Đấu tranh phòng, chống các thông tin xấu độc trước thềm đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng
EmailPrintAa
13:09 11/06/2020

Trước mỗi sự kiện chính trị lớn của đất nước, đặc biệt là trước mỗi kỳ đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, phản động ra sức đẩy mạnh các hoạt động công kích, tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội.

Ảnh minh họa: Tranh cổ động, tuyên truyền về Đại hội Đảng (nguồn Internet)

Các hoạt động chống phá được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành bài bản, hệ thống với việc huy động cùng lúc nhiều phương tiện, lực lượng tham gia mà đứng đầu là các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong ở nước ngoài như “Việt Tân”, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Đảng Dân chủ nhân dân”, “Đảng Vì dân”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”… Bên cạnh đó, chúng phát huy tối đa các trung tâm truyền thông nước ngoài như Đài BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt, RFA tiếng Việt, các tổ chức quốc tế, NGO nước ngoài như “Theo dõi Nhân quyền thế giới - HRW”, “Ân xá quốc tế - AI”, “Phóng viên không biên giới - RSF”… để thực hiện việc phát tán hàng nghìn bài viết, tài liệu, video, phim, ảnh có nội dung sai trái nhằm tuyên truyền chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có những bài viết xuyên tạc, sai sự thật như “Những ai sẽ vào tứ trụ tại Đại hội Đảng 2021”, “Chân dung anh hùng - đại biểu Quốc hội; “Trao đổi về Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Thế lực thù địch ngay trong lòng Đảng”, “Trước thềm Đại hội Đảng, tổ chức lại sanh chuyện”, “Ai sẽ lãnh đạo Việt Nam sau 2 năm nữa?”, “Tín hiệu định hướng cho tứ trụ/tam trụ”…

Trên địa bàn Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát, lên danh sách, phân loại và tổ chức công tác an ninh đối với các hội nhóm và đối tượng tham gia trên không gian mạng có hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia. Hầu hết các nhóm đều do các đối tượng, tổ chức phản động lưu vong, khủng bố nước ngoài thành lập, điều hành hoạt động. Một số đối tượng là quản trị viên, người kiểm duyệt tham gia điều hành hoạt động của nhóm, tán phát, chia sẻ các tài liệu xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước.

Những luồng thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân. Nguy hiểm hơn, nhiều thông tin kích động, tạo mâu thuẫn, gây nhận thức sai lầm trong dư luận Nhân dân dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật. Trước những thông tin xấu độc đó, đáng tiếc một số người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên do thiếu bản lĩnh chính trị, nhận thức chưa thấu đáo nên đã thiếu trách nhiệm trong việc chia sẻ, bình luận, làm thông tin có cơ hội phát tán trên không gian mạng. Không ít người đã có những hành động, lời lẽ thiếu suy nghĩ, vô tình tiếp tay để các thế lực thù địch, đối tượng chống đối suy diễn, lợi dụng.

Để chủ động nâng cao “sức đề kháng” đối với thông tin xấu độc, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái đặc biệt trên Internet, mạng xã hội hiện nay, trước hết, các tổ chức đảng, đảng viên cần t iếp tục quán triệt, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị (khoá XII) liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Quy định về nêu gương, Quy định về những điều đảng viên không được làm. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội cần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật trước những âm mưu kích động biểu tình, gây rối của các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối; không tham gia vào các tổ chức không được pháp luật công nhận, không kết bạn với những đối tượng cực đoan, phản động trên Intrenet; không chia sẻ, bình luận những thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên các trang mạng xã hội. Đồng thời tích cực đăng tải, chia sẻ các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các bài viết khẳng định đường lối, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành đúng đắn của Nhà nước; những thành tựu trong công cuộc đổi mới; việc tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp; những thành công của Việt Nam trong trong phòng chống dịch Covid-19...; phát hiện, lên tiếng, đấu tranh, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, bịa đặt; kiên quyết đấu tranh đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chủ động phòng, chống “tự diễn biến” trong cơ quan, đơn vị. Các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm nhữngtổ chức hoạt động trái pháp luật, đối tượng coi thường kỷ cương phép nước, cố tình bôi nhọ uy tín, thanh danh cán bộ, đảng viên, nói xấu Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây hoang mang dư luận, chia rẽ đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng không tốt đến công tác chuẩn bị nhân sự của đại hội đảng các cấp, Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc là nhiệm vụ quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị mà trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ góp phần hạn chế những thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Thái Hà - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc