Tỉnh Hà Tĩnh thực hiện xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945
EmailPrintAa
11:21 28/01/2019

Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt, tù đày, thủ tiêu, nhất là giai đoạn 1930 - 1945. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giải quyết chế độ, chính sách cho những người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền ở Hà Tĩnh đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Quân dân ta giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945 (ảnh minh họa)

Sau khi có Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 09/4/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng” (sau đây gọi tắt là Nghị định 31), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 31 của tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm Phó Trưởng Ban, giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo; thành lập “Hội đồng thẩm định hồ sơ Nghị định 31” của tỉnh để thẩm định hồ sơ người hoạt động cách mạng trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, công nhận.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1385-CV/BTCTU, ngày 03/10/2013 hướng dẫn quy trình, thủ tục thẩm định, xét duyệt, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945 theo quy định; tổ chức 03 lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác chính sách các huyện, thành phố, thị xã; chỉ đạo cấp ủy các cấp phối hợp với các ngành liên quan phổ biến, quán triệt đầy đủ các nội dung Nghị định 31 đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, hội đồng tư vấn cấp huyện, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện.

Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định trong việc lập hồ sơ, niêm yết công khai danh sách trích ngang của người hoạt động cách mạng để lấy ý kiến nhân dân tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, đăng tải thông tin trên Báo Hà Tĩnh để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trong toàn tỉnh trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định.

Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Ngã ba Nghèn, huyện Can Lộc (ảnh minh họa, nguồn : Internet)

Trong 5 năm (2013 - 2018), Hội đồng thẩm định hồ sơ Nghị định 31 của tỉnh đã tổ chức 17 đợt thẩm định 576 hồ sơ đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945 của 13/13 đơn vị cấp huyện, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định công nhận 490 cán bộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện (có 414 đồng chí hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, 76 đồng chí hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước ngày khởi nghĩa tháng 8/1945).

Quá trình thực hiện việc xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945 gặp không ít khó khăn, do thời gian hoạt động cách mạng của các đồng chí cán bộ, đảng viên đã quá lâu (từ ngày 03/02/1930 đến trước ngày 19/8/1945), hầu hết số cán bộ, đảng viên hoạt động trước ngày 19/8/1945 đều đã hy sinh, từ trần và phần lớn các gia đình không còn lưu giữ được lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, các văn bản mang tính pháp lý có liên quan để lập hồ sơ. Do đó, để hoàn chỉnh một bộ hồ sơ trình Hội đồng thẩm định mất nhiều thời gian sưu tầm các tài liệu, chứng cứ. Thân nhân nhiều cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945 phải gửi Đơn đề nghị Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Cục Hồ sơ - Tổng Cục An ninh thuộc Bộ Công an đề nghị tra cứu, xác nhận thời gian cán bộ, đảng viên bị địch bắt tù đày trong giai đoạn 1930 - 1945; nhiều gia đình phải chờ xuất bản Lịch sử Đảng bộ cấp xã mới đủ điều kiện quy định để lập hồ sơ đề nghị xét, công nhận.

Nhờ làm tốt các quy định, hướng dẫn của Trung ương, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nên trong thời gian qua, việc thẩm định, công nhận, chi trả chế độ cho thân nhân người hoạt động cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945 một cách kịp thời, chu đáo, đúng đối tượng, đã tạo được niềm tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" cho các thế hệ trẻ.

Lê Hoàng Dũng - Phòng Đào tạo - Chính sách cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc