Chữa “bệnh” lười học nghị quyết
EmailPrintAa
16:54 20/07/2017

Lười học nghị quyết của Đảng là một biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Lười học nghị quyết dẫn tới tình trạng cán bộ, đảng viên không cập nhật được thông tin mới, rơi vào “thấp kém lý luận” và từ đó dẫn tới “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần cảnh báo sự nguy hiểm khôn lường của hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà lười học nghị quyết của Đảng là một nguyên nhân gây nên hiện tượng trên.

Trong bài báo này, chúng tôi xin đề cập nguyên nhân và những biện pháp khắc phục từ góc độ cá nhân từng cán bộ, đảng viên.

Nguyên nhân cán bộ, đảng viên lười học

Gần đây, trong dư luận xã hội, quần chúng nhân dân rất bức xúc trước thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên cao tuổi “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Hiện tượng ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân khá phổ biến là đảng viên khi về nghỉ hưu tự cho mình quyền “nghỉ việc” học tập nghị quyết của Đảng, dẫn tới không cập nhật được thông tin lý luận mới, phán xét về các hiện tượng mới nảy sinh trong xã hội bằng tư duy, cách nhìn cũ. Một bộ phận đảng viên khác thì sợ hoặc thờ ơ, xem nhẹ việc học nghị quyết. Họ “hồn nhiên” làm việc riêng, lướt web, viết status và comment trên mạng xã hội... trong giờ học. Thậm chí, có những đảng viên dự khóa học 2-3 ngày nhưng không nhớ nổi tên nghị quyết. Đó là chưa kể một số rất ít đảng viên cậy mình học cao hiểu rộng, tinh thông ngoại ngữ, tiếp cận tinh hoa tri thức nhân loại nên xem thường nghị quyết của Đảng, họ thậm chí còn lợi dụng các diễn đàn để nhẹ thì kiến nghị, đề xuất; nặng thì phê phán, đả kích việc “lãnh đạo bằng nghị quyết” và đòi “tìm kiếm chủ thuyết phát triển mới”.

 
Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng của Tỉnh ủy Phú Thọ. Ảnh minh họa/baophutho.vn.  

Việc học nghị quyết tập trung do tổ chức đảng tổ chức có hiện tượng như vậy, việc tự giác tìm tòi, nghiên cứu để hiểu sâu thêm về nghị quyết còn có biểu hiện “u ám” hơn. Sách, báo, văn kiện, ấn phẩm chuyên đề do các tổ chức đảng phát hành đến từng đảng viên nhưng “nằm im” trên kệ sách, giá báo. Trước đây, mỗi đảng viên khi được kết nạp Đảng đều có sổ tu dưỡng, đó là nơi đảng viên ghi chép, chiêm nghiệm về con đường phát triển, hoàn thiện nhân cách của mình; đặc biệt là ghi lại những thu hoạch mới sau mỗi lần đi học nghị quyết. Đến nay, những cuốn sổ như vậy không còn nhiều, dù rất ít đảng viên dám tự nhận bản thân mình “lười học nghị quyết” trong các buổi bình xét, phân tích chất lượng cuối năm. Các bài kiểm tra, thu hoạch chính trị hằng năm của đảng viên thường được in ấn dày dặn, trang trí bắt mắt nhưng nhờ công nghệ “copy” và “paste” nên nhiều khi không đọng lại trong đảng viên đó một chút tri thức nào.

Nguyên nhân chủ quan nào dẫn đến các hiện tượng trên? Trước hết phải kể đến vấn đề động cơ học tập. Những người lười học, dù mức độ biểu hiện khác nhau, đều không có động cơ học tập đúng đắn. Họ không xem việc học nghị quyết là nhu cầu tự thân, học để nâng cao tri thức và hoàn thiện nhân cách mà chỉ học do sự “bắt buộc” của tổ chức đảng. Họ xem việc học nghị quyết như một nghĩa vụ. Chính vì động cơ không đúng nên việc học của những người này chỉ là hình thức, họ sẵn sàng trốn, vắng, bỏ học nếu điều kiện cho phép.

Sức ỳ trong mỗi người và các điều kiện khách quan tạo ra sức ỳ cũng là một dạng “sát thủ” đối với niềm say mê, hứng thú học tập của đảng viên. Tuổi tác cao, sức khỏe không tốt, công việc cơ quan-gia đình bề bộn, nhiệm vụ chuyên môn chi phối... khiến cho nhiều người lơ là việc học nghị quyết. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, khả năng thỏa mãn nhu cầu giải trí cá nhân thông qua smartphone, iPad là rất dễ dàng cộng với kỷ luật học tập của tổ chức còn qua loa, đại khái nên người học càng dễ lơ là việc học. Trong sinh hoạt tập thể, tâm lý tiêu cực xuất hiện nếu không được kiểm soát, giám sát rất dễ lây lan. Vì vậy, nếu những biểu hiện của người lười học không bị nhắc nhở, đấu tranh rất dễ lôi kéo cả những đảng viên tích cực, coi trọng việc học.

Những “toa thuốc” chữa bệnh lười học

Từ sự phân tích nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy giải pháp khắc phục “bệnh” lười học trong cán bộ, đảng viên trước hết thuộc về các cấp ủy, tổ chức đảng. Đó là phải siết chặt kỷ luật học tập, đổi mới công tác tổ chức và phương pháp quán triệt nghị quyết theo hướng phát huy vai trò trung tâm của người học; khuyến khích tính tương tác, trao đổi, thảo luận; tránh dạy chay, nói suông, độc giảng một chiều; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện lười học; kiểm tra phải coi trọng thực chất...

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, xây dựng động cơ học tập đúng đắn là con đường cơ bản, quan trọng nhất để chữa “bệnh” lười học nghị quyết. “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” như lời huấn thị của Bác Hồ. Phải xác định rõ lười học nghị quyết là suy thoái tư tưởng chính trị, suy đến cùng là không chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa cá nhân vô cùng nguy hiểm, gian giảo; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Lười học nghị quyết không đơn thuần là làm mất cơ hội nâng cao trình độ của bản thân mà nguy hiểm hơn, nó là con đường kéo đảng viên trượt xuống vũng lầy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trên thực tế, một số đảng viên nói và làm trái với nghị quyết của Đảng, vô tình rơi vào những cái bẫy tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động do lười học nghị quyết mà không hề hay biết.

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng cho rằng, mỗi đảng viên phải coi trọng việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong những lần học tập tập trung. Nhiều người chủ quan cho rằng, có thể nghiên cứu, tìm hiểu nghị quyết thông qua các tài liệu trên internet và sách, báo, văn kiện, nhưng “chỉ khi nào anh học một cách bài bản mới thấy được cái mới của nghị quyết”. Việc tự học, tự nghiên cứu của đảng viên là rất quan trọng, rất cần thiết nhưng phải dựa trên nền tảng những chương trình học tập, nghiên cứu tập trung có chuyên gia, báo cáo viên của cấp ủy hướng dẫn.

Chiến thắng sức ỳ trong học tập cũng là biện pháp rất quan trọng mà mỗi cá nhân cần quan tâm. Lê-nin cho rằng, với đảng viên, không có nhiệm vụ nào vinh quang hơn nhiệm vụ học tập, cho nên nhiệm vụ xuyên suốt, cả đời của người cách mạng là “học, học nữa, học mãi”. Ước mơ là thứ mà ai cũng có. Người đảng viên lại càng giàu mơ ước. Mơ ước cho bản thân, cho gia đình, cho tổ chức, cho Tổ quốc và nhân dân. Thách thức lớn nhất đối với ước mơ của mỗi người chính là sức ỳ bản thân. Vì vậy phải vượt qua sức ỳ bằng những biện pháp khoa học. Hãy xác định ngay, vì sao mình lười học nghị quyết? Vì “khô, khó, khổ”? Vậy hãy lắng nghe báo cáo viên trình bày một cách tập trung nhất. Thực tiễn trong hơn 30 năm Đổi mới vừa qua cho thấy, mỗi nghị quyết của Đảng đều là một bước tiến của tư duy và dù nhiều ít khác nhau, nghị quyết nào cũng góp phần làm giàu trí tuệ của Đảng bằng một lượng tri thức mới nhất định. Vì bận rộn công việc cơ quan, gia đình? Không sao, mỗi người đều có 24 giờ trong một ngày như nhau. Công việc nhiều nhưng nếu biết chia nhỏ ra, chúng ta sẽ tìm thấy sự hứng khởi để hoàn thành và có thời gian cho việc học tập... Vượt qua sức ỳ thực chất chính là con đường thoát lười. Cứ mỗi một sức ỳ nhỏ được giải quyết lại tạo thêm không gian, thời gian cho tính tích cực, niềm đam mê học tập trong mỗi người lớn thêm. GS Nguyễn Đức Bình từng nói: “Đối với hiện tượng “tự diễn biến”, giáo dục chính trị vừa là biện pháp phòng, vừa là biện pháp chống”. Học tập để nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng chính là con đường chắc chắn nhất để mỗi cán bộ, đảng viên chiến thắng “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong tình hình hiện nay. 

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc