Sáng 19/9, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9 đánh giá tình hình KT-XH 9 tháng năm 2023; triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm. Cùng dự có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đặt vấn đề phiên làm việc.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, 9 tháng năm 2023, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 7-7,5% (kế hoạch cả năm đạt trên 8%, cùng kỳ năm trước đạt gần 2%).
Hoạt động sản xuất công nghiệp được phục hồi, chỉ số sản xuất 9 tháng ước tăng 5,6%. Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I vận hành trở lại sau gần 2 năm ngừng hoạt động, Nhà máy Sản xuất Pin VinES bắt đầu sản xuất thương mại từ cuối tháng 8 là những yếu tố tăng trưởng mới của ngành.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà báo cáo tình hình KT-XH 9 tháng.
Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện. Lúa vụ xuân đạt năng suất, sản lượng cao nhất từ trước tới nay; vụ hè thu năng suất ước đạt 50,28 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 224.000 tấn, giá bán cao hơn so với các năm trước. Hoạt động chăn nuôi duy trì ổn định.
Nhiệm vụ xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo và triển khai. Vừa qua, tỉnh đã công nhận 2 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 12.400 tỷ đồng, đạt 66% dự toán, bằng 86% cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 36.400 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch, tăng 33% so với cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công ước đạt 6.150/9.573 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch và cao hơn cùng kỳ.
Trong 9 tháng, có 12 dự án trong nước và 1 dự án nước ngoài được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Thành lập mới gần 900 doanh nghiệp, đạt 90% kế hoạch năm.
Cục trưởng Cục Thống kê Trần Thanh Bình phân tích các yếu tố tăng trưởng GDRP.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm, có nhiều dấu ấn nổi bật. Ngành GD&ĐT tổng kết năm học 2022 - 2023 với nhiều kết quả tích cực; xếp thứ 2 cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; tốt nghiệp THPT nằm trong nhóm 10 tỉnh có điểm trung bình cao nhất cả nước.
Chính sách lao động việc làm và hoạt động an sinh xã hội được triển khai đồng bộ. Cụ thể, giải quyết việc làm cho gần 19.000 người, đạt 85% kế hoạch; xây dựng hơn 1.800 nhà kiên cố cho hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai.
Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội nhìn chung ổn định. Công tác đối ngoại tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng thông tin về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Các đại biểu cũng dự báo các yếu tố tăng trưởng của từng ngành, từng địa phương và đề xuất những giải pháp phát triển KT-XH những tháng cuối năm, trọng tâm là tập trung các lĩnh vực quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng NTM, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh: Qua báo cáo cho thấy kết quả KT-XH 9 tháng khá tích cực. Cần có các giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn đối với những chỉ tiêu còn đạt thấp.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được của các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 9 tháng năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ những tháng còn lại và quyết liệt triển khai các giải pháp trên các lĩnh vực, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu đề ra.
Trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; tháo gỡ các vướng mắc tại dự án trọng điểm; tập trung cao cho nhiệm vụ chuyển đổi số, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách; quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tập trung sản xuất vụ đông, kiểm soát các loại dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; chủ động sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ; kiểm soát tình hình thị trường hàng hóa, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là đất đai; tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng; hoàn thiện Đề án phát triển văn hóa Hà Tĩnh; chú trọng công tác an sinh xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.
Nguồn: Ngọc Loan/baohatinh.vn
Tin mới cập nhật
- Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động ( 16/01)
- Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng ( 14/01)
- Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Công giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” ( 08/01)
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri ( 24/12)
- Hà Tĩnh tổng kết và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024 ( 20/12)
- Hội thảo “Phát huy các nguồn lực của Phật giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới” ( 18/12)