Phát huy kết quả đạt được, tìm giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động
EmailPrintAa
09:20 05/04/2018

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp góp phần phát triển nhân lực, nâng cao trình độ tay nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới. Triển khai thực hiện Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 13/5/2008 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xuất khẩu lao động. Từ đó đến nay, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản liên quan được triển khai sâu rộng. Trong 10 năm, từ 2007 đến 2017 có 28 hội nghị cấp tỉnh, 159 hội nghị cấp huyện, 16.789 hội nghị cấp xã được tổ chức với nội dung tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định, chính sách về xuất khẩu lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Xuất khẩu lao động tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức 19 hội chợ việc làm và 148 phiên giao dịch việc làm để tư vấn, hướng dẫn người lao động đăng ký làm hồ sơ, thủ tục xuất khẩu lao động. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Xuất khẩu lao động tỉnh và ban chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch, tham mưu cho ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác xuất khẩu lao động.

Về hỗ trợ người lao động, ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, giai đoạn 2007 - 2017 hỗ trợ cho 11.249 người với số tiền 9,25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân đã quan tâm hỗ trợ cho vay vốn đi xuất khẩu lao động. Việc cấp hộ chiếu, lý lịch tư pháp và dịch thuật nhìn chung được các sở, ngành giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho người đi xuất khẩu lao động được tăng cường, giai đoạn 2007 - 2010 tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo nghề đạt 45 - 50%, giai đoạn 2010 - 2017 tăng lên 75%; một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, 100% người lao động được đào tạo nghề và dạy ngoại ngữ trước khi xuất cảnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 doanh nghiệp do tỉnh quản lý có chức năng xuất khẩu lao động trực tiếp và 19 đơn vị cung ứng tạo nguồn lao động. Ngoài ra, có 78 doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuộc các địa phương khác tham gia tuyển lao động trên địa bàn Hà Tĩnh.

Từ năm 2007 đến 2017, toàn tỉnh có 68.148 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 13.405 người so với giai đoạn 1997 - 2007. Đặc biệt, năm 2017 có 8.567 người đi làm việc ở nước ngoài (cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ ba cả nước). Các địa phương có nhiều lao động là Nghi Xuân (11.061 người), Cẩm Xuyên 9.746 người, Thạch Hà 7.296 người, Can Lộc 6.613 người, các địa phương còn lại trung bình có trên 1.000 người. Lao động Hà Tĩnh trước đây chủ yếu đến làm việc tại Malaysia, các nước Trung Đông, Bắc Phi; gần đây chủ yếu đến Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Một hình thức đang khá phổ biến là lao động đi du học kết hợp làm việc ở nước ngoài.

Số liệu khảo sát từ các hộ gia đình và tổng hợp nguồn ngoại hối cho thấy, tổng thu nhập người lao động ở nước ngoài đạt 6.500 - 7.000 tỷ đồng/năm, trong đó gửi về nước gần 4.000 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều người sau khi về nước đã đầu tư vốn, thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo việc làm. Thu nhập từ nguồn xuất khẩu lao động làm cho nhiều vùng quê khó khăn nay trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, như: Cương Gián, Xuân Liên, Xuân Hội (Nghi Xuân); Cẩm Nhượng, Cẩm Yên, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên); Kỳ Hà, Kỳ Tân, Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh); Thạch Kim, Thạch Bằng (Lộc Hà)…

Tuy vậy, công tác xuất khẩu lao động vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Một số điều, khoản trong Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện không còn phù hợp với thực tế, nhất là quy định về quản lý lao động, điều kiện và thời hạn cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động cho các doanh nghiệp, chế tài xử lý vi phạm. Một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động quảng cáo về thời giờ làm việc, tiền lương, thu nhập không đúng thực tế hoặc thực hiện không đúng cam kết trong hợp đồng với người lao động; việc tổ chức đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết khác không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến một số lao động không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài, phải về nước trước thời hạn. Sự phối hợp giữa doanh nghiệp với với chính quyền địa phương trong việc quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa chặt chẽ. Việc theo dõi, nắm thông tin và tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động sau khi về nước còn khó khăn do hầu hết lao động không đến các doanh nghiệp để thanh lý hợp đồng. Một bộ phận lao động hết thời hạn nhưng cư trú bất hợp pháp để tiếp tục làm việc hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại, bị xử lý làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu lao động của tỉnh…

Thời gian tới, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như:

Thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc xuất khẩu lao động. Cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu lao động phối hợp phổ biến kịp thời, đầy đủ thông tin về thị trường xuất khẩu lao động, các chi phí, điều kiện làm việc, tiền lương, phúc lợi… để người lao động nắm thông tin.

Thứ hai, tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, chuyên nghiệp về tay nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật; tập huấn kỹ năng, văn hóa ứng xử cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Thứ ba, cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cơ quan quản lý, doanh nghiệp nước ngoài theo dõi, giám sát, ngăn ngừa, xử lý triệt để tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động trái phép, nhất là ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Các đoàn thể vào cuộc, tham gia tuyên truyền đến người lao động thông qua người thân về việc chấp hành nghiêm các điều khoản hợp đồng, quy định của pháp luật Việt  Nam và nước sở tại.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Thứ năm, tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động sau khi về nước, nhất là thu hút lao động có kỹ thuật, tay nghề cao vào làm việc cho các doanh nghiệp. Khuyến khích người đi xuất khẩu lao động về nước thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy nguồn vốn và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tin tưởng xuất khẩu lao động sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh ta.

Đặng Ngọc Bảo - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc