Tiến bước dưới cờ Đảng. Ảnh: Minh Trường
Ít có đất nước nào, dân tộc nào gọi một Đảng chính trị là “Đảng ta” từ những ngày đầu trứng nước, bởi lẽ Đảng đã sớm đề ra cương lĩnh chính trị hợp lòng dân: Giành độc lập cho dân tộc, mang lại ruộng đất cho dân cày…
Cũng vào một ngày đầu xuân (ngày 28-1-1941), sau 30 năm rời Bến cảng Nhà Rồng bôn ba khắp năm châu để tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vào cuối xuân năm đó, Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 bàn việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ dồn sức cho công cuộc đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà. Đó là một quyết định sáng suốt, kịp thời mang đầy sức sống mùa xuân, đã cổ vũ “người lên như nước vỡ bờ”, tạo nên cao trào cách mạng rộng khắp, tiến tới tổng khởi nghĩa trong cả nước, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945!
Giữa mùa Xuân năm 1954 (ngày 13-3), quân ta nổ súng mở đợt tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; ngày 7-5-1954, lá cờ chiến thắng phấp phới tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới!
Mùa xuân 21 năm sau, Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi. Ngay sau đó, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị mở rộng, hạ quyết tâm khẩn trương chuyển sang thực hiện phương án hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Những ngày cuối tháng 3-1975, Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị với tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, kết hợp tiến công và nổi dậy, với tốc độ “Một ngày bằng 20 năm”! Giữa tháng 4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, quyết định Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, đánh thẳng vào Sài Gòn-sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, cả dân tộc chung sức đồng lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Đúng như lời thơ của Bác trong “Nhật ký trong tù”: “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân!”. Cách mạng không phải là con đường bằng phẳng, rải đầy hoa thơm, trái ngọt! Đi tới một chiến thắng mới, một mục tiêu mới, không tránh khỏi mất mát, hy sinh, thậm chí phải trả giá qua những sai lầm nghiêm trọng. Nhưng với một đảng mác-xít chân chính dạn dày kinh nghiệm, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết, đã dũng cảm nhận trách nhiệm về mình trước mỗi sai lầm và mạnh dạn cắt bỏ những “ung nhọt” để cơ thể Đảng lành lặn, cường tráng hơn lên. Chúng ta xúc động trước hình ảnh, tại một kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy khăn lau nước mắt, thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước quốc dân đồng bào, vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất, do chủ quan, thiếu lắng nghe nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở…Và điều quan trọng là Trung ương Đảng và Bác Hồ đã thẳng thắn nhận khuyết điểm, kịp thời sửa sai…
Bằng thực tiễn thành công và thất bại sau 10 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, Đảng ta đã tự phê bình nghiêm khắc, rút ra những bài học sâu sắc trong chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội; để rồi đến năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã thảo luận, tranh luận nhiều chiều, đi tới nhất trí thông qua “Cương lĩnh đổi mới đất nước”, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hăng hái thực thi bằng sự tâm huyết, sáng tạo. Trong hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về đối nội và đối ngoại. Từ một nước nghèo nàn, chậm phát triển, nước ta đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình.
Vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trong những năm 80 của thế kỷ 20 là một kỳ tích, là cơ sở quan trọng để Đảng ta mở ra mặt trận đối ngoại mới, đưa Việt Nam trở lại vị thế quốc tế như những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau 20 năm bị bao vây cấm vận, đến năm 1995, trước sự lớn mạnh của Việt Nam và xuất phát từ lợi ích của hai nước, Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 5 năm sau, Bin Clin-tơn là Tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc, với thiện chí cải thiện thật sự quan hệ giữa hai nước. Tiếp sau đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ năm 2006, rồi đến chuyến thăm của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vào năm 2016, coi nước ta là đối tác toàn diện. Trước đó, Tổng thống Ô-ba-ma đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy Mỹ thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là một thực thể đã và đang lãnh đạo đất nước với hơn 90 triệu dân. Tổng thống Ô-ba-ma đã tiếp đón và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, vượt mọi thông lệ ngoại giao của Mỹ trước đó. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế với chủ trương Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác với tất cả các nước; là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Về quan hệ với Hoa Kỳ, đồng chí Tổng Bí thư nêu lên một phương châm được dư luận nước Mỹ và cả thế giới đánh giá cao: Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết các cường quốc, trong đó, Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong tháng đầu xuân năm 2017 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã diễn ra tốt đẹp, củng cố nền tảng duy trì hòa bình, ổn định để phát triển của cả hai quốc gia và khu vực…
Cũng đúng vào dịp đầu xuân 2011, Đại hội XI của Đảng diễn ra tại thủ đô Hà Nội, tiếp tục khẳng định nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội XI nhất trí thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991), mở ra chặng đường mới để nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Chúng ta tự hào và xúc động khi hơn một triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân ở trong nước và nước ngoài góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu hết đều khẳng định cần duy trì Điều 4, xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước và xã hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII diễn ra sau Đại hội XI của Đảng, các đại biểu Quốc hội thể hiện ý chí của cử tri cả nước, đã bấm nút thông qua Điều 4, Hiến pháp 2013-điều mà một số người đã cố tình tìm mọi cách phủ nhận!
Đại hội XII của Đảng cũng diễn ra vào những ngày đầu xuân 2016, kế thừa và phát triển những quan điểm lớn được nêu trong Nghị quyết Đại hội XI về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; về xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; về tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Sau Đại hội XII, cán bộ và nhân dân ta đặc biệt quan tâm và đặt kỳ vọng vào Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), thể hiện tinh thần kiên trì, kiên quyết triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa sống còn, đó là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật sự là đảng cầm quyền trong sạch, trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo, vững vàng trước tình hình mới.
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng đã tồn tại nhiều năm, Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã cụ thể hóa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống với 27 biểu hiện, là căn nguyên dẫn đến quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và toàn xã hội. Đây thật sự là cuộc chiến cam go, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng phải tự vượt lên chính mình, hành động với quyết tâm cao nhất, bằng các biện pháp quyết liệt nhất!
Ba mươi năm sau ngày thành lập Đảng, tại cuộc mít tinh tổ chức đúng ngày 3-2-1960 tại Hội trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng khẳng định: “Với tất cả đức tính khiêm tốn của người cộng sản, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào nói rằng: Đảng ta thật vĩ đại!”.
Vĩ đại, bởi ngay từ khi ra đời, Đảng đã khơi đúng mạch nguồn của dân tộc Việt Nam! Vĩ đại bởi lợi ích của Đảng không ngoài lợi ích của nhân dân và đất nước! Vĩ đại, bởi người cộng sản chấp nhận hy sinh trước, hưởng thụ sau! Vĩ đại bởi sự dũng cảm chỉ ra sai lầm, khiếm khuyết và thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình, quyết tâm sửa chữa, khắc phục! Vĩ đại bởi Đảng biết điều chỉnh, bổ sung kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách hợp lòng Dân-ý Đảng!...
Nhà thơ Xuân Diệu thuộc lớp các nhà thơ trong phong trào Thơ mới, tự nguyện đi theo Đảng làm cách mạng từ năm 1945, đã có nhiều bài viết về mùa xuân đất nước, với những vần thơ tuôn chảy từ trái tim: “Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi xuân đã đến lâu rồi/ Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi/ Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”!
Với lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam, Đảng và Mùa xuân luôn đồng hành cùng dân tộc, đất nước và không ngừng đơm hoa kết trái!
Theo Hồng Vinh/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Cảnh giác trước âm mưu hủy hoại nền tảng tư tưởng của Đảng từ gốc rễ ( 12/11)
- Quan điểm của Đảng về đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới hiện nay ( 11/10)
- Đọc tác phẩm "Tự chỉ trích" ngẫm chuyện tự phê bình của cán bộ, đảng viên hiện nay ( 11/10)
- Phát huy vai trò của hệ thống báo Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ( 17/09)
- Phát huy vai trò của hệ thống báo Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ( 17/09)
- Vai trò của việc học tập lý luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ( 15/08)