“Bỏ biên chế suốt đời” dưới góc nhìn quyền lực Nhà nước
EmailPrintAa
16:21 05/08/2020

Nghị quyết Trung ương bảy (khóa XII) "Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đề ra những quan điểm, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp quan trọng nhằm đổi mới công tác cán bộ cũng như cơ chế đánh giá, trả lương theo vị trí việc làm, xây dựng cơ chế tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Một trong những nhiệm vụ nổi bật của Nghị quyết là: “Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời".

Xây dựng Đề án vị trí việc làm.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), ngày 25-11-2019, Quốc hội với 88,2% đại biểu nhất trí đã biểu quyết thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng như Luật Viên chức (sửa đổi), sau đó Chính phủ cũng đã có Nghị định hướng dẫn thực hiện các Luật này. Các Luật và Nghị định về cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Công chức đã chính thức mở đầu giai đoạn “bỏ biên chế suốt đời”, trước hết là đối với viên chức. Từ ngày 1-7-2020 vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn xác định thời hạn , trong đó hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp đối với viên chức. Cụ thể là: 1) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020; 2) Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; 3) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật mà điểm nhấn là quy định “bỏ biên chế suốt đời” đối với viên chức là theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Bắt đầu từ viên chức và dần dần mở rộng việc thực hiện đối với công chức sẽ là bước phát triển mới tạo cơ hội để tinh giản biên chế, tăng hiệu quả hoạt động công. Đây cũng là khâu đột phá để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức cứ vào được biên chế của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị là ung dung “yên vị”, không lo bị thải loại. Vì thế, nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “sáng vác ô đi, tối xách ô về” đã trở thành hiện tượng phổ biến trong bộ máy công quyền của hệ thống chính trị rất khó khắc phục. Cách đây mấy năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại hiệu quả công việc nào”. Việc “bỏ biên chế suốt đời” làm việc và trả lương theo vị trí, kết quả việc làm cũng sẽ dần xóa bỏ tình trạng người lao động thì đông nhưng kém năng suất, hiệu quả; tình trạng đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm ở cơ sở, gần như ai cũng “hoàn thành nhiệm vụ”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, thậm chí việc bình bầu “chiến sỹ thi đua cơ sở”, phân chia bằng khen, danh hiệu được chia lần lượt theo kiểu “năm nay anh, năm sau tôi” để lên lương trước niên hạn. Chính vì vậy, đồng lương được trả bình quân “đến hẹn lại lên, không dựa trên kết quả, năng suất lao động. Việc “bỏ biên chế suốt đời” tuyển dụng qua các cuộc thi, sát hạch… cũng góp phần khắc phục loại bỏ tình trạng rất khó tinh giản biên chế, cho thôi việc, cắt giảm lương, thưởng đối với những cán bộ, công chức là “con ông cháu cha”…

Còn nhớ, chỉ mấy ngày sau khi nhân dân ta trong cả nước giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói, bài viết… chỉ đạo chính quyền từ Chính phủ Trung ương đến chính quyền tỉnh, huyện, xã, làng phải như thế nào, cán bộ, đảng viên phải biết bổn phận của mình ra sao trong chính quyền chế độ mới. Nền tảng của việc xây dựng bộ máy chính quyền cũng như việc cắt cử, lựa chọn cán bộ, đảng viên là: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ/Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/...Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra / Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên/Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Hà Nội, 2002, tập 5, trang 698). Sau khi giành được chính quyền, xây dựng Nhà nước kiểu mới thì bản chất của chế độ dân chủ là mọi quyền hành đều thuộc về nhân dân. Nhân dân đứng ra thành lập Nhà nước, bầu cử ra những cán bộ nhà nước thay mình điều hành, lãnh đạo, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nói một cách nôm na là: với quyền hành và lực lượng của mình, Nhân dân có quyền “thuê” Chính phủ, “thuê” các cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ chế độ, cuộc sống của người dân. Tinh thần chung là: ai đáp ứng yêu cầu, làm tốt công việc thì được nhân dân chấp nhận “thuê” làm việc cho đến cuối đời; cán bộ, công chức nào làm việc không hiệu quả, phục vụ không tốt người dân thì bị thay thế, thải loại. Nói cán bộ, công chức, viên chức nhà nước là đầy tớ, công bộc của dân là với ý nghĩa như thế. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947 thể hiện rất rõ tinh thần mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về Nhân dân và Nhân dân có quyền quyết định hết thảy mọi vấn đề trên lĩnh vực này: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi” (Hồ Chí Minh, toàn tập, 2002, tập 5, 2002, trang 60).

Kể từ thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, 75 năm qua, vì nhiều lý do, trong đó có mấy cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài cùng với việc duy trì quá lâu những yếu tố nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, bộ máy nhà nước cồng kềnh, nặng nề, trì trệ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đông, cho nên chúng ta chưa triển khai một cách toàn diện, triệt để, hiệu quả tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Đồng thời, những năm gần đây, ở nhiều nơi, quyền lực Nhà nước bị lạm dụng, tha hóa, biến tướng, bị lợi dụng nhằm phục vụ lợi ích cá nhân v.v. Chính vì vậy, bộ máy nhà nước ngày càng phình to, kém hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức càng yêu cầu tinh giản lại càng nhiều hơn. Đến nay, với việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, đồng thời với nhiều Nghị quyết, chính sách, pháp luật khác của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng thực hiện quyền lực của Nhân dân sẽ dần  trở thành hiện thực. Có nhiều nhiệm vụ cần thực hiện để sắp xếp bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức làm việc theo hợp đồng, được trả lương theo kết quả công việc. Trước hết, cần xây dựng, làm rõ một số khâu công việc quan trọng có liên quan:

Trước hết , việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và đông đảo công chức, viên chức, người lao động, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm trong tay quyền lực, rằng quyền hành trong tay họ là quyền của nhân dân, nhân dân ủy quyền cho họ thực thi nhiệm vụ, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Những cán bộ lãnh đạo, quản lý được giao nhiệm vụ thẩm định, tuyển chọn, ký hợp đồng với cán bộ, công chức, viên chức là thực hiện bổn phận công bộc phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Vì vậy, việc gì có lợi cho dân phải cương quyết làm, việc gì có hại đến dân cần cương quyết tránh;

Thứ hai , với sự đổi mới cơ chế thẩm định, tuyển chọn, hợp đồng cán bộ, công chức, viên chức, trả lương theo vị trí việc làm, tạo quyền chủ động cho đơn vị sự nghiệp công và mở rộng các loại hình dịch vụ mà trước đây các cơ quan nhà nước thường làm thì có cơ chế thực hiện nguyên tắc “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”. Có nhiều cách làm nhưng với tinh thần là Đảng “hóa thân” vào Nhà nước, nêu cao tính đảng của đảng viên vào từng cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, nhất là người đứng đầu, với tinh thần Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước, của Nhân dân;

Thứ ba , đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là một khâu vô cùng quan trọng để sắp xếp, sử dụng họ. Nhưng để đánh giá đúng cán bộ, công chức, viên chức (kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp) không thể chung chung. Muốn đánh giá chính xác cần phải xác định rõ về vị trí việc làm của từng đối tượng cụ thể. Hiện nay, việc xây dựng vị trí việc làm ở nước ta mới là bước đầu. Muốn xây dựng được vị trí việc làm thì vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được xây dựng, hoàn thiện theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong thời đại hội nhập sâu rộng vào thị trường lao động thế giới. Muốn có chức năng, nhiệm vụ hoàn thiện thì phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức, bộ máy, trong khi tổ chức, bộ máy ở nước ta đang trong quá trình phát triển, chưa ổn định, thậm chí hiện nay còn hạn chế, lúng túng. Xác định vị trí việc làm, nhiệm vụ, công việc của từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, kể cả công chức là lãnh đạo, quản lý các cấp, là “đầu vào” để xác định cán bộ đó có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Ngay cả những cán bộ cấp chiến lược ở từng lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương… cũng phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tiêu chí đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại. Cần định lượng các tiêu chí như thế nào là hoàn thành nhiệm vụ;

Thứ tư , các chủ thể đại diện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị ký hợp đồng với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, có vai trò hết sức quan trọng trong việc đánh giá, nhận xét, phân loại các đối tượng lao động. Dù chính sách, pháp luật có đầy đủ, chặt chẽ, kín kẽ thế nào chăng nữa, nhưng cuối cùng vẫn là con người cụ thể đánh giá, xử lý. Để tránh những hiện tượng tiêu cực trong việc thi tuyển, đánh giá, nhân xét, phán quyết, ký kết hợp đồng lao động, một trong những điều kiện rất quan trọng, cần thiết là tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá phải rất cụ thể, càng định lượng cụ thể càng tốt. Hội đồng thi tuyển, đánh giá, thẩm định việc người lao động có hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao hay không cần có đại diện cho cấp ủy đảng, cấp chính quyền, đại diện cơ quan giám sát của nhân dân cũng như những chuyên gia am hiểu lĩnh vực liên quan. Hội đồng này là những cán bộ quản lý công tâm, vô tư, trong sáng, am hiểu công việc cán bộ, công chức, viên chức, tránh nể nang, cảm tình, đan xen lợi ích cá nhân. Việc đánh giá, nhận xét cần được công khai để mọi người trong tỏ chức, cơ quan, đơn vị đều được biết và giải đáp những thắc măc, khiếu kiện nếu có. Đối với những cán bộ, công chức, viên chức mà công việc, hoạt động có liên quan trực tiếp đến người dân thì cần lấy phiếu tín nhiệm, sự hài lòng của người dân. Cần có quy định về quy trách nhiệm những tổ chức, cá nhân giới thiệu, tiến cử cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

Thứ năm , xây dựng, hoàn thiện cơ chế hoạt động giám sát của cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân ở các ngành, các cấp. Biểu hiện rõ nét nhất của hình thức dân chủ đại diện ở nước ta là việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội - cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân có nhiệm vụ giám sát tối cao trên mọi lĩnh vực, trong đó có đối tượng cán bộ cấp chiến lược. Ở địa phương, cơ sở là HĐND các cấp. Đồng thời với hình thức đại diện, việc giám sát cán bộ, công chức, viên chức, với tư cách là người được ký hợp đồng “làm thuê” cho các tổ chức, cơ quan nhà nước, còn được thực hiện dưới hình thức dân chủ trực tiếp. Cử tri và nhân dân, với tư cách người chủ, trong quá trình được cán bộ, công chức, viên chức phục vụ, với tư cách công bộc, có quyền tỏ thái độ hài lòng hay không hài lòng về tinh thần, thái độ, hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, cử tri có quyền phản ánh tới các cơ quan quyền lực cấp trên tới các đại biểu Quốc hội, HĐND về đội ngũ “công bộc” của mình. Đây là một kênh thông tin rất quan trọng góp phần vào việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như mức trả lương đối với cán bộ, công chức, việc chức. Quyền giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của HĐND các cấp cũng như ý kiến đóng góp trực tiếp của nhân dân là cơ sở rất quan trọng trong việc tổ chức bộ máy, xây dựng, tuyển dụng, chế độ hợp đồng lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức, kể cả đối với những người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương có chức năng trong việc thi tuyển, lựa chọn, ký hợp đồng cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phục vụ Nhà nước và Nhân dân.

Nguồn: Vũ Ngọc Lân/xaydungdang.org.vn

( http://xaydungdang.org.vn/Home/dien-dan/2020/14074/Bo-bien-che-suot-doi-duoi-goc-nhin-quyen-luc-Nha-nuoc.aspx )


    Ý kiến bạn đọc