Cách mạng Tháng Tám và bài học về nắm bắt thời cơ
EmailPrintAa
16:14 16/08/2017

Cách đây 72 năm, Cách mạng Tháng Tám vĩ đại nổ ra và giành thắng lợi trong cả nước chỉ trong vòng hai tuần lễ. Có được điều kỳ diệu đó chính là nhờ quá trình chuẩn bị chu đáo, tạo thế, tạo lực và khi thời cơ lớn xuất hiện, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời biết nắm bắt, phát động toàn dân khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Hay nói như nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh: “Mau lẹ, kịp thời nổ ra đúng lúc phải nổ - đó là một trong những ưu điểm nổi bật của Cách mạng Tháng Tám” (1).

Trong quá trình xác định thời cơ phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương (TVTƯ) Đảng đã phân tích một cách khoa học và đánh giá cao mối quan hệ giữa cách mạng Đông Dương với cuộc chiến tranh của các nước Đồng minh chống phát xít; luôn coi trọng cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố chủ quan có ý nghĩa quyết định nhất. Trong Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945, Ban TVTƯ Đảng đã khẳng định: “Dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc Tổng khởi nghĩa” và dự kiến “nếu tình thế chuyển biến thuận lợi thì dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”(2)Đánh giá tình hình cách mạng Đông Dương lúc này, Đảng ta cho rằng: “Những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi; những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”. Trên cơ sở đó, Đảng đã phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước rộng khắp với những hình thức đấu tranh phong phú và cao hơn giai đoạn trước; cùng với đó là đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh. Có thể nói, với bản Chỉ thị “Nhật –Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945 của Ban TVTƯ Đảng, Cách mạng Việt Nam đã  bước sang một thời kỳ mới – Thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tại nhiều địa phương trong cả nước, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã liên tiếp nổ ra. Ở các thành phố, thị xã, các hoạt động tuyên truyền, động viên quần chúng nhân dân tham gia và ủng hộ Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị khởi nghĩa được đẩy mạnh rầm rộ. Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ diễn ra trung tuần tháng 4-1945 đã quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam giải phóng quân, phân chia các chiến khu, cử Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc kỳ...

 
Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu.  

Trong khi đó thì trên chiến trường châu Âu, phát xít Đức đã bại trận, hòa bình đã được lập lại trên toàn châu Âu và châu Phi. Tại châu Á, quân phát xít Nhật cũng đang bị đẩy lùi dần về thế phòng ngự chiến lược. Hội nghị Pốt-xđam ra  tuyên bố chung đòi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện và quyết định mở cuộc tiến công cuối cùng vào các đạo quân của Nhật Bản cho tới khi Nhật Bản chấm dứt mọi việc kháng cự.

Ngày 6-8, Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hi-rô-si-ma (Nhật Bản). Hai ngày sau, Liên Xô tuyên bố hủy bỏ Hiệp định trung lập đã ký với Nhật Bản năm 1941 và chính thức tuyên chiến. Trước tình hình đó, đêm ngày 9-8, Hội đồng tối cao chỉ đạo chiến tranh của Nhật Bản đã nhóm họp nhằm tìm ra lối thoát. Cùng thời điểm đó, Mỹ cho ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Na-ga-sa-ki. Trước tình thế “lưỡng đầu thụ địch”, mặc dù không tìm được tiếng nói chung nhưng Nhật hoàng Hi-rô-hi-tô đã buộc phải chấp nhận bản Tuyên bố Pôt-xđam với yêu cầu được sửa lại một số điểm trong bản Tuyên bố đó.

Mặc dù, đây chưa phải là một bản tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” của Nhật Bản, mà chỉ mới là “một đề nghị ngừng bắn”. Song, với tầm nhìn chiến lược nhạy bén, trên cơ sở phân tích một cách khoa học về thời cơ, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng với Ban TVTƯ Đảng đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Nửa đêm ngày 13-8-1945, từ Đại bản doanh trong ATK Việt Bắc, bản Quân lệnh số 1 đã đựơc phát đi.

Trưa ngày 15-8-1945, Nhật hoàng Hi-rô-hi-tô thông qua làn sóng của Đài phát thanh quốc gia chính thức tuyên bố “Chấp nhận bản Tuyên bố Pốt-xđam để tránh đổ máu kéo dài”. Tuy nhiên, điều đáng nói là tuyên bố đó đã không được truyền đạt kịp thời tới Tư lệnh các đạo quân Nhật Bản, trong đó có Tư lệnh đạo quân Phương Nam ở Đông Dương.

Ngày 19-8, trong khi Hồng quân Liên Xô đánh tan Đạo quân Quan Đông và làm chủ Mãn Châu thì tại Hà Nội, cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Như một phản ứng dây chuyền, các địa  phương trong cả nước lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong những ngày cuối tháng 8-1945.

Ngày 2-9-1945, khi mà trên chiến hạm Mit-xu-ri đang bỏ neo trong vịnh Tô-ky-ô, Nhật Bản chính thức ký các văn kiện chấp nhận đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, thì tại Vườn hoa Ba Đình lịch sử, Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam nổ ra và thành công trong bối cảnh Quân đội Nhật Bản chưa đầu hàng các lực lượng Đồng minh chống phát xít và đạo quân Phương Nam ở Đông Dương hẵng còn đang sung sức. Điều này càng cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén và kịp thời của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Thời cơ Tổng khởi nghĩa chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, trong vòng hai tuần lễ, nhưng đó là “thời cơ vàng” mà Đảng ta đã chớp lấy lãnh đạo toàn dân, dốc toàn lực tung ra đòn quyết định giành chính quyền trong cả nước. Tổng khởi nghĩa nổ ra vào thời điểm khi mà ở trong nước, cao trào kháng Nhật, cứu nước đã phát triển lên đến đỉnh cao, quân đội Nhật Bản ở Đông Dương mất nhuệ khí, không còn chỗ dựa, nhiều đơn vị quân Nhật đã bị “trung lập hóa”; quân đội Anh, Pháp, Tưởng thì chưa kịp kéo vào. Với chính quyền mới giành được, nhân dân Việt Nam có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, đứng trên cương vị “chủ nhân ông” ngẩng cao đầu tiếp quân đội các nước vào giải giáp quân Nhật theo sự phân công của các lực lượng Đồng minh chống phát xít. Một tuần sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập (ngày 9-9), phái đoàn tiền trạm của Trung Hoa dân quốc do Tiêu Văn dẫn đầu mới đặt chân tới Hà Nội; tiếp theo đó là “bộ sậu” của Lư Hán (14-9) và mãi tới ngày 28-9-1945, lễ đầu hàng của Quân đội Nhật Bản mới chính thức diễn ra ở Hà Nội.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 cho thấy sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy của hai lực lượng chính trị và quân sự, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng là chính; nổ ra đúng lúc “tình hình đã hết sức khủng hoảng, đội tiên phong đã sẵn sàng chiến đấu đến cùng, hậu bị quân đã sẵn sàng ủng hộ đội tiên phong và hàng ngũ quân địch đã rối loạn, hoang mang đến cực điểm” (3). Quân Nhật mặc dù đang sung sức, trang bị còn mạnh nhưng nhuệ khí đã giảm sút, đặc biệt là bộ máy công cụ bạo lực phản động mà chúng sử dụng để chống lại cách mạng gần như đã bị vô hiệu hóa. Đây chính là thời cơ ngàn năm có một để phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà Lãnh tụ Hồ Chí Minh mặc dù lúc này đang ốm nặng nằm trong rừng sâu ATK Việt Bắc, nhưng đã cố gượng dậy căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cho chúng ta nhiều bài học có giá trị, trong đó có bài học về “nắm bắt thời cơ”. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đặc biệt là trong Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) đã từng xuất hiện một số thời cơ để có thể tiến hành Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa, đó là: Thời điểm cuối năm 1963-đầu năm 1964 khi mà sau cái chết của Diệm-Nhu, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời điểm này quân đội Sài Gòn vẫn còn đông và mạnh, lại được sự hậu thuẫn và chi viện tối đa của Mỹ; trong khi đó thì lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam còn mỏng, đặc biệt là còn thiếu “quả đấm chủ lực” để “đi trước một bước”. Chính vì vậy mà mặc dù lúc bấy giờ, Trung ương Cục miền Nam cũng đã xây dựng Kế hoạch Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa (Kế hoạch X) nhưng trên thực tế thì Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa đã không thể diễn ra do thời cơ lúc này chưa đủ chín muồi.

Đến đầu năm 1968, thời cơ mới xuất hiện và vấn đề Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa lại được đặt ra. Đòn tiến công Mậu Thân 1968 đã giành thắng lợi to lớn cả về chính trị và quân sự, gây chấn động thế giới; làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Paris. Tuy nhiên, trong Mậu Thân 1968 ta vẫn không thực hiện được tổng công kích - tổng khởi nghĩa như kế hoạch đặt ra do thời điểm này địch còn hơn 1 triệu quân. Mặc dù quân địch có hoang mang, dao động trước đòn tiến công bất ngờ và táo bạo của Quân giải phóng nhưng trong hàng ngũ của Quân đội VNCH chưa có những cuộc binh biến lớn; quân Mỹ vẫn còn đủ mạnh để hỗ trợ hiệu quả cho quân đội Sài Gòn tiến hành các chiến dịch đàn áp phong trào cách mạng. Tại các đô thị miền Nam, cơ sở và phong trào cách mạng phát triển mạnh nhưng chưa đủ để tổng khởi nghĩa nổ ra đồng loạt, lật đổ chính quyền tay sai. Thực tế, Mậu Thân 1968 chỉ mới dừng lại ở một cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy”.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam. Tình thế và tương quan lực lượng trên chiến trường có sự thay đổi căn bản có lợi cho cách mạng. Chính vì vậy mà trong Kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, ta cũng đã đề ra chủ trương Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi cuối cùng để giảm thiểu đổ xương màu không cần thiết. Song, trong đòn tiến công chiến lược cuối cùng Mùa Xuân 1975, Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa cũng không diễn ra như mong muốn, mà chỉ là một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Chỉ có điều, khác với Mậu Thân 1968, trong Xuân 1975, thời cơ đã chín muồi hơn, song tổng khởi nghĩa đã không kịp diễn ra vì tốc độ chiến thắng đến quá nhanh, vượt xa cả những tính toán trong kế hoạch ban đầu của ta.

Mặc dù Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa đã không diễn ra trong thực tiễn chiến tranh cách mạng miền Nam (1954-1975), nhưng những bài học từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 – nhất là bài học về nắm bắt thời cơ -  cho đến tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì thời cơ để Việt Nam bỏ xa tụt hậu, bứt phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xuất hiện ngày càng nhiều. Bỏ lỡ thời cơ là có tội với lịch sử, nhưng chớp thời cơ hành động một cách vội vã, thiếu sự phân tích khoa học, làm ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc, đến chủ quyền quốc gia thì càng có tội hơn. Đây cũng chính là thông điệp mà Cách mạng Tháng 8 năm 1945 nhắn gửi lại cho hậu thế thông qua bài học về nắm vững thời cơ cách mạng.

---------------------

1.Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam. T.1. Nxb Sự thật. H. 1975. tr.370.

2.Văn kiện Đảng  (1940-1945). T.7. Nxb CTQG.H.2000. Tr. 373.

3.Trường Chinh. Sdd. Tr.172.

Theo Đại tá, PGS.TS TRẦN NGỌC LONG - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc