30 năm đổi mới Báo chí ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
EmailPrintAa
17:17 09/01/2017

I. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vận dụng sáng tạo và phát triển những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò quan trọng của báo chí C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin đều thống nhất khẳng định, báo chí có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống chính trị - xã hội của mỗi dân tộc.

 
Các đại biểu và khách tham quan gian trưng bày báo Xuân tại Hội Báo toàn quốc năm 2016.
Ảnh: ĐĂNG KHOA

C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ rõ: “Xét theo sứ mệnh của nó, báo chí là người bảo vệ của xã hội, là người tố cáo không mệt mỏi những nhà cầm quyền, là con mắt ở khắp mọi nơi, là tiếng nói rộng rãi của tinh thần nhân dân đang hăng hái gìn giữ quyền tự do của mình”(1). Lê-nin phát triển luận điểm nêu trên, nhấn mạnh vai trò tập hợp lực lượng cách mạng của báo chí: “Tờ báo không những chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể”; “Chỉ có một cơ quan ngôn luận chung của đảng, áp dụng một cách quán triệt những nguyên tắc đấu tranh chính trị và giương thật cao ngọn cờ dân chủ, mới có thể thu hút được tất cả những phần tử dân chủ giàu tinh thần chiến đấu, và mới có thể sử dụng được toàn bộ những lực lượng tiến bộ”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định báo chí là một mặt trận: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(3); đồng thời, Người căn dặn các nhà báo: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”(4).

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng, Nhà nước ta đã quán triệt và cụ thể hóa những luận điểm có tính nguyên tắc đó bằng những nghị quyết, chỉ thị và các luật về báo chí, khẳng định rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.

Trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), Đảng ta đã không ngừng phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận về báo chí và thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, thúc đẩy báo chí đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới. Tại Đại hội XI, Đảng đã chính thức đề cập vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội của báo chí, chỉ rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”. Về mặt quản lý nhà nước, từ năm 1986 đến nay, đã ban hành nhiều văn bản luật, dưới luật về báo chí. Luật Báo chí được Quốc hội khóa VIII thông qua ngày 28-12-1989; đến ngày 12-6-1999, Quốc hội khóa X lại thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Xuất phát từ tình hình mới, ngày 4-4-2016, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua Luật Báo chí trên cơ sở kế thừa và bổ sung, phát triển các luật trước đây.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, trong 30 năm đổi mới, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có hơn 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo. Hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, năng lực tiếp cận, khai thác và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại trong lĩnh vực báo chí có những bước chuyển quan trọng. Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, báo chí nước nhà đã tăng về số lượng các cơ quan báo chí; tăng về số đầu báo, số lượng ấn phẩm; đa dạng hóa các loại hình báo chí; tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và người làm báo; tăng về nguồn lực tài chính, hạ tầng vật chất, kỹ thuật;… Đây là những thành tựu to lớn của báo chí nước ta hiện nay. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu to lớn đó, báo chí vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém như: nhiều về số lượng cơ quan báo chí, nhưng chất lượng chưa tương xứng; còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí vẫn chưa giảm; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí, làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học… Bên cạnh đó, lãnh đạo một số cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích. Nhiều vấn đề mới của đời sống báo chí đang được đặt ra trong thực tiễn, như cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, mô hình tập đoàn truyền thông; vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí; cơ chế tài chính đối với cơ quan báo chí; vai trò cơ quan chủ quản; chức năng giám sát, phản biện của báo chí… chưa được nhận thức và lý giải thấu đáo; do đó khi triển khai trong thực tiễn đã nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực…

II. Những vấn đề lý luận đặt ra từ thực tiễn 30 năm cần được quan tâm nghiên cứu giải quyết

1. Mối quan hệ giữa tính chân thật với nhiệm vụ chính trị của đất nước

Khách quan, chân thật là nguyên tắc hàng đầu của báo chí, là yếu tố tiên quyết tạo ra hiệu quả của thông tin. Đã có câu châm ngôn: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Vì vậy, báo chí không được phép đưa thông tin không đầy đủ, đặc biệt là thông tin không chính xác, bịa đặt (như trường hợp vừa qua báo chí đưa tin về vụ nước mắm nhiễm asen). Trong quá trình tác nghiệp, với ý thức công dân và trách nhiệm xã hội, người làm báo phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Sự thật có thể diễn ra đúng như hiện tượng nhưng cũng có thể không, vì vậy báo chí có trách nhiệm suy ngẫm, nghiên cứu tìm ra đâu là bản chất của vấn đề, trên cơ sở đó bảo đảm thông tin trung thực, khách quan và có tính định hướng đúng đắn dư luận xã hội. Trong thực tiễn thời gian qua, một số nhà báo do chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, muốn bán được nhiều báo, đã liên tục đưa những thông tin giật gân, câu khách, khai thác chi tiết những vụ án rùng rợn, lạm dụng thông tin đời tư,… gây hiệu ứng tiêu cực, khiến bức tranh xã hội trở nên u ám, gây tâm trạng lo lắng, bất an trong xã hội. Thông tin báo chí, xét đến cùng là góp phần bồi đắp tâm hồn con người, hướng tới cái thiện, đẩy lùi cái ác, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển lành mạnh. Vì vậy, khi tác nghiệp, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ báo chí cách mạng, nhà báo không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn phải cân nhắc NÊN hay KHÔNG NÊN nêu một hiện tượng có thật, nếu thông tin đó xâm phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc, xét rộng ra là đi ngược lại lợi ích của dân tộc và đất nước, đặc biệt là thông tin những vấn đề nhạy cảm, phức tạp về đối nội, đối ngoại.

2. Mối quan hệ giữa nguồn thông tin trong thế giới phẳng với việc lựa chọn thông tin hợp với tình hình đất nước, địa phương

Nền báo chí của chúng ta đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin, khi thông tin trên khắp thế giới qua in-tơ-nét được truyền tải liên tục, nhiều chiều.

Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong quá trình cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư đang phát triển như vũ bão, trong đó có lĩnh vực báo chí, sự phát triển của công nghệ số, nhất là in-tơ-nét, làm cho các quốc gia không còn biên giới thông tin, tạo điều kiện cho phép hàng triệu người trên khắp thế giới chứng kiến, tham gia thông tin và bình luận các sự kiện. Mặt khác, các xu hướng tự do hóa, tư nhân hóa, hội tụ tập trung sở hữu dẫn đến một xu thế làm thay đổi cấu trúc của các cơ quan báo chí, truyền thông và cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm báo chí và sản phẩm văn hóa. Điều đó sẽ tác động ngày càng lớn xu hướng thông tin báo chí nước nhà; sự xuất hiện các tập đoàn truyền thông đa phương tiện toàn cầu khổng lồ, đã và đang chi phối trực tiếp hệ thống truyền thông ở nhiều quốc gia chưa có cơ sở hạ tầng thông tin và đội ngũ làm báo thiếu chuyên sâu và yếu kém về bản lĩnh chính trị. Thực tế đó đòi hỏi báo chí trong nước, một mặt, phải thay đổi tư duy làm báo, nâng cao thực lực, tái cơ cấu để bảo đảm tính cạnh tranh trong bối cảnh mới; đồng thời phải tỉnh táo trong lựa chọn tiếp nhận, phản biện trong khai thác thông tin. Thực tế trong thời gian qua, một vài cơ quan báo chí và người làm báo đã không đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, tùy tiện khai thác những thông tin, luận điệu của báo chí nước ngoài, từ mạng xã hội (như trường hợp thông tin vụ Trịnh Xuân Thanh và nội dung của bloger Người Buôn Gió,…), gây ra những hậu quả đáng tiếc.

3. Mối quan hệ giữa bảo đảm thông tin đúng định hướng với việc bảo đảm thông tin nhanh, hấp dẫn, thuyết phục

Thông tin nhanh, hấp dẫn, thuyết phục, thu hút độc giả ngày càng đông, đã trở thành yếu tố sống còn của mỗi cơ quan báo chí trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Tuy nhiên, việc bảo đảm tính kịp thời, hấp dẫn của thông tin không thể được thiết lập bằng mọi giá, bất chấp lợi ích cộng đồng, địa phương và đất nước. Báo chí là một hoạt động đặc biệt mang đặc tính chính trị - xã hội. Mỗi tác phẩm báo chí được công bố, phát hành rộng rãi đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm và tư tưởng của quần chúng và dẫn dắt hành vi của cộng đồng, góp sức tạo nên sức mạnh nội sinh của xã hội. Trong năm 2016 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 50 cơ quan báo chí và thi hành kỷ luật nhiều nhà báo chủ yếu xuất phát từ những vi phạm do không xử lý hài hòa mối quan hệ này nên đã thông tin và bình luận cảm tính, một chiều; trong đó có vụ việc nổi bật được cả xã hội quan tâm như việc bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Mỹ B.Ke-rây làm Chủ tịch hội đồng tín thác của Trường đại học Fulbright Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của mỗi tờ báo là thông tin nhanh, đúng, trúng - nền tảng tạo nên niềm tin của công chúng đối với giới thông tin và truyền thông.

4. Mối quan hệ giữa phát triển với việc quản lý tốt hệ thống truyền thông

Không thể phủ nhận, việc mở rộng số lượng cơ quan, ấn phẩm và loại hình báo chí, tăng đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp là một bước phát triển về chất của báo chí Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, những con số như vậy không quyết định sự vững mạnh, phát triển bền vững của nền báo chí nước nhà. Điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sự nở rộ về số lượng với việc quy hoạch, quản lý báo chí; nói cách khác là cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng báo chí. Thực tế hiện nay, chúng ta có nhiều đầu báo, nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ, dẫn đến những hệ lụy khó lường. Với mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường hội nhập quốc tế, chúng ta cần tập trung sức vào khâu đột phá là sắp xếp lại các cơ quan báo chí trên cơ sở xác định rõ điều kiện hoạt động, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và cơ sở hạ tầng cùng cơ chế tài chính thích ứng. Quy hoạch lại hệ thống báo chí chính là để quản lý có hiệu quả, góp sức thúc đẩy sự nghiệp báo chí nước nhà phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn mọi nhu cầu của xã hội đối với báo chí.

Lẽ đương nhiên, việc triển khai chiến lược quy hoạch báo chí đến năm 2020 cần có lộ trình thích hợp, đòi hỏi từng cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố về nhân lực, vật lực, mục đích và phạm vi, đối tượng thông tin,… khắc phục các khuynh hướng cục bộ, ngại khó, đối phó, trông chờ, ỷ lại,…

III. Mấy giải pháp cấp bách

Để giải quyết tốt những mối quan hệ căn bản nêu trên, tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của hệ thống báo chí trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cấp bách sau:

Thứ nhất, thay đổi mạnh mẽ tư duy làm báo phù hợp yêu cầu đổi mới, hội nhập; trên cơ sở đó sắp xếp lại từng cơ quan báo chí, thay đổi cấu trúc các ấn phẩm, cải tiến cách thông tin phù hợp mục đích, đối tượng; nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh;… Mặt khác, cần đề cao nhận thức về nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội của người làm báo, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa những đòi hỏi quan trọng của Luật Báo chí 2016, sớm ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam trên cơ sở kế thừa các quy ước đạo đức nghề nghiệp trước đó. Đây là việc làm kịp thời, thiết thực, được giới báo chí nói riêng và toàn xã hội nói chung hoan nghênh. Tuy nhiên, để những quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thật sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Hội Nhà báo cần xem xét, ban hành các cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả để kịp thời nêu gương những điển hình thực hiện tốt; đồng thời nghiêm khắc rút kinh nghiệm, xử lý những trường hợp vi phạm.

Thứ hai, khẩn trương rà soát; trên cơ sở đó kiến nghị bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, chế tài quản lý báo chí. Trước mắt, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí; tăng cường xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí để điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong tình hình mới; xây dựng chế tài tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí. Những biện pháp kiểm tra, thanh tra vừa qua của Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời biểu dương các cơ quan báo chí làm tốt đi liền việc nhắc nhở, xử phạt những hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí, được dư luận hoan nghênh.

Thứ ba, coi trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo; hết sức chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về báo chí; quy định hệ thống tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ phù hợp thực tiễn báo chí hiện nay. Các cơ quan chủ quản báo chí cần bố trí cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí bảo đảm các tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tiễn càng khẳng định rằng, những người lãnh đạo từng cơ quan báo chí và cả đội ngũ làm báo cần được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nhằm đạt tiêu chuẩn về đạo đức, tài năng nghề nghiệp; nói cách khác là cần có TÂM và TẦM - đó là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả quá trình cải tiến, sắp xếp lại hệ thống báo chí, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay.

----------------------------------

(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.313.

(2) V.I.Lê-nin: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.250.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, Hà Nội, tr.616.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, Hà Nội, tr.368.

Theo PGS, TS NGUYỄN HỒNG VINH/nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc