Để báo chí thực sự giữ vai trò chủ lực trong đấu tranh phòng, chống suy thoái
EmailPrintAa
15:55 21/06/2018

Thực tế cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho thấy báo chí giữ vai trò hết sức quan trọng. Thế nhưng bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát huy vai trò của các cơ quan báo chí và các nhà báo trong cuộc đấu tranh này còn không ít vấn đề đặt ra.

Vai trò báo chí và những vấn đề đặt ra

Trong kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng, khi phân tích thực trạng tình hình công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đã chỉ rõ: “Việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”. Khi chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng nêu rất rõ, đó là tình trạng: “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng...”, "Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước", trong đó không thể không nói tới vai trò, trách nhiệm của các nhà báo, các cơ quan báo chí.

Tại cuộc Tọa đàm “Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức gần đây, đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các cơ quan báo chí thống nhất khẳng định: Báo chí là lực lượng chủ lực trong tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đồng thời báo chí là đội quân xung kích trong việc phát hiện, nhận diện, phản ánh tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những hiện tượng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Với vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, báo chí tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát cán bộ, đảng viên. Báo chí thực sự trở thành trợ thủ đắc lực trong việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng với đó, báo chí cả nước đã đấu tranh, phản bác, đáp trả mạnh mẽ với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động, từ đó góp phần đấu tranh phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tuy nhiên bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thời gian qua còn nhiều vấn đề đặt ra. Đáng chú ý là một số nhà báo và cơ quan báo chí có biểu hiện thờ ơ với chính trị, thiếu quan tâm đến những vấn đề lớn, những sự kiện quan trọng của đất nước; chưa thực sự đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu; thông tin sai sự thật, thiếu nhạy bén chính trị, nhiều thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật quốc gia bị lộ lọt để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá. Không ít cơ quan báo chí chưa quan tâm phát hiện, cổ vũ động viên cái mới, cái tiến bộ, người tốt-việc tốt mà nặng đi vào khai thác những mặt trái, tiêu cực của xã hội, thông tin theo xu hướng thương mại hóa, ảnh hưởng không tốt tới dư luận xã hội. Trước sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội, rất cần phải nhấn mạnh vai trò chủ lưu của báo chí chính thống. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, ở nhiều vấn đề, sự kiện, vụ việc, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống chưa được phát huy tốt. Thậm chí có cơ quan báo chí, có nhà báo còn “a dua”, nói theo mạng xã hội... Đây là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí cần phải được đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu với lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cuộc gặp mặt đầu năm 2017, sau khi thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của báo chí, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: “Việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay là rất cần thiết, cấp bách. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, Đảng ta xác định cần đề cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí...”. Quán triệt và thực hiện tinh thần ấy, trước hết, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần nắm chắc Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tập trung khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém trong công tác thông tin tuyên truyền nói chung và trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nói riêng trong thời gian qua. Các cơ quan báo chí mà trước hết là lãnh đạo, người đứng đầu cần thấu suốt tư tưởng, quan điểm lãnh đạo, quản lý báo chí của Đảng và Nhà nước để thường xuyên tổ chức, điều hành cơ quan mình hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ, không chạy theo thị hiếu tầm thường, không sa vào thương mại hóa, không để diễn ra suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cơ quan. Đi đôi với chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí trong sạch vững mạnh, lãnh đạo các cơ quan phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, phương pháp tác nghiệp cho đội ngũ những người làm báo. Đặc biệt, cần giáo dục cho cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tình hình hiện nay.

Kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống"

Một trong những yêu cầu rất quan trọng đối với báo chí trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là đề cao tính thuyết phục. Khi thể hiện tác phẩm trên mặt trận này phải làm sao để không chỉ các tầng lớp nhân dân, các đối tượng, mà ngay cả những phần tử phản động, cơ hội chính trị, những người có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng phải thấy có lý, có tình, phải tâm phục, khẩu phục. Để đạt được điều đó, những luận điểm, vấn đề nêu ra phải nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, cần phải có các số liệu, sự việc, dẫn chứng để chứng minh...

Yêu cầu đặt ra đối với các tác phẩm đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là: Tính “bút chiến” cao, tính định hướng rõ ràng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy "xây" làm chính. Trong đó, dòng thông tin chủ đạo phải là tuyên truyền một cách thuyết phục về các thành tựu kinh tế-xã hội; tuyên truyền một cách khách quan, đầy đủ những mặt tích cực, những mặt còn hạn chế trong xã hội, không "tô hồng" thành tích, không thổi phồng khuyết điểm, không lấy vụ việc giật gân để câu khách. Đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực phải trên tinh thần xây dựng, lấy “xây” làm chính, lấy “xây” để “chống” và ngược lại.

Các tác phẩm báo chí đấu tranh trực diện với luận điệu sai trái, thù địch; những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là cần thiết, nhưng điều quan trọng có tính quyết định là phải làm sao để chúng ta ngày càng mạnh, càng tốt hơn lên và báo chí đóng vai trò rất lớn trong công việc này. Trọng tâm của vấn đề chính là làm thế nào để xây dựng xã hội thông tin lành mạnh. Quan điểm chung của chúng ta là “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Điều này đòi hỏi thông tin báo chí phải khách quan, trung thực, đặc biệt là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, không để người dân bị “phơi nhiễm” bởi những thông tin tiêu cực, độc hại. Theo tinh thần đó, các nhà báo cần “gạn đục khơi trong”, chủ động, tích cực, kịp thời phát hiện và biểu dương, cổ vũ, nhân rộng các tấm gương người tốt-việc tốt, những mô hình điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự phát hiện, bảo vệ, cổ vũ, động viên, tạo sức lan tỏa của báo chí sẽ góp phần làm cho cái tốt, cái tích cực ngày càng nảy nở, phát triển và cái xấu, cái tiêu cực ngày càng bị lấn át, đẩy lùi. Khi những mảng màu tươi sáng được lan tỏa sâu rộng thì chắc chắn những mảng tối trong xã hội sẽ bị thu hẹp...

Bên cạnh lực lượng các nhà báo, các phóng viên, biên tập viên chủ chốt, từng cơ quan báo chí rất cần xây dựng một mạng lưới cộng tác viên là những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cây bút viết chính luận... để phản ứng kịp thời trước các sự kiện, vấn đề nảy sinh. Trong sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội... triệt để lợi dụng ưu thế của internet và mạng xã hội, đặc biệt là qua kênh chia sẻ video trực tuyến YouTube... để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Cùng với việc tích cực cho ra đời những tác phẩm có tính chiến đấu cao, định hướng rõ ràng,... những người làm công tác tuyên truyền nói chung, các nhà báo nói riêng phải không ngừng học hỏi về công nghệ mạng, truyền thông mạng để đấu tranh, phản bác ngay trên hệ thống mà chúng sử dụng để chống phá ta.

Khẳng định vai trò chủ lực của báo chí là cần thiết, nhưng điểm mấu chốt trong cuộc đấu tranh này là phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các mặt trận, các lực lượng, bằng cả sức mạnh nội lực và ngoại lực. Cần phải xác định cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ không phải là nhiệm vụ của riêng lực lượng, tập thể nào, cá nhân ai. Toàn “binh chủng báo chí” và các tổ chức chính trị, xã hội phải đồng tâm hiệp lực tạo thành làn sóng mạnh mẽ đấu tranh phản bác kiên quyết, kịp thời, có hiệu quả các luận điệu phá hoại chính trị, tư tưởng, góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; không nên chỉ tập trung vào một số cơ quan báo chí, truyền thông chủ yếu của Đảng và Nhà nước.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc