc-tranh-kinh-te-xa-hoi-ha-tinh-giua-dai-dich/218410.htm )


    Ý kiến bạn đọc