Cần tổ chức các cuộc đối thoại với bí thư chi bộ
EmailPrintAa
07:56 17/11/2016

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân từ huyện đến cơ sở. Qua đó, đã có nhiều ý kiến thiết thực góp ý xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh, phát triển của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, cấp tỉnh cũng như cấp huyện đến nay vẫn chưa tổ chức đối thoại với các đồng chí bí thư chi bộ. Theo chúng tôi, cấp ủy tỉnh, huyện cần tổ chức đối thoại với các bí thư chi bộ - những người làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
 

 

 Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng là tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Cấp huyện trở lên đối thoại với bí thư chi bộ tập trung vào các nội dung về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là: Công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công tác phát triển đảng viên; việc phổ biến, tuyên truyền, tập hợp, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc ban hành và triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; tình hình an ninh trật tự, dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân… là hoạt động rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Việc đối thoại nên tổ chức định kỳ 2 lần/năm hoặc tùy theo tình hình thực tế của địa phương. Nếu làm tốt việc này, các cấp ủy sẽ có thêm một kênh thông tin quan trọng để nắm tình hình địa phương và những vấn đề phát sinh, từ đó xây dựng phương án giải quyết kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở; đồng thời cũng tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cho các đồng chí bí thư chi bộ. Sau khi các cuộc đối thoại về tình hình chung đi vào nền nếp, cấp ủy có thể tổ chức đối thoại chuyên đề để bàn bạc chuyên sâu, giải quyết thấu đáo một vấn đề, lĩnh vực cụ thể; đồng thời tổ chức đối thoại với các trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể ở các thôn xóm, khu dân cư… để tiếp thu các ý kiến phản biện của các tầng lớp nhân dân góp ý xây dựng Đảng theo tinh thần Quyết định 217, Quyết định 218 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Chi bộ là các hạt nhân của Đảng. Một đảng bộ mạnh cần phải có các chi bộ mạnh. Nếu vai trò của bí thư chi bộ được phát huy tốt cũng đồng nghĩa với việc năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ được tăng cường và các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương sẽ được triển khai hiệu quả hơn. Do đó, tăng cường đối thoại, nâng cao vị thế của các đồng chí bí thư chi bộ, tức là chúng ta đã góp phần quan trọng để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phan Thị Mai Linh (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc