Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng tỉnh Hà Tĩnh
EmailPrintAa
17:02 26/04/2024

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Trung ương về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin sâu, rộng, đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Như Dũng, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo tham luận tại Hội nghị toàn quốc sơ kết việc thực hiện Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021 - 2025

Trung tâm tích hợp dữ liệu của Đảng bộ tỉnh với hạ tầng thiết bị hiện đại, gắn kết với các thiết bị an toàn, an ninh mạng, thiết bị bảo mật, các sản phẩm mật mã đảm an toàn thông tin. Phần mềm dùng chung được xây dựng phù hợp với đặc thù của cơ quan Đảng, đáp ứng yêu cầu điều hành tác nghiệp trên mạng nội bộ và Internet. Đồng thời chủ động triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở nhằm đồng bộ hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng trên môi trường mạng, góp phần thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng.

Hệ thống thông tin tích hợp điều hành của Đảng bộ tỉnh được xây dựng đưa vào sử dụng với cơ chế đăng nhập một lần, một tài khoản, một mật khẩu, một tên miền sso.hatinh.dcs.vn dùng chung cho toàn hệ thống; việc khai thác thông tin, gửi nhận văn bản theo hướng đồng trục, đồng bộ giữa Tỉnh ủy với các hệ thống cơ quan nhà nước. Văn phòng Tỉnh ủy là trung tâm kết nối trực tiếp với hơn 700 đầu mối tổ chức và hơn 2.000 tài khoản của tổ chức và cá nhân đăng nhập sử dụng hệ thống trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay 100% cấp ủy đảng từ Tỉnh ủy đến các đảng ủy xã, phường, thị trấn và tương đương đều được cung cấp tài khoản, tập huấn, chuyển giao phần mềm dùng chung, đăng ký, cấp phát thiết bị chữ ký số của tổ chức và cá nhân để thực hiện việc tiếp nhận, phát hành văn bản trên mạng; 100% văn bản gửi đến qua mạng đều được các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận, theo dõi, xử lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo quy trình khép kín hoàn toàn trên mạng; trên 80% các loại tài liệu hội họp của cấp tỉnh và cấp huyện được chuyển tải trên hệ thống mạng, không in ấn bản giấy, các thành phần dự họp tiếp nhận văn bản, tài liệu qua hệ thống mạng để nghiên cứu trước và tham gia thảo luận, góp ý tại các cuộc họp (trừ những văn bản mật); 100% văn bản đi (không mật) được gắn tệp ký số cá nhân, có chứng thực chữ ký số của tổ chức, được cập nhật vào sổ quản lý và lưu trữ trên hệ thống mạng.

Đoàn kiểm tra công tác cơ yếu - công nghệ thông tin của Văn phòng Trung ương Đảng kiểm tra tại Huyện ủy Thạch Hà

Quá trình tham mưu và tổ chức thực hiện ứng dựng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh rút ra một số kinh nghiệm:

Về công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo: Phải tiếp thu đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, kịp thời cụ thể hóa và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản phù hợp từng thời điểm, đặc thù của đơn vị, địa phương. Tranh thủ kịp thời sự quan tâm ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương để tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai. Ban hành các quy định cụ thể trong từng nội dung ứng dụng công nghệ thông tin gắn với việc thực hiện các quy định, quy chế, quy trình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Về triển khai hạ tầng kỹ thuật: Trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án công nghệ thông tin, ngoài việc bám sát các hướng dẫn, sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy tích cực, chủ động bám sát và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để tham mưu phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị mình.

Về triển khai các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung: Trong triển khai các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin cần nắm bắt nhu cầu thực tiễn để lựa chọn, đặt hàng sản phẩm. Đối với các hệ thống thông tin và các phần mềm dùng chung cần chú trọng phát triển và tích hợp nhiều công cụ, nhiều chức năng trong một phần mềm (ngoại trừ các phần những mềm đặc thù). Quá trình triển khai cần chọn cách làm từng bước, từng giai đoạn, từng cấp để có sự kế thừa và phát triển các dịch vụ, các sản phẩm.

Về công tác đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát: Cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Phòng Cơ yếu - Công nghệ thông tin trong công tác chủ trì hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho các đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó  nắm bắt được nhu cầu thực tế của từng địa phương, yêu cầu cụ thể của cá nhân người dùng và đặc biệt là nắm bắt được mức độ ứng dụng của từng đơn vị, địa phương để tiếp tục hỗ trợ và tham mưu, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tập huấn và nâng cấp các sản phẩm đáp ứng yêu cầu.

Trong thời gian tới, phát huy kết quả đạt được, Văn phòng Tỉnh ủy cần tiếp tục tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn với đảm bảo an toàn, an ninh mạng, gắn với Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 426-QĐ/TU, ngày 16/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt “Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ qua Đảng, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, góp phần phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng.

Đặng Quốc Việt (Trưởng Phòng Cơ yếu - Công nghệ thông tin, Văn phòng Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc