Đảng viên trẻ với trách nhiệm nêu gương trên mạng xã hội
EmailPrintAa
15:57 28/12/2018

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta đã được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.552, t.9, tr.508). Điều này đã khẳng định vấn đề nêu gương có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống đạo đức, nhất là đối với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên trẻ.

Hội những người trẻ đi chơi chung nhưng mỗi người như một thế giới riêng với chiếc điện thoại.

Những tác động hai mặt của mạng xã hội

Mới đây nhất, Điều 1, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương quy định: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”.

Đối với các đảng viên trẻ, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trách nhiệm nêu gương càng trở nên quan trọng và cần thiết bởi trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, các mạng xã hội rất phổ biến, có lượng lớn người sử dụng truy cập thường xuyên và được giới trẻ, trong đó có đảng viên trẻ mặc nhiên công nhận như là một môi trường, một cộng đồng xã hội. Dịch vụ mạng xã hội có những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và bình luận, giúp cho giới trẻ tăng cường các mối quan hệ, tăng cường tri thức hiểu biết, cung cấp nguồn giải trí lớn cho người sử dụng.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến cuối năm 2017, cả nước có trên 60 triệu người sử dụng in-tơ-net, tương ứng với gần 60% dân số; riêng Facebook, đã có mức tăng  từ 4 triệu khách vào cuối năm 2011 lên trên 15 triệu vào cuối năm 2016. Qua kết quả một số cuộc khảo sát cho thấy, đối với giới trẻ Việt Nam, xu hướng tiếp cận thông tin đang chuyển dần từ báo, tạp chí in, kể cả phát thanh, truyền hình sang thu nhận thông tin chủ yếu từ báo chí điện tử, các phương tiện truyền thông khác trên in-tơ-net, đặc biệt là qua mạng xã hội. Thực tế cho thấy, đối với nhiều người trẻ, lượng thông tin được tiếp nhận từ những nguồn chia sẻ trên mạng xã hội chiếm tỷ trọng khá lớn; những thông tin được chia sẻ có lợi thế về thời gian cập nhật sớm, tốc độ lan truyền nhanh, “nóng hổi”, thậm chí nhanh hơn kênh chính thức, mang tính tương tác cao, nội dung gần gũi, tự nhiên và có sức lôi cuốn do được truyền tải qua những nguồn tin là “bạn bè” mạng, “người đang được theo dõi” trên mạng xã hội. Đặc biệt, đối với nội dung thông tin khi bị cấm thì mức độ lan truyền qua mạng xã hội càng tăng mạnh.

Mạng xã hội tồn tại rất nhiều những cộng đồng thu nhỏ gồm nhiều nhóm thành viên có mục đích khác nhau; có thể dễ dàng tìm kiếm như tìm kiếm bạn bè, đối tác, dựa trên thông tin cá nhân hoặc dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), lĩnh vực quan tâm: kinh doanh, mua bán... Do số lượng thành viên của các mạng xã hội hiện nay là rất lớn, (tính trên toàn cầu, Facebook là hơn 2 tỷ thành viên, YouTube 1,9 tỷ thành viên, WhatsApp 1,5 tỷ thành viên,  Facebook Messenger 1,3 tỷ thành viên…) nên những tư tưởng, ý kiến có phi lý, kỳ lạ đến đâu cũng có thể tìm được những người có cùng quan điểm trên mạng xã hội.

Một thực tế là những ý kiến càng thiên về cảm xúc, càng tiêu cực, càng căm giận càng được hưởng ứng; và đôi khi, chỉ vì mục đích tăng số lượng lượt “thích” cho trạng thái hoặc thông tin của mình, một thành viên mạng xã hội có thể dễ dàng đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng. Khi là một công dân mạng, người ta thường đặt niềm tin mạnh mẽ hơn vào những lời đồn đại cùng chiều với những thành kiến sẵn có trong tư tưởng của mình. Như vậy, thông tin độc hại cứ thế lây lan, những sự giận dữ được khuếch đại qua những lượt “thích”, những “bình luận” ác ý và những chia sẻ thiếu cẩn trọng. Khi những điều này được lặp lại nhiều lần, dần dần sẽ hình thành thói quen thiếu ý thức khi tiếp nhận và truyền tải thông tin. Khi đó, “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.107).

Không ít trường hợp, truyền thông qua mạng xã hội thường có xu hướng khuếch đại, tạo điều kiện lan tỏa các thông tin sai lạc, lời đồn đại, những phát ngôn thù hận. Yếu tố thời gian khiến người tiếp nhận khó đánh giá được về tính chính xác của những thông tin tiếp nhận, lâu sẽ quên nguồn thông tin mà chỉ nhớ nội dung thông tin. Đặc biệt, đối với những thành viên ẩn danh trên mạng xã hội, chế độ ẩn danh trong một cộng đồng có những thành viên cùng thiên kiến sai lệch sẽ có thể tạo thành một dạng “đám đông tâm lý”, làm người ta dễ trở nên đánh mất đạo đức, như Gustave le Bon đã từng lý giải “nỗi hoài nghi được nói ra tức thì biến thành sự thực hiển nhiên không cần bàn cãi. Một sự khởi đầu ác cảm hoặc không tán thưởng, ở một cá nhân tách riêng sẽ không trở nên đậm nét, nhưng sẽ lập tức trở thành hận thù hung dữ ở một cá nhân nằm trong đám đông” (Gustave Le Bon, Tâm lý học đám đông, Nxb.Thế giới, Hà Nội, 2018, tr. 41, 64).

Một số kinh nghiệm

Có thể thấy, cần thiết phải áp dụng các biện pháp để nâng cao những hiệu ứng tích cực mà phương thức truyền thông trên mạng xã hội mang lại; đồng thời, cần biết sử dụng phương thức này một cách hiệu quả để phục vụ cho mục đích phù hợp; ví dụ như có thể ứng dụng truyền thông trên mạng xã hội để lên án những cái sai, những vấn đề chưa phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, cần sử dụng những hình thức thích hợp để loại trừ hoặc hạn chế tác động xấu mà phương thức truyền thông này có thể gây ra; tránh được việc lan truyền thông tin xấu, độc, thiếu tích cực; đồng thời, giảm thiểu những góc nhìn không toàn diện, thiếu niềm tin vào cuộc sống, vào con người.

Xét về bản chất của mạng xã hội, điều mà đa số thành viên tham gia hướng đến là lợi ích về mặt tinh thần, hành động trên mạng xã hội xuất phát chủ yếu từ động lực bên trong của các thành viên nên muốn có sự thay đổi cần phải chú ý tới những yếu tố tác động đến ý chí, tinh thần. Đối với đảng viên trẻ khi tham gia một mạng xã hội thì vừa là một thành viên, vừa phải thực hiện được vai trò nêu gương đạo đức của mình.

Một là, đảng viên trẻ khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao trình độ công nghệ thông tin, tự đặt ra yêu cầu đối với việc xử lý thông tin. Phải cẩn trọng khi tham khảo, sử dụng thông tin mang tính dự báo; thông tin thiếu kiểm chứng về nguồn gốc; thông tin có sự sai biệt so với thông tin chính thức. Cần thiết phải có kỹ năng đặt câu hỏi kiểm chứng, đánh giá tính chính xác, khách quan, hiệu lực, tin cậy của thông tin. Đồng thời, khi thu thập và xử lý thông tin cần đảm bảo thông tin có tính chọn lọc và phê phán. Phải hành động một cách lý trí khi đăng tải bài viết, like hoặc chia sẻ các liên kết và khi tham gia những cuộc thảo luận về các chủ đề trên mạng xã hội.

Hai là, người đảng viên trẻ khi tham gia mạng xã hội, bên cạnh việc hòa nhập với môi trường mạng, cần thực hiện trách nhiệm nêu gương đạo đức, không tự hạ thấp trình độ nhận thức, phẩm chất chính trị của mình; phải có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Thực hiện sự thống nhất giữa hình ảnh tạo dựng trên mạng xã hội và thực tế, đề cao tính chính danh, xác thực; kiên định bảo vệ Đảng, bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng. Chủ động xây dựng và tích cực hoàn thiện hệ thống những quy tắc mềm về ứng xử như một khung về giá trị đạo đức cá nhân để có thể áp dụng trên mạng xã hội; góp phần nâng cao tính văn minh trong tương tác giữa các thành viên.

Ba là, mạng xã hội là một cộng đồng các thành viên có nhu cầu giao tiếp, kết bạn, do vậy đảng viên trẻ cần nâng cao những kiến thức của cá nhân về tâm lý khi trao đổi, thảo luận trên mạng để có thể thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau, nắm được tâm tư, nguyện vọng, những yêu cầu và những bức xúc của các thành viên; từ đó vận dụng linh hoạt, nhạy bén đối với các tình huống để vừa có thể hài hòa trong các mối quan hệ, đồng thời khéo léo thực hiện tuyên truyền, tác động tích cực để tập hợp, lôi cuốn họ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từng bước góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trên cộng đồng mạng xã hội.

Bốn là, đảng viên trẻ qua hành vi, xử sự khi tham gia trên mạng xã hội cần thể hiện được tính nhân văn, sự tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Sáng tạo trong biểu hiện tinh thần yêu nước, không chỉ ở việc hô hào khẩu hiệu mà cần thể hiện qua từng hành động như đăng cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước; chia sẻ ảnh, clip, liên kết về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam… Những hành động tưởng như nhỏ bé ấy nếu được duy trì thường xuyên sẽ góp phần bồi đắp thêm tình cảm yêu nước cho cộng đồng mạng xã hội, như I-li-a Ê-ren-bua đã từng viết: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh… Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.”

Năm là, mạng xã hội đối với người trẻ có sức hút rất lớn, do vậy người đảng viên trẻ cũng cần kiểm soát bản thân, loại bỏ thói quen lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ và chứng “nghiện” mạng xã hội; làm chủ được thời gian của bản thân, dung hòa cuộc sống của mình. Đồng thời, những đảng viên trẻ cần tăng cường tạo dựng mạng lưới quan hệ trong cuộc sống thực; tích cực sinh hoạt trong các tổ chức chính trị xã hội, tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; có lối sống lành mạnh, năng động, có ý thức tích cực vận động thể chất, quyết tâm phấn đấu thực hiện đầy đủ các chuẩn mực đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng, là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Trong thời đại toàn cầu hóa, công nghệ phát triển nhanh và mạnh, có những tác động sâu sắc, đòi hỏi đảng viên trẻ nói riêng và thế hệ người Việt trẻ nói chung cần phải có khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường xã hội, nắm bắt sự đa dạng, chịu trách nhiệm trước tương lai của đất nước. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thế hệ đảng viên trẻ, sẽ đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nét văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên trẻ, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Dù quanh ta sóng gió

Dù đâu đó chiều tà

Bình minh đang dậy đỏ

Tim ta cùng chim ca”.

Nguồn: Trung Thanh - Sở Du lịch TP. Hà Nội/xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc